Vụ du khách phản ánh bị ngăn cản khi quay phim ở di tích Tháp Bà Ponagar: Chỉ là hiểu lầm không đáng có

Thứ hai - 20/03/2023 13:44
Chiều 20-3, trao đổi với Báo Khánh Hòa, ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa cho biết, đã nắm được vụ việc một du khách người Chăm đăng tải thông tin trên mạng xã hội facebook có nội dung phản ánh nhân viên Ban quản lý di tích Tháp Bà Ponagar ngăn không cho quay phim trong khu vực di tích.  Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Vụ du khách phản ánh bị ngăn cản khi quay phim ở di tích Tháp Bà Ponagar: Chỉ là hiểu lầm không đáng có
Chiều 20-3, trao đổi với Báo Khánh Hòa, ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa cho biết, đã nắm được vụ việc một du khách người Chăm đăng tải thông tin trên mạng xã hội facebook có nội dung phản ánh nhân viên Ban quản lý di tích Tháp Bà Ponagar ngăn không cho quay phim trong khu vực di tích. Vấn đề này, phía Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa đã có báo cáo với Sở Văn hóa và Thể thao. 
 
Theo đó, vào ngày 17-3, trên mạng xã hội facebook, chủ tài khoản Wa Praong có đăng bài với tiêu đề: “Ban quản lý di tích Tháp Bà Nha Trang dùng quyền gì cấm người Chăm kể về văn hóa mình trên tháp”. Sau khi biết vụ việc, lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh đã gặp gỡ, trao đổi với chủ tài khoản Wa Praong, đồng thời yêu cầu ông Trương Văn Sơn - Phó trưởng Ban quản lý di tích Tháp Bà Ponagar (người có liên quan trực tiếp đến vụ việc) báo cáo sự việc bằng văn bản. Qua xem xét toàn bộ nội dung vụ việc, phía Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh nhận thấy cả hai bên đều có cách nhìn nhận riêng. Trong đó, ông Trương Văn Sơn đã thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của mình trong ca trực. Tuy nhiên, có thể do cách xử lý tình huống chưa được mềm mỏng nên đã xảy ra những bức xúc cá nhân và phản ứng tiêu cực từ phía du khách. Đối với chủ tài khoản Wa Praong, đơn vị cũng đã tiếp thu những ý kiến phản ánh của du khách này, đồng thời cũng chia sẻ thông tin để du khách hiểu hơn về những quy định trong việc quản lý di sản văn hóa Tháp Bà Ponagar. Đây là một sự việc hiểu nhầm không đáng có giữa khách tham quan với nhân viên quản lý di tích Tháp Bà Ponagar. Qua sự việc này, Sở Văn hóa và Thể thao đã cùng với các cơ quan liên quan họp bàn cụ thể về một số nội dung. Trong đó, yêu cầu phía Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh, Ban quản lý di tích Tháp Bà Ponagar cần chỉ đạo, nhắc nhở cán bộ, viên chức, người lao động cần tăng cường học tập nâng cao trình độ chuyên môn; trau dồi kỹ năng giao tiếp, ứng xử để phục vụ người dân và du khách được tốt hơn. 
 
Đồng bào Chăm thực hành nghi lễ tại di tích Tháp Bà Ponagar.
Đồng bào Chăm thực hành nghi lễ tại di tích Tháp Bà Ponagar. Ảnh minh họa
Được biết, sau khi trao đổi với lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh, tối 18-3, trên trang cá nhân của chủ tài khoản Wa Praong đã đăng bài “Gặp gỡ trao đổi thân mật với lãnh đạo quản lý di tích Tháp Bà Nha Trang”. Nội dung bài viết thể hiện sự hài lòng với thái độ, tinh thần tiếp thu ý kiến của người đại diện Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh, đồng thời cho biết hai bên sẽ có sự trao đổi nhiều hơn về những vấn đề cùng quan tâm.  
 
Di tích Tháp Bà Ponagar là nơi thực hành tín ngưỡng văn hóa tâm linh của toàn thể người dân Việt Nam, trong đó nổi bật nhất là người Kinh và đồng bào Chăm. Nơi đây, có sự giao thoa, tiếp biến cộng sinh và cộng hưởng văn hóa Chăm - Việt một cách hài hòa, tinh tế thể hiện cho tinh thần đoàn kết các dân tộc thông qua nghi thức thờ Mẹ xứ sở. “Từ trước đến nay, các thế hệ người Chăm vẫn thường xuyên đến di tích Tháp Bà Ponagar để thực hiện các nghi lễ tâm linh của mình. Đặc biệt vào những ngày vía Mẫu và nhất là lễ hội Tháp Bà Ponagar có rất nhiều gia đình người Chăm đã về di tích Tháp Bà Ponagar để dâng lên Mẹ những lễ vật giản dị, cùng lời nguyện cầu những điều tốt đẹp sẽ đến trong cuộc sống gia đình, làng xã và đất nước”, ông Đổng Xuân Dương - một người dân tộc Chăm có nhiều năm gắn bó với di tích Tháp Bà Ponagar cho biết. 
 
Đồng bào Chăm từ tỉnh Ninh Thuận đến di tích Tháp Bà Ponagar để dâng lễ vật lên Mẹ xứ sở. Ảnh minh họa
Đồng bào Chăm từ tỉnh Ninh Thuận đến di tích Tháp Bà Ponagar để dâng lễ vật lên Mẹ xứ sở. Ảnh minh họa
Để góp phần tô đậm thêm giá trị văn hóa Chăm ở khu di tích Tháp Bà Ponagar, gần 20 năm qua, phía Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh đã tổ chức và mời các nghệ nhân làm gốm Chăm, dệt thổ cẩm truyền thống của người Chăm và đội văn nghệ người Chăm đến trình diễn, biểu diễn ở đây phục vụ khách tham quan du lịch. Ngoài ra, tất cả các hoạt động tín ngưỡng của đồng bào Chăm diễn ra ở di tích đều có sự hỗ trợ tích cực từ phía Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh mà trực tiếp là Ban quản lý di tích Tháp Bà Ponagar. Đồng bào Chăm khi đến với di tích Tháp Bà Ponagar đều được miễn phí vé vào cổng... Vậy thiết nghĩ, chúng ta không nên vì chút hiểu lầm như sự việc đã xảy ra mà có những cách hành xử để làm phức tạp thêm sự việc. 
 
Nhân Tâm
 
Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp