Tháng Bảy nhớ về bóng mẹ

Thứ sáu - 23/07/2021 13:54
Người Việt Nam với tháng Bảy có một ngày đầy cảm xúc: Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7). Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Tháng Bảy nhớ về bóng mẹ

Người Việt Nam với tháng Bảy có một ngày đầy cảm xúc: Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7).

 

Mẹ liệt sĩ Đào Kim Cương bên di ảnh con trai. Ảnh: VĂN GIANG

Mẹ liệt sĩ Đào Kim Cương bên di ảnh con trai. Ảnh: VĂN GIANG


Có thể chiến tranh đã trôi xa hơn 40 năm, những nỗi đau đã nguôi vơi dần trong tâm hồn của con người, nhưng với ngày tưởng nhớ linh thiêng này, tất cả đều nhớ đến hình tượng vinh quang và đau thương của dân tộc: Người mẹ! Chẳng vì thế mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, sau giải phóng ít sáng tác về những vấn đề đương đại nhưng trước bóng dáng của người mẹ, ông đã sáng tác bài “Huyền thoại mẹ”. Đây là bản nhạc ông viết trong lần đến thăm mảnh đất lửa Quảng Bình, Quảng Trị và chính hình ảnh mẹ Suốt đã làm tâm hồn của người nhạc sĩ thổn thức xúc động. Nhưng khác với những bản nhạc cùng thời, ông đã có một giai điệu rất nhẹ nhàng mà sâu thấm như lời ru của một người mẹ với đàn con yêu thương của mình. Lời ca như câu chuyện kể vừa thực vừa mơ, vừa hư ảo, lấp lánh. Hình ảnh người mẹ của Trịnh Công Sơn rất bình dị mà cao cả. Sự hy sinh của mẹ như một lẽ tất yếu trong mọi cuộc chiến tranh của đất nước. Bản nhạc dù sáng tác từ rất lâu nhưng hát ở thời điểm nào cũng được và có lẽ thiêng liêng nhất chính là ngày 27-7 hàng năm.


Từ những năm 60, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý có bản nhạc rất thấm sâu vào trái tim người lính, đó là bài “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa”. Đây chỉ là một câu chuyện rất nhỏ mà bình dị ở làng quê Hà Bắc khi những người mẹ hậu phương ngồi vá áo cho những đứa con của mình trước giờ ra trận. Hình ảnh người mẹ của Nguyễn Văn Tý không cao lồng lộng, không khắc khoải nhớ thương, chỉ là những đôi bàn tay cần mẫn ngồi khâu áo cho những người lính ở chiến trận, vậy mà đã gieo vào lòng người yêu nhạc suốt hơn 60 năm qua như một bản nhạc viết về mẹ sâu lắng nhất.


Ca khúc “Người mẹ của tôi” của nhạc sĩ Xuân Hồng lại tràn ngập cảm xúc yêu thương thành kính như một người con ngả đầu vào ngực mẹ yêu của mình và không hiểu sao ông đưa hình ảnh “giọt nước mắt” ngay ở câu đầu tiên: “Nước mắt mẹ không còn, để khóc những đứa con… lần lượt ra đi mãi mãi”. Xuân Hồng kể lại rằng ông chính là một trong những người con của mẹ đã đi qua 2 cuộc chiến tranh cứu nước nên hiểu được sự mất mát lớn lao khi người lính nằm xuống. Chỉ có nỗi đau mới thấm mãi trong trái tim người mẹ. Bản nhạc “Người mẹ của tôi” mà ông dâng tặng cho “người mẹ Việt Nam” như khúc ca đầy nước mắt kiêu hãnh. Nhạc Xuân Hồng thường rất vui tươi như: “Bài ca may áo”, “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh”, “Mùa xuân bên cửa sổ”, “Tiếng đàn ghi-ta của đại đội 3”… nhưng với  “Người mẹ của tôi” thì trầm lắng thiết tha như một sự ngậm ngùi vô cùng xao xuyến. Bản nhạc đã trở thành ca khúc chính thức trong dịp phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng của Chủ tịch nước năm 1994.


Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ có bản nhạc rất hào hùng, vui tươi có tên “Hãy yên lòng mẹ ơi!”. Đây chính là những cảm xúc yêu thương của người lính trẻ trên đường đi bảo vệ Tổ quốc. Mỗi bước chân của họ, mỗi nỗi nhớ, niềm thương họ đều hướng về mẹ. Chính mẹ là điểm tựa cho họ vững vàng trước thử thách: “Người lính qua bao trăm suối nghìn đèo. Lắng nghe tiếng ru của mẹ hiền. Ngày đêm giục bước hành quân”. Giai điệu theo những làn điệu lý hát ru Nam Bộ nên vô cùng trìu mến tình cảm.


Nhà thơ Tạ Hữu Yên khi viết bài thơ “Đất nước” có câu thơ đã trở thành biểu tượng về nỗi đau của chiến tranh: “Ba lần tiễn đưa con đi. Hai lần khóc thầm lặng lẽ. Các con không về mình mẹ lặng im”. Bài thơ được nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn phổ nhạc đã âm vang suốt một thời. Bản nhạc lay động mọi trái tim người yêu nhạc bởi Tổ quốc và người mẹ đã hòa quyện vào làm một, ngút ngàn đỉnh cao của sự hy sinh cống hiến.


Chúng ta cũng không thể không nhắc đến ca khúc “Hát về những người mẹ Việt Nam anh hùng” của nhạc sĩ An Thuyên. Bài hát thật hùng tráng, thật thiết tha tình cảm này được sáng tác đúng dịp Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đầu tiên năm 1994, gây được tiếng vang lớn cho buổi lễ trọng đại này.


Dương Trang Hương

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp