Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintucnhatrang.com, cảm ơn !

Xúc cảm về ngày Bác Hồ đến vịnh Cam Ranh

Thứ sáu - 15/10/2021 13:20
Tròn 15 năm trước, nhà thơ Giang Nam đã viết bài thơ "Cam Ranh ngày ấy" với niềm xúc cảm sâu sắc, thể hiện tình cảm của đồng bào miền Nam đối với Bác Hồ trong hải trình về vịnh Cam Ranh vào ngày 18-10-1946… Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Xúc cảm về ngày Bác Hồ đến vịnh Cam Ranh

Tròn 15 năm trước, nhà thơ Giang Nam đã viết bài thơ “Cam Ranh ngày ấy” với niềm xúc cảm sâu sắc, thể hiện tình cảm của đồng bào miền Nam đối với Bác Hồ trong hải trình về vịnh Cam Ranh vào ngày 18-10-1946…


Sau khi hội nghị Fontainebleau (từ ngày 6-7-1946 đến 10-9-1946) kết thúc nhưng không đạt được kết quả mong đợi, ngày 13-9-1946, phái đoàn của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa do đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu đã về nước. Để tỏ thiện chí hòa bình, tranh thủ thêm thời gian hòa hoãn, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó đang là thượng khách của nước Pháp đã đàm phán, ký kết với đại diện Chính phủ Pháp bản Tạm ước 14-9-1946. Chỉ 1 ngày sau, Cao ủy Pháp ở Việt Nam là D’Argenlieu đã gửi điện mời Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt tại vịnh Cam Ranh trên đường Người từ Pháp trở về để bàn việc thi hành Tạm ước. Ngày 18-10-1946, Bác Hồ đã đến vịnh Cam Ranh.

 

Biểu diễn văn nghệ dưới tượng đài Bác Hồ ở TP. Cam Ranh. Ảnh: Vĩnh Thành

Biểu diễn văn nghệ dưới tượng đài Bác Hồ ở TP. Cam Ranh. Ảnh: Vĩnh Thành


Khắc họa lại những tình cảm, suy tư của Bác về quê hương, đất nước trong chặng hải trình từ Paris về đến vịnh Cam Ranh, nhà thơ Giang Nam đã viết những câu thơ dung dị nhưng đậm tình:“Con tàu đưa Bác đi/Về phương Đông/Sóng trắng một phương trời thương nhớ/Đất quê hương mây đen vần vũ/Từng đêm, từng đêm/Bác thức với thời gian/Tính từng bước đi cho ngày mai dân tộc…”.


Quả thực, sau khi rời nước Pháp về nước trên chiến hạm Dumont D’Urville và đến vịnh Cam Ranh, đó là khoảng thời gian đầy ưu tư của Bác trước vận mệnh nước nhà khi nền độc lập non trẻ đang ngày đêm bị đe dọa bởi âm mưu phát động chiến tranh của thực dân Pháp. Trong bối cảnh nước nhà chưa đủ điều kiện để kháng chiến, việc kéo dài thời gian hòa hoãn với thực dân Pháp lúc này có thể xem là một sự thành công. Chính điều đó càng khiến hình ảnh quê hương trong Bác lúc này đầy nỗi nhớ thương. Chỉ với những câu thơ ngắn, nhà thơ Giang Nam đã khéo léo ghi lại nỗi niềm của Bác trong thời khắc lịch sử quan trọng đó.


Mạch cảm xúc về đất nước của Bác tiếp tục được nhà thơ thể hiện với niềm hứng khởi. Lời thơ tràn đầy ký ức, nhịp thơ như giục giã, reo vui: “Đêm Pa-ri đầy sương/Bác nhớ Sài Gòn nổ phát súng đầu tiên chống giặc/Qua Hồng Hải, Bác nhớ Nha Trang/Bác từng gửi thư khen…”. Đó là hình ảnh về những ngày Nam bộ kháng chiến chống thực dân Pháp quay trở lại xâm lược. Ở đó, quân dân Sài Gòn đã anh dũng đứng lên bảo vệ nền độc lập vừa giành được của dân tộc. Người dân Nha Trang - Khánh Hòa ngày 23-10-1945 cũng đã đứng lên cầm súng kháng chiến chống thực dân Pháp và làm nên kỳ tích 101 ngày đêm kìm chân địch, được Bác Hồ gửi thư động viên.

 

Bản thảo bài thơ Cam Ranh ngày ấy của nhà thơ Giang Nam.

Bản thảo bài thơ Cam Ranh ngày ấy của nhà thơ Giang Nam.


Khi con tàu đưa Bác đến vịnh Cam Ranh, hướng mắt nhìn bao quanh với những ngọn núi xa xanh, bãi cát trắng, rặng bát ngát… đã khiến Người như vỡ òa cảm xúc: “Đây rồi vịnh Cam Ranh/Đây rồi những ngọn núi xa xanh/Nơi đó bao mẹ già nấu cơm chờ con ra trận/Cát Cam Ranh trắng/Dừa Cam Ranh xanh/Bác thấy cả miền Nam quây quần bên Bác…”. Như một sự dồn nén trong suốt chặng đường, để khi được gặp lại những hình bóng quê nhà thân thương đã tạo nguồn xúc cảm bồi hồi trong tâm hồn Bác,  sau hơn 35 năm, kể từ ngày Người đi tìm hình của nước…


Hai câu cuối của bài thơ: “Mặt trời lên - Tàu dừng lại - Trưa nay/Lịch sử ghi: Ngày 18 tháng 10 Bác đến”. Cách tác giả kết thúc bài thơ có phần đột ngột với lời thơ mang tính chất ghi lại dấu mốc thời gian về một sự kiện lịch sử nhưng ẩn đằng sau đó, người đọc có thể cảm nhận được cảm xúc tiếc nuối của tác giả nói riêng và của toàn thể đồng bào miền Nam nói chung. Bởi chúng ta biết rằng, sau này dù có nhiều lần Bác bày tỏ nguyện vọng được trở lại thăm đồng bào, chiến sĩ miền Nam nhưng đều không thực hiện được. Vậy nên, cái ngày lịch sử 18-10-1946 Bác Hồ đến vịnh Cam Ranh cũng chính là ngày ghi nhận lần cuối cùng Bác Hồ đến miền Nam.


 Nhà thơ Giang Nam chia sẻ, đầu tháng 10-2006, nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ đến vịnh Cam Ranh đã thôi thúc ông phải viết một cái gì đó về sự kiện lịch sử này. Nhưng viết làm sao để vừa thể hiện được cái tầm, cái tài và nhất là cái tình của Bác trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ là điều khiến ông phải trăn trở nhiều. Và rồi, nút thắt của mạch thơ được tháo mở khi ông hình dung đến tâm trạng của Bác trong khoảng thời gian vượt đại dương về lại quê hương. Bài thơ viết xong đã được đăng ngay trên Tạp chí Nha Trang và Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam.  


Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ đến vịnh Cam Ranh, thêm một lần đọc lại bài thơ Cam Ranh ngày ấy để hiểu hơn về niềm xúc cảm lớn lao của cây đại thụ trong làng thơ xứ Trầm đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Giang Đình

 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp