Mấy ngày cuối tháng mười hai, nghe nói hoa đào đang nở rộ ở nơi ấy. Trên các trang mạng xã hội, người ta khoe những tấm ảnh mới toanh chụp những vườn đào đang nở hồng cả đất trời, có cả những tấm ảnh mới nhìn đã thấy nao lòng, những mái nhà tôn màu vàng, màu xanh ẩn hiện trong lũng sâu rực rỡ màu hồng của hoa đào. Thật chỉ muốn có đôi cánh để bay liền tới đó ngắm nhìn, thưởng ngoạn hết vẻ đẹp đất trời khi hoa đào đang nhuộm sắc hồng lên từng chút, từng chút cái không gian bình yên, lặng lẽ mà vô cùng xinh đẹp kia. Nơi ấy là xã K’Long K’Lanh, nơi giáp ranh giữa Nha Trang và Đà Lạt.
Từ Nha Trang đi Đà Lạt qua đèo Khánh Lê, tính từ đỉnh Hòn Giao thêm khoảng 20km sẽ đến xã K’Long K’Lanh. Đây là xã đầu tiên của huyện Lạc Dương, nằm sát đường quốc lộ, nhà cửa hầu hết bằng gỗ, phần lớn là người dân tộc K'Ho, Ê đê và Chu ru, phần còn lại là người Kinh.
Đi qua lại đó nhiều lần tôi bỗng yêu cái xã nhỏ bé đó, bắt đầu từ cái tên rất ấn tượng. K’Long K’Lanh chỉ trải ra trên một đoạn đường ngắn, cuối cùng là con dốc thấp uốn quanh một ngọn đồi, trên đó có ngôi trường tiểu học rất khang trang, bên cổng trường có một cây hoa anh đào cao lớn, vào mùa hoa nở, tàng hoa nhuộm màu hồng làm cho ngôi trường rực rỡ, đẹp lung linh. Đối diện trường học, phía bên kia đường là trạm y tế lại nhỏ xíu nằm trong một con đường mòn sát chân núi. Ở K’Long K’Lanh có nhiều quán cà phê cho khách đi đường dừng lại nghỉ chân, có những quán nhỏ, ấm cúng, cà phê ngon, giá rẻ, nhạc hay cho khách vừa thưởng thức hương vị cà phê đậm chất Tây Nguyên vừa để lòng mình rung động theo những bản tình ca. Nhưng cũng có vài quán vừa là hàng tạp hóa còn đặt thêm vài cái bàn bi da, chủ quán vừa phục vụ khách vừa trông con nhỏ hoặc có thể vừa lặt rau chuẩn bị bữa cơm. Khách uống cà phê thường là thanh thiếu niên người dân tộc. Khách qua đường cũng ngồi uống cà phê nhưng không thưởng thức được nhạc vì các bạn trẻ rất sôi nổi trao đổi với nhau bằng ngôn ngữ của họ. Có điều chỉ vậy cũng đủ vui rồi và có thêm hưng phấn để đi tiếp khoảng đường xa còn lại.
Ngang qua K’Long K’Lanh vào những ngày nắng sẽ thấy những người già ngồi tựa cửa sưởi nắng, những gương mặt đầy nếp nhăn thời gian nhưng rất tĩnh tại và đầy hạnh phúc. Dưới chân họ là những con chó nhỏ, hiền lành nằm khoanh tròn cũng đang tận hưởng hơi ấm của ánh mặt trời. Nếu hôm đó là ngày Chủ nhật sẽ thấy các cô gái dân tộc đi nhà thờ hoặc tung tăng xuống phố. Các cô mặc váy thổ cẩm truyền thống nhưng áo của người Kinh với áo khoác đủ màu. Có cô còn mang túi xách trên vai, chân mang giày bít, gót nhọn rất sành điệu. Gương mặt ai cũng tươi tắn, cười nói với nhau làm cho đoạn đường ngắn ấy phút chốc huyên náo đặc biệt. Chỉ thoáng chốc thôi mà nhìn thấy được hết tâm tư hạnh phúc của người ta.
Có khi tôi dừng lại ở K’Long K’Lanh để tránh một cơn mưa, ngồi trong quán cà phê ngắm nhìn con đường ngắn vắng lặng, thỉnh thoảng mới có một chiếc xe chạy qua, có khi nhìn thấy cả một bầy heo con đủng đỉnh theo mẹ đi kiếm ăn, thầm nghĩ ở nơi này rất buồn. Nhưng có lúc đúng vào giờ tan trường, lại thấy những đứa trẻ hồn nhiên tung tăng đuổi bắt nhau, tiếng cười nói loãng ra rồi bay theo gió, tản theo mây, lại thấy con người ở đây sống an nhiên tự tại.
Mới đây, người ta đã bỏ bớt hai chữ K, bây giờ là xã Long Lanh, tôi thích cái tên cũ hơn vì nghe nó hồn nhiên, mộc mạc. Nhưng không sao, sự thay đổi đó không làm cho cái xã nhỏ bé này khác đi, dẫu cho bây giờ K’Long K’Lanh đã đông người hơn, dọc con đường ấy đã có thêm hàng quán được cất lên. Dẫu cho K’Long K’Lanh bây giờ nhìn có khác một chút thì mỗi lần qua đó tôi vẫn thích ghé lại, uống một ly cà phê, cảm nhận sự bình yên trong từng ánh mắt, nụ cười của người dân mà thấy vui. Niềm vui đó lâng lâng suốt dọc đường đi về Nha Trang và lại hẹn lần đi tới thể nào cũng dừng lại cà phê với K’Long K’Lanh.
Cái lời hẹn thầm ấy cứ như K’Long K’Lanh đã là chỗ để về.
Lưu Cẩm Vân