Lâu nay, ở Nha Trang - Khánh Hòa lại chưa có những không gian sáng tạo dành cho họa sĩ. Họa sĩ xứ Trầm chưa có được những điểm sinh hoạt, sáng tác và giới thiệu tác phẩm của mình đến công chúng một cách thường xuyên. Bắt đầu từ đâu, khi mà không thể đòi hỏi Nhà nước bao cấp vấn đề này?
Cần những điểm hẹn
Trong những ngày gần đây, họa sĩ Bùi Trung Chính đang dần hoàn thiện tác phẩm Cung đàn đêm trăng rồi sau đó chờ có dịp đưa đi triển lãm để giới thiệu đến bạn bè, công chúng. Ông cho biết “Một số địa phương có những không gian để cho các họa sĩ tới trò chuyện, sáng tác, công bố tác phẩm, tương tác với công chúng… nhưng ở Nha Trang thì không thấy những địa điểm như thế”.
Khi nói đến không gian sáng tạo mỹ thuật, nhiều người vẫn xem đây là nơi tập hợp các nghệ sĩ đến sáng tác, trao đổi kiến thức và cùng nhau thử nghiệm những ý tưởng nghệ thuật mới. Không gian đó, còn là nơi để mỗi người có thể sáng tạo một cách thoải mái, cởi mở và có điều kiện chia sẻ những tác phẩm của mình đến công chúng một cách nhanh nhất. Thống kê chưa đầy đủ, hiện trong cả nước có khoảng 200 không gian sáng tạo nghệ thuật, tập trung nhiều ở Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Những cái tên như: Sân chơi trong thành phố, Hợp tác xã Vụn Art, Ơ kìa Hà Nội, Sàn Art Laboratory, Salon văn hóa cà phê thứ Bảy… luôn mang đến những nguồn cảm hứng tích cực đối với nghệ sĩ và công chúng.
Việc thiếu vắng những không gian sáng tạo mỹ thuật, cũng đã phần nào hạn chế đến sự phát triển của lớp trẻ theo đuổi con đường nghệ thuật. Những sinh viên mỹ thuật của Trường Đại học Khánh Hòa cũng đã không có nhiều cơ hội được gặp gỡ, học hỏi với các thế hệ họa sĩ đi trước, cũng như có được những cái nhìn thấu đáo trước những xu hướng mới của mỹ thuật đương đại. Cùng với đó, những sinh viên mỹ thuật cũng không có nhiều điều kiện để đưa các tác phẩm của mình giới thiệu đến công chúng. “Nếu ở địa phương có được những không gian mỹ thuật sáng tạo để sinh viên có thể lui tới thường xuyên, hoặc thực hiện các buổi ngoại khóa sẽ giúp việc học tốt hơn, cũng như kích thích tư duy sáng tạo của mỗi sinh viên”, họa sĩ Ngô Văn Thành - Khoa Nghệ thuật, Trường Đại học Khánh Hòa cho biết.
Mong có một điểm hẹn
Khi bàn về không gian sáng tạo nghệ thuật nói chung và mỹ thuật nói riêng, sẽ có nhiều người cho câu chuyện này có cũng được, không có cũng chẳng sao. Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh vẫn tổ chức cho hội viên đi thực tế sáng tác; vẫn tạo điều kiện để mỗi nghệ sĩ có thể công bố, giới thiệu tác phẩm. “Tôi đã đi một số nước, thấy ở đó có những chợ tranh được diễn ra đều đặn hàng tuần tại những địa điểm nhất định. Gọi là chợ, nhưng nó không thuần túy là việc mua bán. Ở đó, người họa sĩ và những người xem tranh có thể trực tiếp giao lưu, trò chuyện, trao đổi với nhau những điều thú vị liên quan đến các tác phẩm. Và cũng là nơi để mỗi nghệ sĩ có thể nắm bắt kịp thời những cái mới trong nghệ thuật”, họa sĩ Bùi Văn Quang chia sẻ.
Những không gian mỹ thuật cũng chính là những địa chỉ văn hóa để góp phần tạo nên những sắc màu mới cho đô thị. Với một địa phương có hoạt động du lịch phát triển, nếu thực hiện tốt thì không gian mỹ thuật còn có thể là một điểm đến đối với du khách, tiếc là hiện nay chưa có những chính sách về việc tạo dựng nên những không gian nghệ thuật. Các không gian nghệ thuật trong nước đều do những cá nhân yêu nghệ thuật và mong muốn quảng bá nghệ thuật nước nhà thành lập nên. Chia sẻ với chúng tôi, họa sĩ Trần Hà - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cho rằng, hoạt động nghệ thuật và mỹ thuật ở địa phương lâu nay vẫn gặp những khó khăn riêng. Trong điều kiện của mình, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh chỉ có thể duy trì, thực hiện những nhiệm vụ được giao. Còn việc tạo nên các sân chơi, những địa điểm sinh hoạt, sáng tạo cho hội viên vẫn còn rất hạn chế.
Với một địa phương xem du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và trong bối cảnh thực hiện mục tiêu xây dựng nền công nghiệp văn hóa, Nha Trang - Khánh Hòa không nên để mãi sự thiếu vắng về những không gian nghệ thuật.
Giang Đình