Tu Bông - Mùa gió bấc

Chủ nhật - 09/01/2022 19:40
Ai đã từng đi qua vùng Tu Bông (huyện Vạn Ninh) từ tháng 9 âm lịch đến cuối xuân chắc hẳn không quên câu hát ru về "đặc sản" của vùng đất này: Gió đâu bằng gió Tu Bông/Thương ai bằng thương cha, thương mẹ, thương chồng, thương con. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Tu Bông - Mùa gió bấc

Ai đã từng đi qua vùng Tu Bông (huyện Vạn Ninh) từ tháng 9 âm lịch đến cuối xuân chắc hẳn không quên câu hát ru về “đặc sản” của vùng đất này: Gió đâu bằng gió Tu Bông/Thương ai bằng thương cha, thương mẹ, thương chồng, thương con.

 

Mỗi năm gần Tết, miền quê Tu Bông lại đón những cơn gió bấc hoang dại, làm cho hương vị ngày Tết ở quê tôi mang đặc trưng khó tả!


Theo các nhà nghiên cứu, Tu Bông có địa hình trắc trở, núi non gập ghềnh, ba bề là núi: phía tây có núi Hoa Sơn (Tô Hà), phía bắc có đèo Cổ Mã, phía nam có mũi Gành Bà che chắn, tạo thành một thung lũng, gió thổi vào lồng lộng không thoát ra được nên gọi là Eo Gió. Mỗi năm, Tu Bông có hai mùa gió: gió Lào (dân địa phương gọi là gió Nam) thổi vào mùa hạ, gió bấc thổi từ mùa đông đến qua Tết. Gió Tu Bông rất mạnh và xoáy. Vì vậy, Tu Bông còn biết đến với tên gọi là Tụ Phong Xứ (nơi tụ gió), gió thổi ào ào suốt ngày suốt tháng. Gió vào thung lũng Tu Bông không thông, thổi giật tới, giật lui làm cây cối xào xạc, rít qua từng khe cửa, mái nhà phát ra âm thanh như trẻ sơ sinh khóc “Tu…oa…. Tu…oa”. Từ tượng thanh “Tu oa” trở thành danh xưng của vùng đất, sau đổi thành Tu Bông.


Người dân sống lâu năm ở Tu Bông cho biết, gió bấc còn gọi là gió mùa đông bắc, là loại gió chướng, gió độc thổi từ hướng Tây Bắc, bắt đầu từ tháng 9 đến Tết sang tận tháng 3 âm lịch năm sau. Vào mùa gió bấc, ngoài biển cá tôm không sinh sôi, ngư phủ thu dọn ngư cụ nghỉ ngơi, người nuôi hải sản cũng thả cầm chừng hoặc chờ qua mùa đông mới dám thả cá tôm. Vườn tược xơ xác, cây trái vẹo nghiêng, những tàu lá chuối te tua, hoa quả rụng đầy gốc. Đồng ruộng xác xơ, những đám ruộng đến kỳ ngậm sữa ngã rạp, gặp mùa lúa chín sắp thu hoạch, hạt rụng hết chỉ còn trơ gốc rạ. Những vạt cỏ lau bị gió làm bứt gãy bay vụt lên cao cùng với cát bay làm tối sầm đường đi.

 
Cánh đồng lúa ở Tu Bông. Ảnh: Văn Giang

Cánh đồng lúa ở Tu Bông. Ảnh: Văn Giang

 

Ai đã từng đi qua Tu Bông mới thấu cảnh bị gió bấc dày vò. Anh bạn đồng nghiệp của tôi công tác khu vực này vào mùa gió bấc nói vui: “Có lẽ đặc sản Tu Bông là gió, tôi đi xe máy qua Quốc lộ 1 đến đoạn Tu Bông, lúc đi ra bị gió quật cả người và xe ngã xuống ruộng. Lúc về, tôi chạy theo xe ô tô để né gió thì bị gió hất vào ô tô”. Nhiều xe ôtô đi xuôi chiều gió cũng bị chệnh choạng vì gió mạnh thúc từ phía sau.


Ngày xưa, nhà tôi làm bằng vách đất, mái lợp ngói tây, ba mẹ quanh năm còng lưng trên cánh đồng, nương rẫy, tôi ngoài việc học ra còn lo cơm nước, nhà cửa. Tôi nhớ mãi, cứ vào mùa này, gió rít qua từng khe cửa, chui lọt qua các khe hở mái ngói để vào nhà, làm vách đất nhà tôi vốn không được chắc chắn càng thêm xiêu vẹo, ba tôi phải dùng thanh gỗ chằng chống để vách không đổ ngã.


Những người đi qua vùng Tu Bông vào đúng cuối xuân mới trải nghiệm được câu “mưa Đồng Cọ, gió Tu Bông”. Gió suốt ngày đêm, thổi từng cơn kéo dài. Gió rít liên hồi tựa con rồng gió muốn cuốn tất cả ra biển khơi. Những ngày gió lớn, trên Quốc lộ 1 ít có xe dám di chuyển, ngoại trừ ô tô và xe bò. Xe đạp thì dắt bộ còn bị gió hất lọt xuống ruộng nói chi là ngồi trên xe! Về mùa gió, người dân địa phương đúc kết, cứ trông lên dãy núi ở phía Tây Bắc Tu Bông (dãy Trường Sơn), hễ thấy không có mây là gió ít, có mây trắng là gió nhiều, có nhiều mây trắng lẫn mây đen là mưa to gió lớn. Những ngày mưa to gió lớn, người làm nông phải mặc áo tơi, chứ áo mưa cánh dơi hay áo mưa ni lông không chịu nổi sức gió ở xứ này.


Ở quê tôi, gần Tết, phụ nữ hay làm củ kiệu, cá khô... để chuẩn bị thực phẩm cho gia đình ngày Tết, người ta sợ gió thổi mạnh làm bụi bay tung tóe sẽ bị bẩn thực phẩm. Mấy chục năm trước, đường làng quê làm gì được tráng nhựa, bê tông sạch sẽ như bây giờ. Vì vậy, để giảm bớt bụi bay vào nhà, mỗi ngày 3-4 lần, người dân phải tạt mấy xô nước ra trước sân, nhà nào gần đường thì tạt nước luôn cả mặt đường.


Những ngày cận Tết, khi mùa gió bấc thổi đúng hướng (đi từ Tây Bắc xuống Đông Nam), dân gian còn gọi nơi này là rốn gió, lạnh thấu ruột thấu gan nên trẻ con và người già phải mặc nhiều lớp áo ấm lúc sáng sớm và buổi chiều tối. Người ta phải nấu nước để tắm, nếu không dễ bị cảm. Dân chài lưới khu vực Cồn Nhãn, Hải Triều kể, vào mùa gió bấc kèm mưa phùn làm họ lạnh run bần bật. Vì vậy, đàn ông hay phụ nữ đều mặc 2-3 lớp áo ấm. Người già lúc nào cũng trùm khăn trên đầu và phải nằm than mỗi ngày mới đủ ấm.


Trước kia, suốt từ đêm ba mươi đến mùng một Tết, bếp lò của má tôi luôn đỏ lửa với hy vọng một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Khi gió thổi mạnh kèm theo mưa xuân, làm thời tiết lạnh, bếp than hồng vào sáng mùng một Tết còn là nơi cả nhà tôi quây quần nướng bánh tráng, nhâm nhi vài ngụm trà nóng và nhấm nháp ít mứt gừng để cảm nhận hơi ấm gia đình đang lan tỏa. Ngoài sân, từng cơn gió tạt qua, lay mạnh cây bưởi nghe xào xạc, những trái non rụng lộp độp cùng với những cánh hoa bay nghiêng theo gió rồi nằm lại đầy gốc cây. Những cội mai già không đủ sức chống lại cơn gió mạnh, nụ và hoa vương vãi khắp sân.


Mùa gió bấc làm cho không khí Tết ở Tu Bông mang đặc trưng riêng không lẫn vào đâu được! Ai đã từng sống nơi này ắt hẳn không thể nào quên được những ký ức về miền quê thương nhớ khi năm cũ dần đi qua, năm mới đang rất cận kề.


Trần Thị Thanh Loan

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp