Những thách thức đe dọa tương lai nhân loại khi Trái Đất 'gánh' 8 tỷ người

Chủ nhật - 20/11/2022 14:09
Thế giới đã có 8 tỷ người và được dự báo vẫn tiếp tục tăng trong ít nhất nửa thế kỷ tới, dẫn tới những áp lực đối với thiên nhiên và với chính xã hội loài người. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Những thách thức đe dọa tương lai nhân loại khi Trái Đất 'gánh' 8 tỷ người
Thế giới đã có 8 tỷ người và được dự báo vẫn tiếp tục tăng trong ít nhất nửa thế kỷ tới, dẫn tới những áp lực đối với thiên nhiên và với chính xã hội loài người.
 
Theo thống kê của giới khoa học, trong khoảng 50 năm trở lại đây, dân số thế giới tăng gấp đôi, kinh tế thế giới đã tăng gần gấp 4 lần và thương mại toàn cầu đã tăng tới 10 lần. Nhưng đi kèm với đó, thiên nhiên đang bị tàn phá với “tốc độ hủy diệt”. Cột mốc dân số thế giới đạt 8 tỷ người khiến việc tìm lời giải cho bài toán làm sao để loài người chung sống thân thiện với thiên nhiên, trong sự bình đẳng và đảm bảo những quyền sống cơ bản vì sự tồn vong của chính mình, càng trở nên cấp bách.
 
Người dân di chuyển trên đường phố tại Rome, Italy. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Người dân di chuyển trên đường phố tại Rome, Italy. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Liên hợp quốc (LHQ) dự báo dân số thế giới sẽ vẫn tiếp tục tăng lên khoảng 8,5 tỷ người vào năm 2030, trước khi lên 9,7 tỷ người vào năm 2050 và thực sự đạt đỉnh khoảng 10,4 tỷ người vào năm 2080. Thế giới đông đúc hơn phản ánh sự đa dạng và những tiến bộ đã đạt được trong phát triển loài người, nhưng cũng là lúc cần nhận thức rõ hơn trách nhiệm chung với Trái Đất. Thêm nhiều người là thêm nhiều áp lực cho thiên nhiên, chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ tài nguyên của con người.
 
Con người vẫn phải lấn chiếm thiên nhiên hoang dã để có nguồn nước, nguồn thức ăn và không gian sinh sống, gây ra những thách thức lớn về môi trường, trong đó phải kể đến biến đổi khí hậu, phá rừng và mất đa dạng sinh học. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên cung cấp thức ăn, nước uống hay năng lượng sẽ ngày càng khan hiếm khi con người tiếp tục tiêu thụ các nguồn tài nguyên một cách thiếu bền vững. Các chuyên gia cảnh báo dân số tăng nhanh kết hợp với biến đổi khí hậu cũng dẫn tới tình trạng di cư trên diện rộng và thêm nhiều loại hình xung đột trong những thập niên tới. Đó là chưa nói tới lượng chất thải do con người tạo ra.
 
Dân số tăng nhanh, tình trạng xâm lấn môi trường thiên nhiên xảy ra trên quy mô rộng hơn cũng tạo ra một trong những nguy cơ hàng đầu đe dọa quy mô dân số là các dịch bệnh nguy hiểm. Trong lịch sử, thời kỳ “Cái chết đen” ở thế kỷ XIV là do dịch hạch hoành hành ở châu Âu và châu Á, khiến 60% dân số ở châu Âu, Trung Đông và Bắc Phi tử vong, kéo theo dân số thế giới giảm mạnh trong giai đoạn từ năm 1300 đến 1400 từ 429 triệu xuống 374 triệu người.
 
Hay mới đây nhất, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới cả 3 yếu tố định hình sự thay đổi trong cấu trúc dân số. Theo đó, năm 2021, tuổi thọ trung bình của người dân thế giới lần đầu giảm sau nhiều năm tăng, xuống còn 71 tuổi. Ở một số quốc gia, các làn sóng dịch bệnh liên tiếp thậm chí đã dẫn tới những giai đoạn ngắn giảm số lượng phụ nữ mang thai và sinh con. Đáng lo ngại là những hậu quả về y tế trong dài hạn do ảnh hưởng của COVID-19 còn làm gia tăng nguy cơ bùng phát các dịch bệnh nguy hiểm khác khi nền tảng sức khỏe, đề kháng của con người phần nào bị ảnh hưởng.
 
Ẩn bên trong sự tăng trưởng về số lượng dân là những dịch chuyển xu hướng “có vấn đề”, trong đó phải kể đến là tốc độ tăng trưởng dân số đang chậm dần và đến lúc nào đó sẽ giảm, kéo theo xã hội loài người thu hẹp dần. Tốc độ tăng dân số thường niên vào năm 2020 là 1%, giảm mạnh so với mức 2,1% trong giai đoạn 1962-1965 và dự báo sẽ giảm xuống còn 0,5% vào năm 2050 do tỷ lệ sinh giảm liên tục.
 
Năm 2021, tỷ lệ sinh trung bình trên thế giới là 2,3 trẻ em/phụ nữ, tức là đã giảm hơn một nửa so với mức 5 trẻ em/phụ nữ vào năm 1950 và sẽ giảm xuống 2,1 trẻ em/phụ nữ vào năm 2050. Theo Quỹ Dân số thế giới của LHQ (UNFPA), thế giới đang đến giai đoạn mà đa số các quốc gia và đa số người dân đang sống ở một nước có tỷ lệ sinh thấp hơn mức sinh thay thế (2,1 trẻ em/phụ nữ) để đảm bảo sẽ có vừa đủ số bé gái để thay thế những phụ nữ trong quá trình tái sinh sản dân số thế giới.
 
Tuy nhiên, tại các nước nghèo hơn, tỷ lệ sinh vẫn liên tục duy trì ở mức cao trong khi các điều kiện chăm sóc sức khỏe giới tính và sinh sản rất thiếu thốn. LHQ ước tính hầu hết trong số 2,4 tỷ người tăng thêm để dân số thế giới đạt đỉnh vào năm 2080 sẽ được sinh ra ở vùng châu Phi phía Nam sa mạc Sahara. Để đáp ứng đầy đủ các nhu cầu từ giáo dục, y tế cộng đồng, việc làm, nguồn nước và vệ sinh môi trường đều sẽ đòi hỏi chính phủ các nước này phải tăng đáng kể chi tiêu công.
 
Trong khi đó, yếu tố chính đang thúc đẩy dân số tiếp tục tăng là do tuổi thọ trung bình của người dân tăng, dự báo sẽ đạt 77,2 tuổi vào năm 2050.  Điều này kết hợp với tỷ lệ sinh giảm dẫn tới kết quả là tỷ lệ dân trên 65 tuổi sẽ tăng từ 10% vào năm 2002 lên 16% vào năm 2050. Xu hướng “xám hóa toàn cầu” hay già hóa dân số này sẽ tác động tới các thị trường lao động, các hệ thống lương hưu quốc gia và cần nhiều hơn các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi.
 
Theo UNFPA, hiện Việt Nam được xem là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, tỷ lệ này sẽ tăng lên hơn 25%. Đến năm 2036, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”. UNFPA đánh giá sự thay đổi này ở Việt Nam không chỉ là do giảm tỷ lệ tử vong và tăng tuổi thọ mà phần lớn là do giảm mạnh tỷ lệ sinh. Ngoài việc đặt ra các vấn đề mặt y tế, xã hội, có nguy cơ tình trạng già hóa dân số tác động tới nền kinh tế Việt Nam, giảm các lợi thế của Việt Nam về lao động.
 
Đó là chưa kể những khoảng cách lớn về phát triển con người nếu nhìn vào từng khu vực. Khi thế giới có thêm nhiều người, thêm nhiều của cải và dịch vụ để giúp loài người sống khỏe mạnh hơn thì khoảng cách giàu-nghèo cũng tăng. Hiện của cải của nhóm một số tỷ phú giàu nhất tương đương với toàn bộ tài sản của một nửa dân số thuộc nhóm nghèo và nghèo nhất trên thế giới. Người dân các nước giàu có nhất cũng sống thọ hơn 30 năm so với nhóm ở các nước nghèo nhất. Độ tuổi trung bình ở những khu vực khác nhau cũng có sự chênh lệch, hiện ở châu Âu là 41,7 tuổi trong khi ở vùng châu Phi phía Nam sa mạc Sahara là 17,6 tuổi. Theo các chuyên gia, khoảng cách kỷ lục này thậm chí còn có thể tiếp tục nới rộng trong tương lai.
 
Cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng trầm trọng và quá trình phục hồi hậu COVID-19 diễn ra không đồng đều, bóng đen xung đột vẫn đe dọa nhiều khu vực, gây nguy cơ mất an ninh lương thực, năng lượng và tài chính, đặc biệt tại các nước đang phát triển, càng làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh điều đáng tiếc là khi xã hội loài người đông đúc hơn cũng trở nên chia rẽ hơn. Ông cảnh báo nếu như không thể thu hẹp khoảng cách, thế giới 8 tỷ người có nguy cơ chất chứa đầy nghi kỵ, khủng hoảng và xung đột, cản trở những nỗ lực tìm tiếng nói chung để giải quyết những thách thức đe dọa sự tồn vong của nhân loại.
 
LHQ tin rằng mối quan hệ giữa tăng trưởng dân số và phát triển bền vững rất phức tạp và đa chiều, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững thì song song với đó các chính phủ cần phải có những chính sách phát triển dân số phù hợp, linh hoạt điều chỉnh dựa trên những đòi hỏi thực tiễn, với nguyên tắc lấy con người làm trung tâm, tập trung vào chất lượng thay vì số lượng. Bên cạnh đó, như nhà lãnh đạo chính trị nổi tiếng người Ấn Độ Mahatma Gandhi từng nhấn mạnh: “Trái Đất có thể đáp ứng mọi nhu cầu của con người nhưng không thể đáp ứng được lòng tham của mỗi người”, duy trì mối quan hệ hòa hợp giữa con người với thiên nhiên để phát triển bền vững phải là xu thế chủ đạo định hình tương lai loài người.
 
Theo TTXVN
Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp