Khánh Hòa được thiên nhiên ưu đãi có nhiều danh thắng, sản vật quý, thủy hải sản dồi dào… Tất cả những ưu đãi này đã được giới thiệu trên tem Bưu chính Việt Nam.
Đầu tiên là bộ tem Đông Dương (Indochine) Kỷ niệm bác sĩ A.Yersin sau khi ông qua đời tại Nha Trang - Khánh Hòa, gồm 3 tem, phát hành năm 1943 để tưởng nhớ và tôn vinh sự cống hiến của ông cho sự nghiệp khoa học. Đặc biệt, năm 1945, bộ tem được Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sử dụng lại bằng cách in đè thêm dòng chữ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lên tem màu xanh ve và tem màu đỏ. Tiếp đến là mẫu tem Đàn đá giá mặt 1đ, thuộc bộ tem Nhạc khí dân tộc Việt Nam, phát hành ngày 5-12-1985, do họa sĩ Trần Lương thiết kế. Đàn đá Khánh Sơn có niên đại từ 2.000 đến 5.000 năm, là loại nhạc cụ cổ có giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc của đồng bào Raglai. Mẫu tem Tháp Bà Ponagar giá mặt 10đ, thuộc bộ tem Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chăm, phát hành ngày 30-6-1987, do họa sĩ Trần Thế Vinh thiết kế.
Đặc biệt, bộ tem Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, phát hành ngày 19-1-1988 do họa sĩ Trần Lương thiết kế, gồm 2 mẫu: Đội Trường Sa thế kỷ XVII - XVIII (10đ) và Bản đồ cổ (100đ), khẳng định chủ quyền của Việt Nam về 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Có một câu chuyện thú vị liên quan đến bộ tem này: Năm 1990, một nhà sưu tập tem ở Đức khi nghe thời sự ở nước ngoài về chuyện 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã gửi thư đến Hội Tem Khánh Hòa để xác minh. Hội Tem Khánh Hòa đã gửi tặng ông bộ tem Quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa dán trên bì thư và đóng dấu bưu cục Trường Sa. Sau đó, hội nhận được thư cảm ơn của ông với nội dung: “Tôi đã có vật chứng để chứng minh với bạn bè của tôi là 2 quần đảo này thuộc chủ quyền của nước bạn”.
Trong bộ tem Du lịch, phát hành ngày 20-4-1988 do họa sĩ Trần Ngọc Uyển và Đỗ Việt Tuấn thiết kế, có mẫu tem Bãi biển Nha Trang giá mặt 25đ. Đến ngày 16-8-1994, Việt Nam tham gia Triển lãm Tem thế giới tại Korea với bộ tem Chim biển, trong đó có tem khối Yến hàng giá mặt 10.000đ, do họa sĩ Hoàng Thúy Liệu thiết kế. Trước khi mẫu tem Yến hàng ra đời, Bưu điện và Hội Tem Khánh Hòa tiếp đoàn họa sĩ của Công ty Tem Việt Nam đi tham quan thực tế tại đảo Yến Nha Trang để vẽ tem, trong đó có họa sĩ Hoàng Thúy Liệu. Ngày 10-3-1999, Việt Nam tiếp tục tham gia Triển lãm Tem thế giới tại Australia với bộ tem Thuyền biển, trong đó có mẫu tem Ghe nang Nha Trang - Khánh Hòa, giá mặt 7.000đ, do họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn thiết kế. Đây là loại ghe đánh bắt cá của ngư dân Nha Trang thời xưa.
Ngày 25-3-2003, tỉnh hân hoan đón nhận bộ tem Chào mừng kỷ niệm Khánh Hòa 350 năm (1653 - 2003), giá mặt 800đ, do họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn và Tô Minh Trang đồng thiết kế. Tem in hình Thành cổ Diên Khánh được xây dựng vào năm 1793 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Ánh, ngày nay thuộc huyện Diên Khánh. Tháng 6-2003, vịnh Nha Trang được tổ chức Câu lạc bộ Các vịnh đẹp nhất thế giới - Worldbays bình chọn là vịnh thứ 29 của Câu lạc bộ Các vịnh đẹp nhất thế giới. Sự kiện lớn này được giới thiệu qua bộ tem Vịnh Nha Trang, phát hành tại Nha Trang vào ngày 2-4-2005, đúng dịp kỷ niệm 30 năm Ngày giải phóng Nha Trang - Khánh Hòa và Festival Biển đầu tiên ở Khánh Hòa. Bộ tem gồm 2 mẫu 800đ và 8.000đ, do họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn thiết kế. Đặc biệt, ngoài hình ảnh vịnh Nha Trang trên tem còn có logo các vịnh đẹp thế giới và logo du lịch tỉnh Khánh Hòa. Bên phải mỗi tem có đính kèm vi-nhét giới thiệu thắng cảnh Tháp Bà và Viện Hải dương học Nha Trang. Ngoài ra, còn có 1 tem khối kỷ niệm in hình vịnh Nha Trang - đường Trần Phú có dòng chữ “Vịnh Nha Trang - kỷ niệm Liên hoan Tem Bưu chính Khánh Hòa 2005”. Vật phẩm kèm bộ tem là bì thư phát hành ngày đầu tiên in hình danh thắng Hòn Chồng và 2 bưu ảnh cực đại giới thiệu bãi tắm Hòn Chồng, đảo Hòn Đỏ và cảng Nha Trang.
Ngày 2-4-2016, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh tổ chức phát hành bộ tem Bàng vuông. Bộ tem được phát hành đặc biệt tại Học viện Hải quân nhân dịp kỷ niệm 41 năm Ngày Giải phóng tỉnh Khánh Hòa. Bộ tem gồm 2 mẫu: Hoa, trái bàng vuông (3.000đ), cây bàng vuông (6.000đ) và 1 tem khối in hình 2 bộ tem trên. Bàng vuông là loài cây sống nhiều ở đảo, nó đã trở thành biểu tượng của quần đảo Trường Sa.
Ngụy Như Ánh