Sau hơn 1 tháng dàn dựng, tập luyện, chương trình nghệ thuật mới của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng với tên gọi Tinh hoa xứ Trầm đã được công diễn báo cáo và nhận sự đánh giá cao từ Hội đồng nghệ thuật của Sở Văn hóa và Thể thao.
Đậm sắc màu dân gian
Với thời lượng gần 50 phút, gồm 6 tiết mục ca múa nhạc tổng hợp được chia làm 2 phần, chương trình đã dẫn dắt người xem đến với những sắc màu văn hóa truyền thống ở vùng đất Khánh Hòa. Phần 1 với chủ đề Trầm tích, khán giả được thưởng thức những nét đẹp của văn hóa Chăm, văn hóa Raglai thông qua những tiết mục: Huyền thoại Thiên Y Thánh Mẫu, Văn hóa cộng đồng, Bến nước tình yêu, Tiếng rừng. Phần 2 với chủ đề Nha Trang vòng tay bè bạn, phô diễn nét văn hóa của những cư dân miền biển với làn điệu hò bá trạo, cảnh giong thuyền vượt sóng ra khơi, tình yêu biển cả. Chương trình còn có tiết mục giao lưu múa sạp trên nền nhạc dân tộc Việt Nam và Liên bang Nga.
Tất cả các tiết mục trong chương trình Tinh hoa xứ Trầm đều có sự liền lạc với nhau và được gắn kết để trở thành một câu chuyện xuyên suốt về vẻ đẹp, giá trị văn hóa truyền thống của xứ trầm - biển yến - đất Khang Ninh. “Chúng tôi luôn ý thức và cố gắng đưa đến cho khán giả những tác phẩm biểu diễn có chất lượng nghệ thuật, giá trị thẩm mỹ. Chính vì thế, chương trình Tinh hoa xứ Trầm được dàn dựng như một bức tranh quê hương liên hoàn với những ngôn ngữ nghệ thuật đa dạng về thể loại, loại hình diễn tấu, màu sắc âm nhạc”, ông Trần Đức Hà - Trưởng Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng cho biết.
Theo NSƯT Hoàng Minh Tâm, chương trình nghệ thuật Tinh hoa xứ Trầm ngắn gọn, súc tích và thể hiện được khá đầy đủ nét văn hóa Khánh Hòa, văn hóa truyền thống dân tộc nhưng cũng rất hiện đại, phù hợp với thị hiếu nghệ thuật hiện nay. Với kết cấu các tiết mục trong chương trình chặt chẽ, có chất lượng nghệ thuật tốt, chương trình không chỉ đáp ứng được yêu cầu của khán giả mà có thể sử dụng để tham gia các cuộc thi ca múa nhạc. Nhạc sĩ Hình Phước Liên cho rằng, các tiết mục trong chương trình tương đối hoàn chỉnh và tạo được ấn tượng ngay với người xem. Trong đó, đoàn đã có sự đầu tư tập trung cho phần thể hiện của dàn nhạc dân tộc.
Phát huy nội lực
Ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao: Chương trình mang màu sắc dân gian, dân tộc đặc trưng nhưng cũng rất phù hợp với nhu cầu của khán giả hiện nay. Từng tiết mục và cả chương trình đã cho thấy sự tiến bộ rõ nét của tập thể đoàn. Tuy nhiên, vẫn còn những chi tiết cần được tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện để phục vụ khán giả những tiết mục tốt nhất. |
Chương trình Tinh hoa xứ Trầm do ê-kíp thực hiện đều là những nhân sự của đoàn. Từ kịch bản, âm nhạc, hòa âm phối khí, biên đạo múa, âm thanh, ánh sáng, thiết kế sân khấu, dẫn chương trình… hoàn toàn do những nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, hậu đài của đoàn đảm nhiệm. Ở đó, chúng ta thấy được những gương mặt nghệ sĩ trẻ như Văn Tấn, Đức Thọ, Nhật Hoàng, Trọng Khải… sát cánh cùng những nghệ sĩ lớp trước như Đức Hà, Anh Dũng, Ái Quốc… “Để xây dựng nền tảng phát triển lâu dài của đoàn, chúng tôi đã mạnh dạn cho lực lượng nghệ sĩ, biên đạo trẻ phát huy tài năng sáng tạo nghệ thuật. Vì thế, các tiết mục trong chương trình đã được xây dựng trên nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của khán giả, nhưng đồng thời đáp ứng được sự lựa chọn của khách hàng trong hoạt động dịch vụ biểu diễn”, ông Trần Đức Hà chia sẻ.
Với yêu cầu thực hiện song song nhiệm vụ biểu diễn phục vụ các đối tượng khán giả trong và ngoài tỉnh, vừa tổ chức hoạt động dịch vụ theo lộ trình xã hội hóa, khi theo dõi chương trình, người xem thấy được tính thống nhất giữa các tiết mục, nhưng mỗi tiết mục cũng có sự độc lập, linh hoạt riêng. Đây là yếu tố cần thiết để khi xây dựng từng chương trình biểu diễn cụ thể đoàn sẽ sắp xếp, bố trí đan xen những tiết mục mới với những tiết mục đã có trước đây cho phù hợp.
Ánh Đào
(Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa)