Những vấn đề trên được người đứng đầu Chính phủ đặt ra khi chủ trì hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam, sáng 21/12.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu trụ sở Chính phủ với 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi có các điểm du lịch thu hút khách quốc tế.
Tìm nguyên nhân
Đại dịch Covid-19 bùng phát đã làm tê liệt hoạt động du lịch toàn cầu. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, lĩnh vực du lịch thế giới đã trải qua cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử và phải mất 2-4 năm mới có thể lấy lại đà tăng trưởng bằng mức trước dịch. Đối với Việt Nam, ngành du lịch chưa bao giờ chịu thiệt hại nặng nề như cuộc khủng hoảng lần này.
Để sớm phục hồi du lịch, Việt Nam quyết định mở cửa từ 15/3/2021, trước nhiều nước trong khu vực, đồng thời khôi phục chính sách miễn thị thực và xuất nhập cảnh; không yêu cầu có chứng nhận tiêm chủng vaccine và dừng việc khai báo y tế với người nhập cảnh…
Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam. Ảnh: Nhật Bắc/VGP. |
Song khi phát biểu khai mạc tại hội nghị thúc đẩy du lịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính trăn trở: “Việt Nam mở cửa nền kinh tế sớm so các nước khác khi vẫn còn đang dịch Covid-19. Ngay sau đó, chúng ta quyết định tổ chức SEA Games 31, mở cửa du lịch… Đây là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, trong khi du lịch nội địa phục hồi mạnh, số lượng du khách vượt kế hoạch đề ra thì du lịch quốc tế vẫn có điểm nghẽn”.
Lãnh đạo Chính phủ đề nghị phân tích rõ nguyên nhân tại sao Việt Nam lại "đi trước, về sau" trong phục hồi du lịch quốc tế.
"Do cơ chế hay cách làm? Do tổ chức thực hiện hay các bộ, ngành chưa làm đầy đủ trách nhiệm? Các doanh nghiệp đã làm gì? Đã đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng trong lĩnh vực du lịch chưa? Sản phẩm du lịch có nhiều đổi mới sáng tạo chưa? Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đã đưa vào ngành du lịch chưa? Công tác truyền thông, quảng bá du lịch đã xứng tầm chưa?", Thủ tướng đặt vấn đề.
Ông một lần nữa nhấn mạnh quyết tâm khôi phục ngành du lịch, tạo sự phát triển đột phá trong năm 2023 với việc thu hút khách du lịch quốc tế, lấy văn hoá làm nền tảng thúc đẩy phát triển du lịch.
Khách quốc tế đến Việt Nam còn hạn chế
Theo Bộ VHTT&DL, thị trường du lịch đã dần khôi phục trở lại, nhất là du lịch nội địa. Các doanh nghiệp lữ hành đã bắt đầu quay lại thị trường; mở thêm nhiều dịch vụ.
Trong khi đó, hơn 90% cơ sở lưu trú du lịch trên cả nước đã hoạt động trở lại bình thường. Dịp cao điểm du lịch hè vừa qua, công suất phòng khách sạn tăng cao, một số nơi như Hạ Long, Sa Pa, Quy Nhơn, Phú Quốc có thời điểm đạt công suất trên 95%.
Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng báo cáo về tình hình phục hồi thị trường du lịch. Ảnh: Nhật Bắc/VGP. |
Các hãng hàng không đã mở thêm nhiều đường bay quốc tế mới: Vietjet Air đã mở thêm 22 đường bay quốc tế mới; Bamboo Airways tính đến thời điểm này đang khai thác 25 đường bay; Vietnam Airlines đã mở lại tất cả đường bay quốc tế so thời điểm trước dịch trừ Moscow (Nga), Rangoon (Myanmar), mở thêm đường bay đi San Fransisco (Mỹ) và Ấn Độ.
Các đường bay nội địa tới một số địa bàn du lịch trọng điểm như: Phú Quốc, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang... đều tăng cao, mỗi ngày có hàng chục chuyến. Các chặng còn lại như TP.HCM/Hà Nội tới Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn... giá vé cao điểm hè cũng tăng hơn 20% so với các tháng trước đó…
Tuy nhiên, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam còn hạn chế do nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã đón 2,9 triệu khách quốc tế (tăng 21,1 lần so cùng kỳ năm 2021, nhưng vẫn giảm 81,9% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch). Trong số 2,9 triệu khách quốc tế đến Việt Nam 11 tháng năm 2022, có 2,7 triệu khách du lịch (chiếm 93,1%).
Tính chung cả năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,5 triệu lượt, bằng 70% so chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm. Trong khi đó, khách nội địa ước đạt 101,3 triệu lượt (tăng hơn gấp rưỡi so mục tiêu đặt ra 60 triệu lượt khách, vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019).
Báo cáo của Bộ Văn hóa cho thấy tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495.000 tỷ đồng, vượt hơn 23% so kế hoạch năm 2022 và bằng 66% so năm 2019.
Những cuốn sách hay về đô thị, thắng cảnh Việt Nam
Đất nước gấm hoa không đơn thuần là một atlas địa lý, mà như một cẩm nang hình ảnh sinh động, cô đọng về thông tin khi đề cập đến 63 tỉnh thành Việt Nam.
Quốc hội dự kiến bàn 4 nội dung trong kỳ họp bất thường lần 2Trong kỳ họp dự kiến diễn ra đầu năm 2023, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 4 nội dung, trong đó có Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. |