Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 370 năm xây dựng và phát triển tỉnh (1653-2023), 48 năm Ngày Giải phóng tỉnh Khánh Hòa (2-4-1975 - 2-4-2023), triển lãm tài liệu “Lịch sử tỉnh Khánh Hòa qua mộc bản triều Nguyễn” (mở cửa từ tối 30-3 đến 6-4 tại Thư viện tỉnh) lần đầu tiên tổ chức đang thu hút nhiều người đến tham quan.
Thu hút sự quan tâm
Một trong những điểm đặc biệt của triển lãm tài liệu “Lịch sử tỉnh Khánh Hòa qua mộc bản triều Nguyễn” là bản thân di sản tư liệu đã chứa đựng thông tin trong đó. Vì vậy, triển lãm thu hút sự quan tâm của nhiều người. Được nghe giới thiệu về kỹ thuật in ấn của triều Nguyễn, em Lê Lương Xuân Vy (10 tuổi, phường Xương Huân, TP. Nha Trang) rất chăm chú quan sát phiên bản mộc bản và thán phục từng nét ký tự ngược được khắc nổi sắc sảo trên gỗ… Chị Lương Thị Hà Duyên (phường Vĩnh Hải, Nha Trang) đưa con trai 7 tuổi đến xem triển lãm vì rất muốn con biết về lịch sử Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng. Chị còn quét mã QR để tải và lưu trữ tài liệu triển lãm cho con tìm hiểu lâu dài. “Tôi cho con tiếp cận với lịch sử nước nhà bằng nhiều cách để thấm dần truyền thống cha ông, tình yêu Tổ quốc”, chị Duyên chia sẻ. Với bạn Nguyễn Thị Thảo Nguyên (Đoàn phường Phước Long, Nha Trang), tài liệu mộc bản là những kiến thức mới mẻ. Vì vậy, khi nghe giới thiệu, Nguyên cảm thấy rất tự hào và hứng thú tìm hiểu lịch sử nước nhà.
Đến tham quan triển lãm, cử nhân Hán - Nôm Đỗ Văn Khoái - Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp (Trung tâm Bảo tồn di tích Khánh Hòa) cho biết: “Tài liệu mộc bản giới thiệu tại triển lãm được lựa chọn trong các bộ sử lớn của triều Nguyễn, như: Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, Đại Nam nhất thống chí…, thể hiện tính quan phương, chính thống trên phương diện quốc gia, được nhà Nguyễn tổ chức biên tập, san khắc, lưu hành, có giá trị độc bản và giá trị nội dung tối cao. Theo tôi, việc triển lãm các tài liệu mộc bản nói riêng, di sản nói chung nên được tổ chức thường xuyên nhằm quảng bá con người và vùng đất Khánh Hòa”.
Theo thống kê sơ bộ của Sở Nội vụ, đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức triển lãm, từ ngày tổ chức đến nay, ước tính có hơn 600 lượt khách đến tham quan.
Lan tỏa giá trị địa phương
Ông Võ Chí Vương - Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, 36 tài liệu mộc bản và 3 phiên bản mộc bản triều Nguyễn tại triển lãm chia làm 3 phần, cung cấp thông tin về vị trí, dân số; lịch sử Khánh Hòa và một số người tài Khánh Hòa qua các thời kỳ triều Nguyễn. Nội dung được giới thiệu rất phong phú, phản ánh mọi mặt xã hội Việt Nam dưới triều Nguyễn, trong đó sự thay đổi và phát triển của tỉnh cũng được thể hiện rõ.
Chẳng hạn tên gọi và những lần thay đổi địa giới hành chính của tỉnh được thể hiện qua mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí cho biết, dân số Khánh Hòa dưới triều vua Thiệu Trị là 10.426 người. Không chỉ về lịch sử, địa lý, mộc bản triều Nguyễn còn thể hiện nhiều chủ đề về chính trị - xã hội, quân sự, pháp chế, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, tư tưởng, triết học, ngôn ngữ - văn tự, văn thơ… Nổi bật là về công trình Tháp cổ Thiên Y (Tháp Bà Ponagar ngày nay), nằm trên đồi Cù Lao thuộc xã Cù Lao, huyện Vĩnh Xương (nay thuộc phường Vĩnh Phước, Nha Trang). Triển lãm cũng giới thiệu về một số danh thần, nhà khoa bảng Khánh Hòa, trong đó có ông Nguyễn Xuân Thục. Các bản sắc phong chức tước của ông vẫn đang được con cháu đời sau lưu giữ, bảo quản tại thị xã Ninh Hòa và được UBND tỉnh công nhận là tài liệu đặc biệt quý, hiếm…
Theo ông Võ Chí Vương, triển lãm là một hoạt động thiết thực để người dân, du khách hiểu thêm về lịch sử Khánh Hòa, tạo điều kiện cho công chúng được tiếp cận với nguồn tư liệu mộc bản có giá trị lịch sử đặc biệt.
Ông ĐINH VĂN THIỆU - Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Những tài liệu mộc bản được lựa chọn, trưng bày tại triển lãm là những bản ghi chép về lịch sử vùng đất Khánh Hòa qua các triều đại nhà Nguyễn. Qua đó cho thấy, dù đã nhiều lần thay đổi về tên gọi, địa giới hành chính nhưng Khánh Hòa luôn là vùng đất rất quan trọng về chính trị, văn hóa, kinh tế, quân sự của đất nước. Hy vọng rằng, triển lãm này sẽ góp phần phát huy giá trị truyền thống, khẳng định vị trí, vai trò và những đóng góp to lớn của con người, vùng đất Khánh Hòa trong lịch sử dựng nước, giữ nước; khơi dậy lòng tự hào của người dân Khánh Hòa, tạo quyết tâm mới, xây dựng tỉnh ngày càng bứt phá, tỏa sáng trong hành trình hội nhập, phát triển; góp phần nâng cao nhận thức về bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử của tài liệu lưu trữ. |
NGUYỄN VŨ