Tiểu thuyết lịch sử lên ngôi

Thứ ba - 17/08/2021 09:55
Tại lễ trao giải cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 (tháng 11-2020), tiểu thuyết "Từ Dụ Thái  hậu" của nhà văn Trần Thùy Mai đạt giải nhất với số điểm tuyệt đối. Trước đó, nhà thơ Hữu Thỉnh trong những lần trao đổi về cuộc thi này đã bật mí rằng cuộc thi có những tác phẩm viết về đề tài lịch sử xuất sắc. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Tiểu thuyết lịch sử lên ngôi

Tại lễ trao giải cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 (tháng 11-2020), tiểu thuyết “Từ Dụ Thái  hậu” của nhà văn Trần Thùy Mai đạt giải nhất với số điểm tuyệt đối. Trước đó, nhà thơ Hữu Thỉnh trong những lần trao đổi về cuộc thi này đã bật mí rằng cuộc thi có những tác phẩm viết về đề tài lịch sử xuất sắc.


Ngoài “Từ Dụ Thái hậu”, có 2 tiểu thuyết lịch sử được trao giải nhì là “Mệnh đế vương” (tác giả Trương Thị Thanh Hiền), “Thị Lộ chính danh” (Võ Khắc Nghiêm) và một số tiểu thuyết lịch sử khác cũng nhận giải. Như vậy, giữa thời điểm nền văn học có những ý kiến cho rằng chất lượng các tác phẩm ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc rất hiếm thì tiểu thuyết mang âm hưởng lịch sử đã lên ngôi một cách ấn tượng.

 


Thực ra nền văn học cách mạng đã có những nhà văn thành công khi viết về đề tài lịch sử như Nguyễn Huy Tưởng với các tác phẩm nổi tiếng: Vũ Như Tô, Đêm hội Long Trì, An Tư công chúa…; Nguyên Hồng có Núi rừng Yên Thế; Nguyễn Đình Thi với những vở kịch và tiểu thuyết lịch sử như Con nai đen, Nguyễn Trãi ở Đông Quan, Rừng trúc… đem lại cho bạn đọc một cách nhìn của hậu thế về lịch sử với những biến cố, những tâm trạng, khát vọng cùng bi kịch của những nhân vật lịch sử… Tô Hoài cũng là cây bút viết nhiều về lịch sử như bộ tiểu thuyết: Mười năm, Cát bụi chân ai, Chiều chiều, Ba người khác với tư duy và bút pháp đặc sắc, đem lại một cái nhìn rất hiện thực về những giai đoạn lịch sử đương đại.


Nhưng có lẽ kể từ khi trong văn chương xuất hiện cái tên Nguyễn Huy Thiệp với những truyện ngắn lịch sử nổi tiếng: Vàng lửa, Kiếm sắc, Phẩm tiết… thì các nhà văn đã có cái nhìn rất mới, từ đó tư duy, nhận thức và bút pháp thay đổi hoàn toàn, dù nhân vật đó có là gì đi nữa thì cũng là nhân vật của chính nhà văn. Đây là “sự cởi trói hoàn toàn” về nhận thức để các nhà văn thỏa sức sáng tạo hay nói về quá khứ mà không bị câu nệ về… lịch sử.


Nhà văn gạo cội Nguyễn Xuân Khánh với cuốn tiểu thuyết Hồ Quý Ly thực sự đem lại một luồng gió mới, tư tưởng mới. Cuốn tiểu thuyết như một bức tranh hoàn chỉnh về một giai đoạn mà trước đó ít người hiểu cặn kẽ về nó. Tiếp nối sau đó, Nguyễn Xuân Khánh đều viết về những giai đoạn lịch sử đã qua như: Mẫu Thượng Ngàn, Đội gạo lên chùa với đầy đủ nét văn hóa, phong tục, tôn giáo đặc sắc. Cuối đời, nhà văn đã dâng tặng bạn đọc những tác phẩm lịch sử quý giá.


Không phải ai cũng đã đọc cuốn tiểu thuyết có tên rất lạ Minh sư của nhà văn Thái Bá Lợi ấn hành năm 2010, được trao giải thưởng văn học ASEAN 2015. Cuốn tiểu thuyết nói về vị chúa đầu tiên nhà Nguyễn - Đoan quận công Nguyễn Hoàng thuở đầu mở cõi về phương Nam. Cuốn sách đi suốt chiều dài lịch sử gần 50 năm về những việc làm, suy nghĩ và hành động của Nguyễn Hoàng với tư duy đặc biệt hiếm có. Để có thể viết được cuốn sách với chiều sâu về văn hóa, lịch sử và cả tư duy thời đại như thế thông qua nhân vật Nguyễn Hoàng, tác giả đã dành gần 5 năm để viết, 5 tháng vào chùa tu tập để thấm nhuần tư tưởng triết học nhà Phật, lý giải bước tiến của nhân vật chúa Nguyễn Hoàng đến với Phật pháp trong cách trị nước vô cùng anh minh và nhân hậu của mình…


Với tiểu thuyết có tên rất gợi Thông reo Ngàn Hống, ngòi bút của nhà văn  Nguyễn Thế Quang đã vẽ lên hình ảnh danh nhân Nguyễn Công Trứ vừa tài hoa, đào hoa và đầy cá tính. Cuốn sách đã đạt giải thưởng ASEAN năm 2019. Bạn đọc cũng không quên tiểu thuyết có tên Trần Khánh Dư của nhà văn Lưu Minh Sơn với những tình tiết đặc sắc, độc đáo và mạnh mẽ.


Cùng dòng văn tiểu thuyết lịch sử không thể không nhắc đến cây bút trẻ quân đội Phùng Văn Khai với một loạt tác phẩm hấp dẫn như: Phùng Vương, Ngô Vương, Triệu Vương phục quốc... Trước đó, nhà văn lão thành Hoàng Quốc Hải có bộ tiểu thuyết lịch sử nổi đình nổi đám: Bão táp triều Trần, Tám đời vua Lý… Điều thú vị là tiểu thuyết lịch sử hầu như do các nhà văn từng trải hay có bề dày về kiến thức viết, thì gần đây văn đàn xôn xao với cuốn tiểu thuyết Nguyên khí ngàn đời viết về đời nhà Mạc do một cây bút nữ mới 33 tuổi viết - Lục Hường.


Lâu nay, chúng ta thường hay lo ngại về việc lớp trẻ không biết nhiều về lịch sử thì thời gian qua, những tiểu thuyết lịch sử đã lên ngôi, phát triển với một thành tựu mới được công nhận. Có thể lớp trẻ hay bạn đọc chưa lĩnh hội được ngay, nhưng những tác phẩm đó là dấu ấn, là biên niên sử mãi mãi với thời gian.


Dương Trang Hương

 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp