Với nỗ lực nâng cao mức thụ hưởng văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đang triển khai kế hoạch đưa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đến gần người dân hơn.
Truyền lại những nét đẹp văn hóa
Nhắc tới đời sống văn hóa, nghệ thuật của huyện miền núi Khánh Sơn, mỗi người có hình dung riêng về vùng đất của sử thi, của đàn đá, mã la, đàn chapi… và những nét văn hóa độc đáo của đồng bào Raglai. Nhiều năm qua, chính quyền, nhân dân huyện Khánh Sơn đã cố gắng gìn giữ những nét đẹp văn hóa, nghệ thuật. Các phong tục truyền thống của đồng bào Raglai như lễ bỏ mả, lễ ăn đầu lúa mới đã được phục dựng trong cộng đồng dân cư. Các loại hình nghệ thuật trình diễn đàn đá, hát kể sử thi, biểu diễn nhạc cụ dân tộc… đã bước đầu gây dựng được phong trào trong các thôn làng. Hàng năm, huyện tổ chức các cuộc thi tìm hiểu di sản văn hóa cho học sinh; liên hoan các làng văn hóa tiêu biểu… Những hoạt động đó vừa làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, vừa góp phần phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.
Ông Cao Hiếu - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thành Sơn cho biết: “Thời gian qua, xã đã có nhiều hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy, phát triển các giá trị văn hóa của người Raglai trên địa bàn, trong đó có bảo tồn giá trị sử thi người Raglai. Xã xây dựng kế hoạch mời các nghệ nhân, già làng truyền dạy các bài hát, kể chuyện và làn điệu mã la cho lớp trẻ”. Còn theo ông Nguyễn Doãn Đạt - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp, địa phương đã tổ chức được các lớp truyền dạy đánh mã la, đàn đá, hát dân ca và sử thi Raglai với tổng số hơn 20 người tham gia. Xã cũng thực hiện việc phục dựng lễ ăn đầu lúa mới của người Raglai.
Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở cơ sở
Gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là dân tộc Raglai được xem là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của ngành văn hóa Khánh Sơn trong thời gian tới. Cụ thể hóa Đề án chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh, huyện Khánh Sơn đã xây dựng kế hoạch thực hiện trên địa bàn. Theo đó, các cơ quan chuyên môn của huyện sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các chương trình văn hóa, nghệ thuật của địa phương; hướng dẫn các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trên hệ thống thông tin. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tổ chức định kỳ Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc để góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa riêng của từng dân tộc và của cộng đồng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng các chương trình tham gia hội thi, liên hoan văn hóa, nghệ thuật cấp tỉnh nhằm đẩy mạnh phong trào văn hóa ở cơ sở. Các xã, thị trấn phấn đấu đến năm 2025, có 50% thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng.
Theo ông Bùi Văn Vinh - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện, huyện đã có kế hoạch hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện từ nay đến năm 2030. Qua đó nhằm xây dựng, tổ chức hiệu quả các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, nâng cao mức hưởng thụ và đời sống văn hóa cho đồng bào vùng sâu, vùng xa vùng dân tộc thiểu số; phát huy vai trò làm chủ của đồng bào trong bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch. Từ năm 2021 trở đi, huyện duy trì và tăng dần việc tiếp nhận các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, đội thông tin lưu động của tỉnh, các đội chiếu phim lưu động về phục vụ nhân dân các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn.
GIANG ĐÌNH