Tháng Ba là mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông uống nước… Tháng ba là khi chúng mình cùng lũ trẻ trường làng xuýt xoa bởi cái rét nàng bân vừa ê a đọc những câu ca: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi/Tháng Hai trồng đậu tháng Ba trồng cà…”. Từ xa xưa cha ông đã thế; đến bây giờ, lớp trẻ cũng cứ nhớ trong lòng những nếp sinh hoạt ấy, dù có thể có hay không diễn ra lễ hội đủ đầy mọi lễ nghi của thuở ấy.
Tháng Ba, là những ngày có ban mai êm đềm, pha cái lạnh quê nhà và vẹn nguyên cái gió cao nguyên dào dạt khắp đất trời; là những hoàng hôn chói lọi. Ngày dần khép lại trong bầu không khí se lạnh khác thường. Bóng rặng cau nơi góc sân trường huyện in trên nền trời đang bắt đầu sẫm lại. Lũ sáo đá cãi nhau ỏm tỏi trên tán cây. Đám mây lớn phía tây bỗng dịch chuyển và vỡ ra một quầng ánh sáng màu vàng chói lọi. Nó chiếu thẳng vào dãy lớp học sau khi len qua các cành cây bàng, cây phượng ở sân trường. Tấm cửa kính phản chiếu thành một vầng chói mắt. Có ai đó đang tản bộ cũng phải dừng lại ngơ ngẩn đứng nhìn. Những dãy lớp học đóng kín cửa. Sáng ngày mai lại rộn rã tưng bừng những bóng áo đồng phục học trò và tiếng thầy cô giảng bài. Tháng Ba là khi những cô cậu học sinh lớp 12 bắt đầu vào mùa tuyển sinh cho kỳ thi đại học, là khi mỗi người gọi tên ước mơ của mình trong một tờ phiếu đăng ký dự thi. Bao hoài bão ước mơ in trong mục nguyện vọng…
Tháng Ba là khi ta cùng bao người hòa mình trong một lễ hội. Trong những tiếng nói cười hân hoan rộn rã, nắng cũng như reo ca, gió như nhảy múa trên những lá hoa phấp phới và ánh mắt người lấp lánh niềm vui. Chợt nhớ sáng nay có tin nhắn “Tháng Ba rồi, nghe tiếng gió ngoài hiên” từ một người bạn mới gửi đến. Bạn vừa trải qua một cơn bạo bệnh và đã bị mất thị lực. Đọc mà thương lắm. Trong dòng tin nhắn ấy, có biết bao dũng khí để chấp nhận thực tế và không chịu đầu hàng trước bệnh tật… Biết rằng bạn ấy cũng đang cảm nhận một tháng Ba tươi mới và ấm áp như chúng mình. Năm nay có tháng Hai nhuận và ở quê có cái rét nàng bân. Người con gái dịu dàng trong truyền thuyết xa xưa, ngồi kiên nhẫn đan chiếc áo cho chồng. Do vụng về chậm chạp mà đan suốt cả ba tháng mới xong. Trời thương tình làm cho lạnh lại để người chồng được mặc áo nàng đan. Thế mới biết các cụ ngày ấy cũng thật tinh tế và bao dung độ lượng. Tình yêu thương, sự chăm sóc những người thân yêu của mỗi người sẽ luôn làm cảm động lòng người và lan tỏa trong cuộc đời. Tuổi thơ của thế hệ chúng mình mùa rét nàng bân này cũng là mùa sương sa mỗi sáng sớm. Hôm nào sương mù dày đặc là hôm đó sẽ rất nắng, cũng là mùa gắn với lo âu của người lớn vì nỗi “tháng ba ngày tám”. Nồi cơm ngày giáp hạt cơm cõng toàn sắn khoai.
Tháng Ba là mùa hội quê nhà. Trong tâm trí của những đứa con xa quê, lễ hội Đền Hùng bắt đầu từ những ngày mùng 9 âm lịch. Từ các ngả đường người ta đi hội. Người lớn, trẻ con, các cụ bà mặc áo the nâu, khăn nhung đen vấn tóc, có cụ chống gậy lụm cụm đi bộ. Càng gần đến đền thờ vua Hùng, đường sá càng đông đúc người và xe cộ đi hơn. Cũng lạ là ngày ấy đông mà không có tình trạng chen lấn đến mức có người bị ngất xỉu như bây giờ. Mâm cỗ dâng cúng cũng đơn giản hơn. Leo từ chân núi lên sau mấy trăm bậc thang, người ta lần lượt chiêm bái đền Hạ, nơi gắn với sự tích mẹ Âu Cơ sinh ra bọc 100 trứng, đền Trung - nơi gắn với câu nói của Bác Hồ với các chiến sĩ nhân một dịp Người về thăm Đền Hùng: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”, trước khi lên đền Thượng - nơi có đàn tế trời hay xuống đền Giếng gắn với tên tuổi hai nàng công chúa Ngọc Hoa Tiên Dung….
Gió dữ vậy trời! Tiếng người nào đó nói trên chuyến xe trở về sau buổi dự triển lãm của một họa sĩ với chủ đề này: Gió. Trong căn phòng mông mênh các tác phẩm làm bằng chất liệu nhựa, thạch cao, sắt… màu sắc đa dạng, hình khối cũng thật phong phú. Và tất cả các hình khối dù mềm mại như bông hoa buông rủ hay như chùm xúc tu của loài sinh vật biển, đều như đang bay theo cơn gió thổi. Những ý tưởng ấy, không phải ai cũng có thể “đọc” đúng. Cũng lại thấy thêm nét mới mẻ trong cách nhìn, cách khám phá và thể hiện tác phẩm của giới trẻ giờ đây thật đáng ghi nhận. Những nghệ sĩ thuộc nhóm 9x, 8x và giờ là Gen Z đã và đang hội nhập với thế giới toàn cầu bằng kiến thức, tài năng và những phong cách riêng của mỗi người.
Cuối chiều nắng bỗng bừng lên. Phố xá tươi mới khác thường. Em chợt hiểu vì sao có câu hát: “Bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường”. Chút hanh hao cùng đôi tiếng ve lẻ trên tán cây ven đường báo hiệu mùa khô sắp hết, tầm một tháng nữa thôi mùa mưa và mùa phượng đỏ sẽ lại về. Nhớ lắm. Tháng Ba và gió ơi!
Bích Thiêm