Ngày 24-11, Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra bằng hình thức trực tuyến giữa địa điểm chính tại Thủ đô Hà Nội kết nối với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhân dịp này, Báo Khánh Hòa phỏng vấn ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa về sự gắn kết giữa xây dựng, phát triển văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội trên địa tỉnh.
- Quán triệt, thực hiện quan điểm, mục tiêu của Đảng về tầm quan trọng của văn hóa, xin ông cho biết, những năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã cụ thể hóa những chủ trương, chính sách về văn hóa như thế nào?
- Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước. Trong Di chúc thiêng liêng, Người căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Đảng ta đã xác định mục tiêu xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.
Quán triệt, thực hiện quan điểm, mục tiêu của Đảng về tầm quan trọng của văn hóa, Đảng bộ tỉnh đã cụ thể hóa thành Chương trình hành động số 23-CTr/TU, ngày 23-10-2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; đồng thời đưa nhiệm vụ về xây dựng, phát triển văn hóa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh các nhiệm kỳ. Trong đó, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tập trung xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người Khánh Hòa phát triển toàn diện, vun đắp tinh thần yêu nước, yêu lao động, lòng tự hào dân tộc; thấm nhuần tinh thần, truyền thống quê hương, đất nước, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa xây dựng phát triển văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, góp phần xây dựng Khánh Hòa ngày càng giàu đẹp, trở thành trung tâm kinh tế - du lịch, khoa học và công nghệ, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển, kinh tế du lịch và chăm sóc sức khỏe nhân dân của vùng duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và của cả nước.
- Ông có thể chia sẻ về một số điểm nổi bật trong việc thực hiện gắn kết hoạt động văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh?
- Việc ưu tiên đầu tư, phát triển 3 vùng động lực là TP. Nha Trang, khu vực vịnh Cam Ranh, Khu Kinh tế Vân Phong và 4 chương trình kinh tế - xã hội qua 2 nhiệm kỳ gần đây đã hiện thực hóa quan điểm phát triển đồng bộ, hài hòa, gắn kết chặt chẽ giữa kinh tế và văn hóa, xã hội. Kết quả nổi bật là diện mạo nông thôn, đô thị trên địa bàn tỉnh thay đổi tích cực, giảm nghèo bền vững, tạo động lực phát triển cho từng huyện, thị xã, thành phố và của cả tỉnh. Phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa đi vào thực chất hơn, với 86% cơ quan, 87% gia đình, 85% thôn/tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hóa... Trong bối cảnh cả nước đang tập trung phòng, chống dịch Covid-19, tỉnh Khánh Hòa vừa quyết tâm phòng, chống dịch có hiệu quả, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các khu vực trọng điểm, quan tâm công tác an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân; xây dựng các phương án, biện pháp ứng phó phù hợp để chung sống an toàn với dịch bệnh nhằm thực hiện tốt mục tiêu kép. Những kết quả, thành công bước đầu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh có sự đóng góp của hoạt động văn hóa như: Phong trào “Toàn dân tham gia xây dựng địa bàn an toàn trong phòng, chống Covid-19”; việc tổ chức tuyên truyền lưu động, cuộc vận động mỗi cán bộ, công chức, viên chức ủng hộ ít nhất một ngày lương để ủng hộ Quỹ hỗ trợ người gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh theo phương châm “người có lương hỗ trợ người không có lương, người có thu nhập hỗ trợ người không có thu nhập”; các “Gian hàng 0 đồng”, các hoạt động tương thân, tương ái… góp phần nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.
Bên cạnh đó, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa luôn được quan tâm. Cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động văn hóa được đầu tư, nâng cấp; chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa ngày càng được nâng lên; sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc và quy định của Nhà nước. Khánh Hòa hiện có 16 di tích xếp hạng quốc gia, 180 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 3 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và đặc biệt hơn, Khánh Hòa là một trong những địa phương ở miền Trung có nghệ thuật bài chòi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Các di sản văn hóa tiêu biểu của cộng đồng dân cư Khánh Hòa qua các thời kỳ có giá trị về nhiều mặt như: Văn hóa, khoa học, lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật… mang đậm dấu ấn, bản sắc của con người và vùng đất Khánh Hòa, là nguồn lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Nhiều công trình di tích văn hóa, lịch sử được đầu tư trùng tu, nâng cấp như: Văn miếu Diên Khánh, Thành cổ Diên Khánh, Tháp bà Ponagar, Miếu Trịnh Phong, Đền thờ Trần Quý Cáp, Lăng Bà Vú, Địa điểm lưu niệm tàu C235, Phủ đường Ninh Hòa… Hàng năm, tỉnh có gần 800 lễ hội được tổ chức định kỳ có quy mô từ cấp thôn trở lên. Đặc biệt, Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa được tổ chức định kỳ 2 năm/lần đã trở thành sự kiện thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
- Trong thời gian tới, để triển khai hiệu quả các quan điểm, chủ trương về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, xin ông cho biết tỉnh cần tập trung thực hiện những nội dung nào?
- Trước tiên, chúng ta phải chủ động khắc phục những tồn tại, hạn chế làm ảnh hưởng đến sự phát triển văn hóa trong mối tương quan với phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa nói chung, giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống nói riêng đối với phát triển kinh tế - xã hội. Cần nhận thức sâu sắc văn hóa là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, động lực của quá trình phát triển; văn hóa phải được đặt ngang với kinh tế, chính trị, xã hội; đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển lâu dài. Thực hiện tốt quan điểm phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa; chủ động đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tuyên truyền, thực hiện hiệu quả chuyển đổi số của tỉnh; vận động cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động văn hóa, du lịch; xây dựng môi trường thụ hưởng đời sống văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Đẩy mạnh công tác văn hóa đối ngoại, tập trung quảng bá tiềm năng, thế mạnh, những nét đặc sắc về văn hóa, vùng đất, con người Khánh Hòa đến bạn bè quốc tế. Chú trọng giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện tốt công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử có tiềm năng phát triển du lịch. Đổi mới và đa dạng hóa nội dung và phương thức tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao gắn với thực tiễn đời sống xã hội và nhu cầu của người dân. Quan tâm tạo điều kiện phát triển văn hóa, văn nghệ cho các vùng, miền, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao chất lượng hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ có chuyên môn cao, sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật có giá trị đặc sắc. Trong các nhiệm vụ, giải pháp được Đảng bộ tỉnh xác định cho nhiệm kỳ 2020 – 2025, có nội dung: “Phát triển văn hóa, xã hội theo hướng bền vững, tiếp tục quan tâm công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, trong đó chú trọng giá trị văn hóa truyền thống; quan tâm đầu tư các công trình văn hóa trọng điểm, các thiết chế văn hóa…”. Đây là định hướng quan trọng để Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa cùng với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân lập quyết tâm xây dựng những thành tựu mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó có xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời đại mới.
- Xin cảm ơn ông!
NHÂN TÂM (Thực hiện)