Hàng năm cứ đến 20-11là các phương tiện truyền thanh lại vang lên những bài hát về mái trường, về thầy cô giáo. Mỗi bài đều có nội dung ca ngợi công ơn thầy cô với giai điệu tha thiết tình cảm, để ta sẽ bâng khuâng nhớ về tuổi học trò cùng với thầy cô, bạn bè.
Nếu bài “Bụi phấn” của Vũ Hoàng với hình ảnh những hạt bụi phấn rơi trên mái tóc người thầy gợi ta nhớ đến tuổi học trò tiểu học: “Khi thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi; Có hạt bụi nào rơi trên tóc thầy...” thì bài “Người thầy” của Nguyễn Nhất Huy lại có nét chững chạc hơn trong cách cảm nhận và suy nghĩ của học trò dành cho thầy giáo của mình: “Người thầy vẫn lặng lẽ đi về sớm trưa; Từng ngày giọt mồ hôi rơi đầy trang giấy...”.
Bài hát khiến mình nhớ đến thầy giáo dạy mình lớp 2 trường làng. Thầy nhỏ nhẹ ân cần chu đáo với mọi học sinh. Còn nhớ khi mình đọc truyện Võ Thị Sáu xong rồi tất cả nhãn vở mình ghi tên mình thành họ Võ. Thầy cười và bảo bố mình: ”Chắc cháu mới đọc truyện Võ Thị Sáu”. Thầy cũng không đánh học trò bao giờ. Bực lắm thầy lấy thước gõ lên bàn hoặc phệt ngang mông mấy học trò trai tinh nghịch.
Bài hát nhắc mình nhớ đến tập thể giáo viên Trường Phổ Thông Lao động của mình những năm 80 ở xứ Lạng. Chế độ khi đó nam 5 năm, nữ 4 năm đi tăng cường cho miền núi. Chợ 5 ngày 1 phiên, gạo 13.5 kg/tháng, dầu thắp đèn 2 lít, cá khô 2 ký. Gian khổ mà chan chứa nghĩa tình. Mỗi khi có ai về xuôi là những người ở lại bâng khuâng xốn xang cả tháng.
Mình nhớ người đồng nghiệp đặc biệt của mình. Người đã lên xứ Lạng đúng dịp mùa đông ghé sang xuân năm ấy. Cái giá lạnh của miền biên ải cùng những đêm đốt lửa sưởi của nhóm giáo viên nội trú - cũng là mấy anh chị em miền xuôi lên vẫn cứ khiến lòng thổn thức mỗi khi nhớ về.
Thời mình mới đi dạy, ngày 20-11 học sinh tặng quà đơn giản lắm. Tranh, ảnh, bưu thiếp… và cả những bông hoa làm bằng nhựa, hay giấy. Ngày đó, cái ngõ nhỏ nhà anh vốn không rộng lắm, nay càng chật hơn bởi những nhóm học sinh đến chúc mừng thầy cô. Nhóm này đang còn ngồi, nhóm khác đã ngấp nghé ngoài cổng. Quà có khi là bức tranh in trên giấy khổ lớn, hình em bé, hình lẵng hoa… Nhóm trưởng thì không xao lãng nhiệm vụ của mình: thay mặt lớp chúc mừng thầy, cô. Rồi lại kéo rồng rắn đến nhà thầy cô khác. Cứ như thế, học trò vô tư vui trọn ngày mà không biết thầy cô phải đến hết ngày khi thấy học sinh đều an toàn cả mới thở phào vì lo khi học sinh ào ào vừa đi vừa trêu chòng nhau.
Khi thành phụ huynh, mỗi khi ngày 20-11 đến thì tùy từng hoàn cảnh cụ thể mà thăm hỏi, chúc mừng thầy cô. Với các bé mẫu giáo hay tiểu học thì bố mẹ thường chở con mình đến nhà thầy cô. Vừa chúc mừng, vừa tranh thủ nghe thầy cô nói về việc học tập rèn luyện của con. Với các lớp lớn, thường tổ chức theo lớp nên bố mẹ thường cho con tiền góp với lớp mua quà. Cũng có một số gia đình đi chúc mừng và tặng quà cho từng giáo viên. Những năm gần đây để tránh sự đi lại có thể gây nguy hiểm cho học sinh, một số trường tổ chức lễ kỉ niệm ngày nhà giáo tại trường, học sinh tặng quà, chúc thầy cô cũng tại trường. Niềm vui nhà giáo chỉ đơn sơ là vậy. Ngồi giữa vòng vây những gương mặt học trò hân hoan, rạng rỡ đang nói cười rộn rã đó, thầy cô chỉ mỉm cười bao dung khi nghe học trò thi nhau kể tội trêu chọc nhau.
20-11 năm nay, ngày lễ của các thầy cô cũng không thể tổ chức như trước đây. Những nơi nào thuộc vùng xanh thì có thể làm lễ trong phạm vi nhất định về không gian, số người. Những nơi khác thì tổ chức online. Trên màn hình máy tính, thầy cô và các em vẫn tương tác, có chào hỏi, chúc mừng. Vẫn râm ran tiếng cười khi thầy cô nhắc đôi bạn nào đó đang liếc trộm nhau, nhưng vẫn thèm cái bầu không khí cả khoảng sân trường rộng khắp, cờ hoa tưng bừng rực rỡ, những bài hát về thầy cô, mái trường rộn rã, những khuôn mặt ánh mắt lấp lánh niềm vui, cũng thèm cảnh lũ học trò ngồi sát bên nhau, quây quanh thầy cô mà lao xao nói cười, trêu giỡn nhau, nhấm nháy nhóm trưởng đứng lên tặng hoa, chúc thầy cô rồi lại rồng rắn đến nhà thầy cô khác cũng lại như thế.
Chiếc loa phát thanh nào vẫn đang phát bài “Bụi phấn”, bất giác thấy mình cũng đang nhẩm hát theo. Bao nhiêu thương nhớ trào dâng, lại thấy như thuở nào ngồi trong phòng khách nhà cô chủ nhiệm, cùng các bạn nói cười rộn rã và ánh mắt ân cần của cô đang nhìn học trò trường huyện trung du.
BÍCH THIÊM