Tôi đến thị xã Ninh Hòa nhiều lần, chủ yếu bằng xe máy, có khi đi đến biển Dốc Lết, có lúc đến đồng muối Ninh Diêm hoặc ghé chợ Ninh Hòa ngắm nhìn khung cảnh mua bán rộn ràng. Mọi người biết đến Ninh Hòa bởi nơi này có Ngã Ba Trong, Ngã Ba Ngoài và thêm Ngã Ba Giữa. Ninh Hòa có Xóm Rượu, nghe nói nấu rượu rất ngon; có Lăng bà Vú với câu chuyện khi vua Gia Long trên đường lánh nạn tới đây, được một người phụ nữ giúp đỡ, để khi trở lại ngôi vua, ông ghé lại tạ ơn thì bà đã qua đời nên xây lăng tưởng nhớ.
Ghé Ninh Hòa để ăn nem Ninh Hòa, hay bất cứ nơi nào cũng có bánh canh, bún cá Ninh Hòa, uống trái dừa xiêm ngọt lịm. Ghé Ninh Hòa đôi khi chỉ là dừng lại nghỉ chân trong cuộc hành trình, bắt gặp những tí nắng mai dịu dàng ném lên hàng cây bằng lăng một màu vàng êm ái.
Người Ninh Hòa có giọng nói không nhầm lẫn vào đâu được.
Lần này, tôi đến Ninh Hòa không phải để uống nước dừa, ăn nem hay dạo chơi trên bãi cát trắng ở biển Dốc Lết, mà là nghe hát. Đó là chương trình nhạc và thơ kỷ niệm 370 năm xây dựng và phát triển tỉnh. Đến một thị xã để nghe hát, trong khi tại nơi mình ở có biết bao nhiêu tụ điểm ca nhạc thì thật cũng lạ. Nhưng đây là một chương trình của những người con Ninh Hòa. Một chương trình với những ca khúc của nhạc sĩ Hình Phước Long, Hình Phước Liên, Huỳnh Liên, Bảo Anh…; thơ của Phùng Tiết, Đỗ Độ, Hoàng Bích Hà, Từ Dạ Thảo và cả bài thơ “Quê hương” của cố nhà thơ Giang Nam. Ngay cả những giọng ngâm thơ cũng là người con Ninh Hòa: Bích Vương, Ái Ly… Một chương trình như tên gọi: “Quê nhà - Tình yêu còn mãi” thật hay và đầy xúc động. Những người con Ninh Hòa đã làm nên một chương trình đầy ân tình.
Chúng tôi đi từ Nha Trang đến Ninh Hòa mất khoảng một giờ, sân khấu rực rỡ ánh đèn, với những người con Ninh Hòa đang hát, đang ngâm thơ. Hạnh phúc cho ai đêm nay cùng nghe những giai điệu trong tình yêu quê hương.
KHUÊ VIỆT TRƯỜNG