Những địa chỉ đỏ về nguồn

Thứ sáu - 26/11/2021 13:40
Mới đây, chính quyền 2 xã Ninh Phú và Ninh Sơn (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với 2 di tích Hòn Hèo, Đá Bàn một cách trang trọng, ý nghĩa. Lãnh đạo 2 địa phương cũng nêu quyết tâm gìn giữ, quảng bá, phát huy giá trị di tích trong cuộc sống hôm nay. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Những địa chỉ đỏ về nguồn

Mới đây, chính quyền 2 xã Ninh Phú và Ninh Sơn (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với 2 di tích Hòn Hèo, Đá Bàn một cách trang trọng, ý nghĩa. Lãnh đạo 2 địa phương cũng nêu quyết tâm gìn giữ, quảng bá, phát huy giá trị di tích trong cuộc sống hôm nay.


Niềm tự hào của địa phương


Đúng vào ngày thành lập Đảng năm nay, UBND tỉnh đã ban hành quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với 2 di tích Hòn Hèo và Đá Bàn. Cụ thể, địa điểm chính của di tích Hòn Hèo nằm ở khu vực Hòn Ngang (xã Ninh Phú), còn di tích Đá Bàn nằm ở khu vực Đá Trải (xã Ninh Sơn). Căn cứ cách mạng Hòn Hèo là một dãy núi nằm ở phía Đông của thị xã Ninh Hòa, với diện tích gần 200km2. Nơi đây có nhiều suối, hang, gộp tự nhiên liên hoàn, xen kẽ là cây rừng rậm rạp. Tháng 8-1948, Tỉnh ủy Khánh Hòa chọn Hòn Hèo làm căn cứ kháng chiến của tỉnh và đưa các cơ quan lãnh đạo, các ban, ngành, đoàn thể về đóng tại đây. Địa điểm Hòn Ngang nằm ở giữa các dãy núi của căn cứ Hòn Hèo. Đây là nơi tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ nhất vào tháng 3-1950. Ngoài sự kiện trên, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tại căn cứ cách mạng Hòn Hèo đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng khác như: Đại hội đầu tiên của Đảng bộ phủ Ninh Hòa (tháng 12-1946); lễ xuất quân tham gia cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân 1968… Đến tháng 3-1951, Tỉnh ủy chủ trương chuyển toàn bộ các cơ quan của tỉnh, của huyện Ninh Hòa lên Đá Bàn, xây dựng nơi này thành căn cứ của tỉnh và cho cả hai huyện Bắc Khánh.

 

Khu vực căn cứ  cách mạng Đá Bàn ngày nay.

Khu vực căn cứ cách mạng Đá Bàn ngày nay.


Đá Bàn là một vùng rừng núi rộng hàng trăm km2 với những cánh rừng nguyên sinh trải dài hai bên bờ sông Đá Bàn cùng các nhánh suối, rừng cây rậm rạp, hang, gộp tự nhiên liên hoàn. Địa điểm Đá Trải nằm cách lòng hồ chứa nước Đá Bàn (ngày nay) khoảng 3km, đây là nơi đã diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ hai vào tháng 12-1951. Khu vực Đá Trải cũng là nơi 2 Huyện ủy Ninh Hòa và Vạn Ninh tổ chức đại hội hợp nhất giữa 2 Đảng bộ vào tháng 8-1951; Huyện ủy Bắc Ninh Hòa tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ VIII vào tháng 12-1974. Bên cạnh đó, căn cứ cách mạng Đá Bàn còn diễn ra nhiều sự kiện quan trọng khác của địa phương.


Ngày nay, dù những dấu tích về lán trại, hội trường, nhà ở, khu vực sản xuất… của quân dân Khánh Hòa trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ ở 2 căn cứ cách mạng Hòn Hèo, Đá Bàn đã không còn, nhưng đây vẫn mãi là địa chỉ đỏ, niềm tự hào của các thế hệ người dân địa phương. “Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi từng tham gia hoạt động cách mạng ở cả căn cứ Hòn Hèo và Đá Bàn. Rừng cây, gộp đá nơi đây đã che chở bộ đội và các lực lượng dân chính Đảng thời bấy giờ. Vậy nên, mỗi lần được nghe, được về thăm lại căn cứ Hòn Hèo, Đá Bàn, tôi luôn cảm thấy xúc động và tự hào”, ông Phạm Thanh Quang (số 61, đường 16-7, thị xã Ninh Hòa) chia sẻ.


Phát huy giá trị di tích

 

Ngay trong buổi lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích Hòn Hèo, Đá Bàn, chính quyền xã Ninh Phú và Ninh Sơn đã ra quyết định thành lập Ban quản lý đối với 2 di tích. Lãnh đạo hai địa phương cũng thể hiện quyết tâm gìn giữ, phát huy giá trị di tích trong cuộc sống hôm nay. “Di tích lịch sử cách mạng Hòn Hèo là tài sản tinh thần vô giá mà các thế hệ cha ông đã để lại. Vậy nên, chúng tôi sẽ tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về giá trị di tích, đưa di tích đến với cộng đồng dân cư; tăng cường công tác giới thiệu, quảng bá đến người dân trong và ngoài tỉnh; kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời những trường hợp xâm phạm di tích”, ông Phạm Thanh Sinh - Chủ tịch UBND xã Ninh Phú cho biết. Còn theo ông Ngô Bảo Quốc - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Sơn, chính quyền địa phương sẽ tích cực tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ hiểu được giá trị, ý nghĩa của di tích căn cứ cách mạng Đá Bàn; tổ chức nhiều hoạt động tại khu di tích gắn với việc học tập ngoại khóa của học sinh trên địa bàn xã; huy động các nguồn lực nhằm đảm bảo kinh phí cho việc bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích.

 

Ông Nguyễn Vĩnh Thạnh - Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết, thời gian tới, các phòng, ban, đơn vị, địa phương có liên quan cần thể hiện vai trò trong việc xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, tổ chức các sự kiện để bảo tồn, giới thiệu, quảng bá giá trị di tích lịch sử Hòn Hèo, Đá Bàn, tiến tới xây dựng 2 di tích này trở thành điểm đến tham quan du lịch hấp dẫn, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao: Việc UBND tỉnh ban hành quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh đổi với căn cứ cách mạng Hòn Hèo, Đá Bàn là cơ sở pháp lý, cũng là niềm vinh dự, tự hào đối với chính quyền, nhân dân xã Ninh Phú, Ninh Sơn. Đây cũng là trách nhiệm lớn của 2 địa phương trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích. Hai căn cứ cách mạng Hòn Hèo, Đá Bàn không chỉ có giá trị về mặt lịch sử mà còn có giá trị to lớn về mặt cảnh quan, tài nguyên thiên nhiên, nếu biết khai thác, phát huy đúng cách, nơi đây hoàn toàn có thể trở thành những địa chỉ du lịch về nguồn, du lịch sinh thái.


Khánh Hòa

 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp