Ứng xử với môi trường 

Thứ ba - 26/11/2024 02:21
"Quê tôi ai cũng có một dòng sông bên nhà/Con sông quê gắn bó với tuổi thơ đời tôi...".

- "Quê tôi ai cũng có một dòng sông bên nhà/Con sông quê gắn bó với tuổi thơ đời tôi...".

- Hôm nay có chuyện gì vui hả Năm, ngồi một mình nghêu ngao hát thấy yêu đời quá! Thường ngày, tôi thấy ông trầm tư lắm mà?

- Ừ, tôi rất vui! Vừa rồi, dòng sông thành phố mình đã được cơ quan chức năng các địa phương có dòng sông đi qua bắt đầu ra quân xử lý những trường hợp tái lấn chiếm mặt sông để nuôi, nhử vẹm. Các lực lượng đã đưa phương tiện cơ giới đến thực hiện tháo dỡ các giàn tre, cọc, thùng nhựa, thùng xốp, dây, phao, bù... trên sông để đem đi xử lý. Đồng thời, các địa phương cũng lắp đặt bảng tuyên truyền, cảnh báo ở những khu vực thường xuyên bị người dân tái lấn chiếm nuôi, nhử vẹm nhằm để người dân biết, chấp hành.

- Hèn chi tôi thấy tâm trạng ông lâng lâng đầy phấn khởi.

- Phấn khởi chứ Tư, bởi dòng sông trong lành của thời tuổi thơ tôi chắc sẽ sớm trở lại. Bao năm nay chịu đựng mùi hôi thối, ô nhiễm dòng nước do nước bẩn ùn ứ đã đủ lắm rồi. Tôi còn nghe nói lãnh đạo tỉnh, thành phố chỉ đạo lãnh đạo ở cơ sở phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm lòng sông để nuôi, nhử vẹm, phải  cương quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật đối với các trường hợp cố tình tái lấn chiếm mặt nước để nuôi, nhử vẹm.

- Nghe qua, tôi cũng vui lây. Đúng là dòng sông thành phố mình bao năm qua gồng gánh tình trạng ô nhiễm môi trường, không xanh được. Bây giờ mà có những chỉ đạo quyết liệt từ cấp trên, hy vọng trách nhiệm của chính quyền cơ sở được nâng cao hơn. Tuy nhiên, tôi nghĩ việc tháo dỡ này cũng chỉ mới là giải pháp tình thế, xử lý phần ngọn; vấn đề là cần phải yêu cầu những hộ dân hay tái lấn chiếm lòng sông để nuôi, nhử vẹm phải ký cam kết không tiếp tục vi phạm, nếu còn xảy ra thì bị xử lý nghiêm. Chỉ có như vậy mới bảo vệ được môi trường cho dòng sông thành phố xanh lại.

- Tư nói chí lý! Thời gian qua, chuyện tháo dỡ các giàn tre, cọc, phao, bè... vẫn được các cơ quan chức năng thành phố và cơ sở phối hợp xử lý, nhưng rồi hành vi vi phạm vẫn tiếp diễn. Tôi nghĩ động thái lần này sẽ giúp bảo vệ môi trường dòng sông được tốt hơn trước, nâng cao ý thức chấp hành của những người vi phạm, góp phần trả lại sự thông thoáng, giảm ô nhiễm môi trường, khơi thông dòng chảy để thoát lũ vào mùa mưa.

- Tôi cũng hy vọng đạt được mục tiêu đề ra. Nhưng chuyện bảo vệ môi trường sông, suối là cả vấn đề. Mới đây, ở một xã của thành phố mình, báo chí đã khui ra tình trạng đổ xà bần lấn chiếm lòng sông khiến nhiều người dân hết sức bức xúc. Họ đổ xà bần lấn chiếm sông làm bãi đổ xe trái phép, bãi chứa cát xây dựng. 

- Nghe đâu sau khi báo chí phát hiện, cơ quan chức năng vào cuộc rồi phải không Tư?

- Đúng rồi Năm, thành phố đã quyết liệt chỉ đạo để các đơn vị, địa phương kiểm tra, xử lý; trong trường hợp có xảy ra biểu hiện buông lỏng quản lý thì tham mưu thành phố phê bình, chấn chỉnh trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể có liên quan.

- Vậy là thành phố rất quyết liệt giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, không chỉ trong chuyện môi trường các dòng sông mà còn cả việc xử lý rác thải nữa. Vừa rồi, thành phố cũng tổ chức hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố. Tôi hy vọng từ việc phân loại rác thải này sẽ hình thành thói quen cho từng hộ gia đình, qua đó góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân, tránh được tình trạng vứt rác bừa bãi gây ô nhiễm.

- Cách đây 4 tháng, thành phố mình đã có kế hoạch đẩy mạnh tuyên truyền Đề án Chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh của thành phố giai đoạn 2024 - 2030. Tôi thấy để trở thành thành phố xanh, ngoài việc xanh hóa các lĩnh vực: Du lịch, hạ tầng đô thị, giao thông, công nghiệp, nông nghiệp..., một điều rất cần là người dân phải có nhận thức xanh, lối sống xanh trong hành động, ứng xử với môi trường.

ĐẠI HẢI

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp