Gần nửa thế kỷ trôi qua, cứ mỗi tháng 5 về, trong niềm hân hoan vui mừng xen lẫn tự hào đón chào những ngày lễ của dân tộc, lòng tôi lại hướng về những đồng đội đã hy sinh trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc. Tuổi thơ và những tháng năm chinh chiến hiện lên thôi thúc tôi ghi lại cảm xúc của đời mình gắn với những người đồng chí, đồng đội cùng chung chiến hào đánh giặc.
Thuở còn cắp sách tới trường, cứ mỗi tháng 5 về, hoa phượng nở đỏ rực rỡ, ve rả rích kêu, lũ nhỏ chúng tôi lại nôn nao mừng rỡ có 3 tháng hè thỏa thích đánh khăng đánh đáo, tắm ao bơi sông, mò cua bắt cá, thả diều, đá bóng. Những chiều không phải phụ giúp việc nhà, những tối sáng trăng, chúng tôi rủ nhau ra sân hợp tác xã đá bóng. Không có tiền mua bóng, chúng tôi lấy lá chuối khô cuốn tròn cột chặt làm bóng. Trong chúng tôi, không ai thích giữ gôn, chỉ thích đá tiền đạo để sút tung lưới đối phương. Sau hai hiệp, đội thua phải cõng đội thắng đi một vòng quanh sân. Bảy, tám tuổi, tôi đã biết phụ giúp cha mẹ hái rau, nấu cơm, phơi lúa. Thập niên 60, thế hệ chúng tôi cơm không đủ no, áo không đủ ấm nhưng vẫn chăm chỉ học hành.
Tháng 5-1968, tốt nghiệp cấp 3, tôi quyết định gác bút nghiên, gác mộng sách đèn xung phong đi bộ đội, vào chiến trường miền Nam. Tình yêu quê hương đất nước thấm vào tâm trí tôi từ những lời ru đong đưa cùng cánh võng mỗi trưa hè của mẹ. Tình yêu hình thành từ những buổi sinh hoạt đội, đoàn thanh niên và những năm được học, được đọc những tập sách, bài thơ đầy tính chiến đấu và không kém phần lãng mạn cách mạng như: “Nhật ký trong tù”, “Từ ấy”, “Việt Bắc”, “Gió lộng” hay “Quê hương”, “Núi đôi”, “Thép đã tôi thế đấy”…
Sau khóa huấn luyện tác chiến bắn đạn thật, ném lựu đạn, đánh bộc phá, rà phá bom mìn, cắt hàng rào kẽm gai, luồn sâu lót sẵn vào cứ điểm địch, tập đánh chiếm những tòa nhà cao tầng, đơn vị tôi được lệnh hành quân vào chiến trường. Chúng tôi ra trận mà lòng phơi phới, luôn hát vang những bài ca hừng hực khí thế chiến đấu. Vượt qua muôn vàn gian nan vất vả, đội nắng dầm mưa, trèo đèo lội suối, chiến thắng sốt rét, bệnh tật, chúng tôi hành quân ròng rã 4 tháng mới tới chiến trường. Sau đó là những ngày liên tục chiến đấu với quân thù. 12 anh em trong tiểu đội, qua mỗi cuộc chiến đấu lại có người ngã xuống. Lớp cũ hy sinh, lớp mới được bổ sung.
Tháng 5-1972, đơn vị tôi được lệnh tăng cường cho mặt trận Quảng Trị. Dưới nắng nóng gay gắt như đổ lửa giữa mùa hè miền Trung, chúng tôi và quân địch giành nhau từng căn nhà, góc phố. Có những thời điểm do chênh lệch về lực lượng, chúng tôi bị dồn vào một góc thành cổ. Chỉ có lòng quyết tâm cao độ, ý chí cùng nghị lực, mưu trí dũng cảm, chúng tôi mới giữ vững được trận địa. Trong khó khăn gian khổ ác liệt mới thấy được tình đồng chí, đồng đội cao cả biết nhường nào. Anh em chia nhau từng ngụm nước, từng miếng lương khô, nhường cho nhau vị trí ít nguy hiểm hơn. Nhiều đồng chí bị thương, máu thấm đỏ bông băng vẫn bám trận địa không chịu lùi về tuyến sau.
Địch rải xuống thành cổ không biết bao nhiêu bom đạn. 81 ngày đêm chịu đựng liên tiếp những đợt oanh kích, thành cổ không còn căn nhà, gốc cây, vạt cỏ nào nguyên vẹn. Dòng sông Thạch Hãn nhuốm đỏ máu đồng đội. Tinh thần, xương máu người chiến sĩ quân giải phóng đã làm nên kỳ tích anh hùng nơi thành cổ.
Mùa xuân năm 1975, đơn vị tôi tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Ngày 1-5-1975, đồng đội tôi vẫn có người hy sinh.
Khi niềm vui mừng đất nước thống nhất hòa bình dịu lắng, lòng tôi lại trào dâng một nỗi nhớ thương, đau đớn, nghẹn ngào. Chúng tôi được đoàn tụ với cha mẹ, vợ con nhưng nhiều đồng đội thì không. Các anh đang nằm đâu đó trong rừng sâu, dưới lớp đất đồi nắng cháy, bị vùi lấp trong bùn đen của dòng Thạch Hãn.
Tháng 5, với tôi là những kỷ niệm thương nhớ không thể nào quên.
Lương Điện Biên