Ngày 20/7, Mỹ và Đức đã đạt được thỏa thuận sơ bộ, cho phép dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 được hoàn thiện. Thỏa thuận này dự kiến sẽ được công bố vào ngày 21/7 (theo giờ Mỹ), theo đó sẽ chấm dứt nhiều năm căng thẳng giữa hai nước.
Theo thỏa thuận này, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ chấm dứt sự phản đối lâu nay của Washington đối với dự án Dòng chảy Phương Bắc 2. Đây được coi là sự thay đổi lập trường của Mỹ sau nhiều năm tranh cãi về số phận của dự án này. Trong khi đó, Đức sẽ đồng ý hỗ trợ Ukraine trong ngoại giao năng lượng và các dự án trong lĩnh vực này. Các nguồn tin cho hay, Đức đồng ý đóng góp 1 tỷ USD để giúp Ukraine chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch hơn cũng như cải thiện an ninh năng lượng.
Hồi tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Angela Merkel không đạt được thỏa thuận về đường ống khí đốt trong cuộc gặp song phương, tuy nhiên nhất trí rằng Nga không được phép sử dụng năng lượng làm vũ khí chống lại các nước láng giềng.
Các quan chức Mỹ dưới thời 2 chính quyền tiền nhiệm đã phản đối dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 do lo ngại dự án sẽ làm gia tăng sự ảnh hưởng của Nga đối với châu Âu thông qua việc cung cấp khí đốt tự nhiên cũng như gây tổn hại cho Ukraine, quốc gia sẽ bị mất khoản phí vận chuyển cho hoạt động vận chuyển khí đốt. Hiện tại, phần lớn xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu đều đi qua Ukraine. Nhờ đó, hàng năm Ukraine sẽ nhận được hàng tỷ USD phí vận chuyển.
Tuy nhiên, sau khi đắc cử, Tổng thống Joe Biden hồi tháng 5 đã gỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với công ty thực hiện dự án này. Động thái này là một thay đổi trong chính sách của Mỹ và được coi là một nỗ lực của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm củng cố quan hệ với các đồng minh châu Âu, đặc biệt là Đức.
Phát biểu với báo giới ngày 20/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói rất rõ trong cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel vào tuần trước rằng Washington tiếp tục phản đối đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga.
Mặc dù vậy, Washington thừa nhận rằng các lệnh trừng phạt này khó có thể ngăn cản việc xây dựng đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2. Và đây là lý do khiến Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 19/5 công bố miễn áp đặt trừng phạt vào công ty thực hiện dự án Dòng chảy Phương Bắc, căn cứ vào các lợi ích của Mỹ, theo cam kết của Tổng thống Joe Biden nhằm xây dựng lại quan hệ với các đồng minh châu Âu.
Về phần mình, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thừa nhận những khác biệt, song khẳng định hai bên đều nhất trí rằng Ukraine cần phải là một điểm trung chuyển khí đốt của Nga ngay cả khi dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 đi vào hoạt động.
Thỏa thuận đạt được giữa Mỹ và Đức sẽ cho phép Nga tăng gấp đôi số lượng khí tự nhiên xuất khẩu trực tiếp sang Đức thông qua đường ống ngầm dưới Biển Baltic thay thế đường ống chạy qua Ukraine.
Trước đó, đường ống dẫn khí Dòng chảy Phương Bắc 2 trị giá 11 tỷ USD, dài 1.230 km để vận chuyển khí tự nhiên từ vùng Bắc Cực của Nga sang Đức là nguồn cơn dẫn đến những rạn nứt trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương những năm qua khi Mỹ cho rằng đường ống này có thể khiến Nga tăng cường ảnh hưởng với các đồng minh của Mỹ ở châu Âu.
Mỹ từ lâu chỉ trích dự án này, đồng thời đe dọa trừng phạt các công ty tham gia xây dựng đường ống. Mỹ cũng đang tìm cách bán khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ các mỏ đá phiến sang châu Âu, trong đó có một số quốc gia như Ba Lan, Latvia và Litva.
Quan hệ Mỹ - Đức đã được cải thiện đáng kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, dù hai nước vẫn còn mâu thuẫn trong một số vấn đề./.
Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam