Từ thời trai trẻ, thầy giáo Ngô Văn Ban đã rất yêu thích tìm hiểu, cất giữ tư liệu về văn học, văn hóa dân gian (VHDG). Khi rời bục giảng, chính thức đặt chân vào địa hạt sưu tầm, nghiên cứu VHDG, người thầy giáo - nhà nghiên cứu ấy đã trở thành một “chuyên gia” về văn hóa xứ Trầm Hương.
Trong căn nhà ở xã Vĩnh Trung, TP. Nha Trang, vẫn nụ cười hiền lành như khi tôi gặp lần đầu gần 20 năm trước, nhà nghiên cứu VHDG Ngô Văn Ban đón tôi với một thái độ rất bặt thiệp. Sự bặt thiệp của một người làm nghề giáo, pha lẫn phong cách của một nhà nghiên cứu uyên thâm. Chuyến viếng thăm đường đột của tôi đã khiến thầy Ban (cách tôi thường gọi) phải tạm ngưng việc ký vào cuốn sách Thương nhớ hương vị quê hương (Nhà xuất bản Đà Nẵng) vừa in đầu năm 2023 để gửi tặng bè bạn, học trò cũ. Đó là công trình thứ 17 của ông sau gần 20 năm chính thức bước vào lĩnh vực sưu tầm, nghiên cứu VHDG (ngoài ra ông còn có 25 công trình làm chung với các tác giả khác). Ở tuổi ngoài 80, với một loạt bản thảo đang có trong tay, ông vẫn đặt mục tiêu mỗi năm in một cuốn sách. Một sức làm việc thật sự đáng kính nể!
Bắt chuyện mới biết, ông từng học Ban Việt - Hán của Trường Đại học Sư phạm Huế. Những ngày còn là sinh viên, ông đã rất yêu thích những tác phẩm viết về văn hóa Nam Bộ của Sơn Nam, Vương Hồng Sển… Không những vậy, chính những nhà nghiên cứu văn học, văn minh Việt Nam, sử học, Hán học… tại Trường Đại học Sư phạm và Trường Đại học Văn khoa Huế đã truyền dạy ông những kiến thức, phương pháp nghiên cứu, biên soạn bài giảng, viết sách. Ngay từ thời điểm đó, ông đã từng ước ao một lúc nào đó sẽ viết về những nét văn hóa của quê hương mình. Ra trường đi dạy ở Ninh Hòa, Diên Khánh, Nha Trang, ông càng có dịp tìm hiểu sâu hơn về VHDG xứ Trầm Hương. “Hồi đi dạy, tôi hay lấy thơ ca, hò vè để minh họa. Gặp những tư liệu hay tôi đều giữ lại… Khi ấy, tôi cũng thích viết lắm nhưng không có nhiều thời gian nên thỉnh thoảng mới gửi bài cho các báo”, ông kể.
Khoảng đầu thập niên 90, khi Báo Khánh Hòa ra ấn phẩm Khánh Hòa Chủ nhật, thầy giáo Ngô Văn Ban thường xuyên viết bài cộng tác giới thiệu các địa danh, phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian, những đặc sản trong ẩm thực, các lễ hội dân gian… của xứ Trầm Hương. Năm 1997, ông cùng các nhà nghiên cứu: Lê Trọng Ngoạn, Nguyễn Công Lý in cuốn sách Lược khảo và tra cứu về học chế, quan chế ở Việt Nam từ 1945 về trước. Cuốn sách nhỏ ấy đã tiếp thêm niềm tin, động lực để ông hướng đến việc sưu tầm, nghiên cứu VHDG một cách nghiêm túc chứ không còn là công việc “tay trái” như những năm trước đó.
Sau khi nghỉ hưu năm 2004, thầy giáo Ngô Văn Ban dành hết tâm sức của mình cho việc sưu tầm, nghiên cứu VHDG của Khánh Hòa cũng như nhiều tỉnh, thành miền Nam Trung Bộ. Kể từ đó, dấu chân của ông hằn in khắp các vùng đất xứ Trầm biển yến. Mỗi dòng sông, ngọn núi, mái đình làng biển, ông đều đến tận nơi chụp ảnh, ghi chép tỉ mỉ để tìm hiểu về tên đất, tên người. “Gần bên như Diên Khánh - Nha Trang thì tôi chạy xe máy; xa như Ninh Hòa, Vạn Ninh tôi đi tàu lửa; vào Cam Ranh thì bắt xe đò… Đến nơi, tôi nhờ bạn bè, học sinh cũ chở đi tìm hiểu”, ông kể về cách đi điền dã của mình. Những câu ca hò vè, những lời ăn tiếng nói của người dân, những ngành nghề truyền thống… trở thành đề tài nghiên cứu của ông giáo già cần mẫn. Làm nghiên cứu VHDG đòi hỏi phải am hiểu về lịch sử, địa lý, kinh tế - xã hội qua các thời kỳ. Những sách báo, tư liệu mà ông lưu trữ nhiều năm đã phát huy tác dụng cho việc nghiên cứu rất nhiều. Ngay công trình in riêng đầu tiên năm 2008 - Sổ tay từ ngữ, phong tục tập quán về việc sinh, việc cưới, việc tang, việc giỗ của người kinh Việt Nam đã cho thấy một cách làm việc hết sức tỉ mẩn, khoa học.
Những năm sau đó, ông liên tiếp cho ra mắt nhiều công trình nghiên cứu được đánh giá cao, như: Địa danh Khánh Hòa xưa và nay; Một số nghề, làng nghề truyền thống và văn hóa ẩm thực vùng đất Khánh Hòa; Chân dung con người qua cái nhìn Việt Nam (4 tập); Chuyện 12 con giáp qua ca dao tục ngữ người Việt (2 tập); loạt công trình Những địa danh ghi dấu qua ca dao, truyền thuyết, tín ngưỡng của các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… Đến với các tác phẩm ấy, người đọc rất dễ choáng ngợp với vốn văn hóa sâu rộng của ông. Từ những tục lệ xưa, như: Ma chay, cưới hỏi, làm nhà…, từ những nghề truyền thống cho đến những món ăn dân dã, như: Bánh căn, bánh xèo, cách chế biến những loài cá, tôm ở biển đều được ông tìm hiểu, ghi chép lại một cách tỉ mẩn. Dường như ông sợ rằng nếu không ghi lại những điều “dân dã” ấy, mai này, lớp hậu sinh sẽ quên mất đi những nét VHGD, mất đi bản sắc văn hóa đã được lưu truyền qua nhiều thệ hệ. Đó cũng là lý do mỗi lần in sách, ông thường gửi tặng các thư viện để các giá trị văn hóa được lan tỏa đến với cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ.
Gần 20 năm miệt mài với VHDG, nhà giáo - nhà nghiên cứu Ngô Văn Ban đã khẳng định được vị trí của mình, minh chứng rõ nét nhất là hàng chục giải thưởng lớn của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, UBND tỉnh Khánh Hòa. Năm 2017, ông được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tặng bằng khen với tác phẩm Vè các lái - tri thức dân gian đi biển của người Việt. Với những công trình đầy tâm huyết, Ngô Văn Ban là cái tên xứng đáng kế tục Quách Tấn, Nguyễn Đình Tư, Nguyễn Thế Sang... trong dòng chảy nghiên cứu VHDG ở xứ Trầm Hương. Nhiều người quen thân thường gọi đùa nhà nghiên cứu Ngô Văn Ban là “nhà Khánh Hòa học”. Ông nói rằng, cái danh xưng đó quá lớn với mình nên không dám nhận, ông chỉ là một nhà giáo yêu VHDG.
THÀNH NGUYỄN