Tối khuya còn nhận được thông báo từ trường của con: Từ mai tạm nghỉ học không đến trường, phụ huynh theo dõi cháu tại nhà đủ 7 ngày vì trong lớp có bạn bị bệnh(!) Cảm giác hẫng hụt và hơi choáng váng. Vậy là mình cũng thuộc đối tượng phải ở nhà để tự theo dõi rồi. Có bao giờ nghĩ ra cảnh này, khi mối nguy đột ngột xuất hiện ngay trong nhà mình? Vợ chồng vừa bàn cách hạn chế tiếp xúc ở nhà, lo các loại thuốc nước uống phòng cho con, vừa lập cập báo với cơ quan xin tự theo dõi ở nhà, cố gắng làm việc từ xa…
Đã từng trải qua 3 tháng cao điểm dịch bệnh, cả nhà loanh quanh trong mấy căn phòng nhỏ, mỗi khi có ý định ra đường phải tìm đủ loại giấy tờ thủ thân, tự nhiên trở nên rất nhạy cảm với những thông tin kiểu này. Cho dù bạn an ủi, tiêm vắc xin phủ cơ bản rồi, cuộc sống bây giờ là bình thường mới phải tập làm quen thích ứng với những sự cố kiểu này. Biết là vậy, chả thể nào cứ căng dây phong tỏa hoài, nhưng nghe những con số hàng ngày nhảy múa vẫn cứ thường trực là cảm giác e dè. Vẫn không thể quên hình ảnh mấy tháng trước, đi làm về khuya, qua chung cư cạnh nhà thấy dân quân đứng lập chốt ngay cổng ra vào, xe cấp cứu nháy đèn đỏ lòe. Bên trong mấy bóng người trùm đồ bảo hộ xanh kín mít, lếch thếch kéo va li ra xe. Nhìn có mấy bóng người lố nhố cao thấp, bóng thấp biết đó là trẻ em mà lòng nghẹn thắt.
Rồi 7 ngày nặng nề cũng qua, ơn trời là cả nhà bình yên. Nhưng đến lúc này tự nhiên chả muốn đi làm, thấy bước ra khỏi nhà là bao nhiêu nguy cơ rình rập. Ngày đầu tiên được trở lại cơ quan đi làm như thường lệ, thấy trong lòng đầy nghi ngại. Đi qua mấy quán cà phê, thắc mắc sao mọi người vui chuyện gớm, bàn ngồi lớp lớp chuyện trò rôm rả. Tới cơ quan, quét mã xong là chui tụt vào chỗ ngồi, chả dám nói chuyện với ai. Thấy có ai vào phòng là vội chỉnh lại khẩu trang coi xem thật kín chưa, có hỏi gì cũng chỉ gật và lắc… Có việc qua phòng sếp, rón rén mở cửa đặt tập tài liệu ngay bàn nước cạnh cửa ra vào rồi thụt ra thật nhanh mà không kịp nghe sếp dặn gì. Ra ngoài vớ lấy chai cồn xịt xoa tay thật kỹ, ai biết nắm cửa phòng sếp một ngày bao nhiêu người đụng vô.
Sáng Chủ nhật, bạn réo gọi đi cà phê với lời mời hấp dẫn: “Anh em lâu quá chưa gặp nhau, sáng nay em dặn quán để cho anh em mình bàn riêng trên góc sân thượng, biệt lập theo tiêu chuẩn khách ruột nhé”. Cái chỗ ngồi quen thuộc của mấy anh em, vậy mà từ đầu dịch đến giờ, mấy tháng chưa gặp lại. Hào hứng rủ nhau, nhưng chợt nghĩ đến cảnh leo lên sân thượng phải đi qua mấy tầng đông đúc khách ở dưới, đã vậy mấy em phục vụ hàng ngày tiếp xúc đủ loại khách… vậy là nguội lạnh!
Ngồi một mình, nhiều khi tự hỏi vì đâu mà mình trở nên đổi tính đổi nết, thận trọng quá đến mức… khó chịu vậy? Vì sao có mấy tháng trời mà mình tự thấy mình hóa ra một người khác? Nhìn đâu cũng thấy nguy cơ, tiếp xúc với ai cũng ngỡ như nhìn thấy mầm bệnh, để rồi lười tiếp xúc, rất sợ đám đông?
Nghe tôi lẩn thẩn tự hỏi mình, bạn tôi cười phá, nói đâu phải mình tôi bị hội chứng này. Thời gian qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tâm sinh lý của người dân, nhất là những người bị nằm trong khu phong tỏa dài ngày. Nhiều người vì bị mắc bệnh hoặc sợ bị mắc bệnh, gặp khó khăn về kinh tế, ít được giao tiếp… nên rơi vào lo âu, thậm chí là rối loạn cảm xúc, trầm cảm, hoang tưởng. Không tin bạn cứ vô mạng, gõ chữ “sang chấn tâm lý vì đại dịch” mà coi, chỉ 0,60 giây sẽ cho ta 312 triệu kết quả.
Nghe bạn nói mà thấy... yên yên lòng, đúng có bạn bè có khác. Nghĩ lại thấy mình cũng may là chưa bị nặng lắm, bằng chứng là mấy tháng cao điểm dịch vừa rồi, lên mạng cả ngày mà không có nói nhảm vung vít, chưa tốn mớ tiền phạt nào(!)
Thủy Ngân