Bệnh nhân kháng thuốc điều trị bệnh tai mũi họng tăng

Thứ tư - 01/03/2023 12:10
Những năm gần đây, tình trạng bệnh nhân mắc bệnh lý tai mũi họng kháng kháng sinh có dấu hiệu gia tăng. Điều này gây khó khăn trong công tác điều trị và tốn kém cho người bệnh. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Bệnh nhân kháng thuốc điều trị bệnh tai mũi họng tăng

Những năm gần đây, tình trạng bệnh nhân mắc bệnh lý tai mũi họng kháng kháng sinh có dấu hiệu gia tăng. Điều này gây khó khăn trong công tác điều trị và tốn kém cho người bệnh.


Nguy hiểm khi tự ý điều trị


Bệnh nhân N.Q.L (37 tuổi, ở tỉnh Sóc Trăng) đang làm bảo vệ tại xã Diên Lạc, huyện Diên Khánh nhập viện điều trị tại Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh trong tình trạng đau nhiều ở họng. Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện có khối áp xe quanh amidan nên tiến hành lấy mủ, điều trị tích cực cho bệnh nhân. Bệnh nhân L. cho biết: “Trước khi nhập viện, tôi thấy đau nhức ở cổ họng nên mua thuốc về uống. 2 ngày sau không khỏi, tôi có đến bác sĩ tư khám nhưng thấy tình trạng bệnh không giảm nên vào BVĐK tỉnh”.

 

Bác sĩ Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám cho bệnh nhân.

Bác sĩ Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám cho bệnh nhân.


2 tháng trước, Khoa Tai mũi họng cũng tiếp nhận bệnh nhân T.T.N.Y (TP. Nha Trang) nhập viện trong tình trạng bị viêm tai giữa nặng. Các bác sĩ của khoa đã tích cực điều trị, sử dụng nhiều nhóm kháng sinh nhưng bệnh không thuyên giảm nên phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Theo người nhà của bệnh nhân Y., trước khi nhập viện, bệnh nhân đã tự mua thuốc điều trị tại nhà hơn 1 tháng, sau đó có đến khám ở phòng khám tư nhân. Tuy nhiên, bệnh ngày càng nặng nên bệnh nhân nhập BVĐK tỉnh.


Bác sĩ chuyên khoa I Võ Quang Minh Hiếu - Phó Trưởng khoa Tai mũi họng, BVĐK tỉnh cho biết: Thông thường, các bệnh lý tai mũi họng khá phổ biến nên bệnh nhân khi nhập viện đã có quá trình tự điều trị, hoặc điều trị ở các cơ sở y tế tư nhân thời gian khá dài. Chính vì thế, khi nhập viện, đa phần bệnh nhân đều trở nặng. Tại khoa, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện điều trị các bệnh lý về tai mũi họng bị kháng kháng sinh chiếm khoảng 30-40%, đây là thực trạng đáng báo động.


Nhiều hậu quả


Kháng sinh được xem là vũ khí giúp điều trị các bệnh lý nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, hiện nay, hiện tượng kháng kháng sinh dấy lên lo ngại về việc điều trị cho bệnh nhân, nhất là khi Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là một trong những quốc gia có tỷ lệ kháng kháng sinh cao trong khu vực châu Á. Trước kia, viêm nhiễm tai mũi họng có thể dùng những loại thuốc rất thông thường. Hiện nay, trong một số trường hợp tái nhiễm, bác sĩ phải kết hợp dùng những loại thuốc thế hệ mới hơn.


Tại hội thảo khoa học chuyên đề bệnh lý nhiễm khuẩn trong tai mũi họng và phẫu thuật đầu cổ tổ chức tại Nha Trang giữa tháng 2, vấn đề kháng kháng sinh được các bác sĩ, chuyên gia đưa ra bàn luận. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tuấn Cảnh - Hội Tai mũi họng Việt Nam, các bệnh lý tai mũi họng thường gặp như: Viêm mũi dị ứng, viêm mũi xoang, viêm họng amidan, viêm VA, viêm tai giữa… thường kéo dài dai dẳng, tái đi tái lại nhiều lần, nếu không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng, như: viêm màng não, tim mạch, phổi... Khoảng 10 năm trước, bệnh nhân mắc một số bệnh lý tai mũi họng chỉ cần khám và điều trị ngoại khoa; giờ đây, nhiều trường hợp phải nhập viện, tiêm, truyền kháng sinh và làm những thủ thuật hỗ trợ, như: chích rạch màng nhĩ, đặt ống thông khí, nạo VA... để điều trị bệnh, do trước đó đã điều trị không đúng cách.


Bác sĩ Hiếu cho biết, nguyên nhân dẫn đến kháng kháng sinh trong điều trị bệnh lý tai mũi họng xuất phát từ sự chủ quan của người bệnh và người chữa bệnh. Ở Việt Nam, nhiều người có thói quen mỗi khi sốt cảm, đau ốm thường tự ra hiệu thuốc nêu một số triệu chứng; sau đó, nhân viên bán thuốc kê toa để điều trị; hoặc người bệnh dùng đơn thuốc của người khác có triệu chứng tương tự để mua uống, sau vài ngày, nếu thấy đỡ sẽ ngưng điều trị. Bên cạnh đó, có bệnh nhân không tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ. Về phía người điều trị, một số ít bác sĩ ở phòng khám tư lạm dụng kháng sinh trong kê đơn cho bệnh nhân. Cùng với đó, nhân viên nhà thuốc bán thuốc rất tùy tiện, trong đó có kháng sinh, có thể không phù hợp với bệnh nhân. Điều này dẫn đến việc sử dụng kháng sinh không cần thiết cho những bệnh cảm thông thường gây ra bởi vi rút, dẫn tới gây kháng kháng sinh cho bệnh nhân. Khi có vấn đề về sức khỏe, người bệnh không nên tự ý điều trị mà cần đến các cơ sở y tế để khám. Bệnh nhân chỉ dùng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ và phải sử dụng đúng loại, đúng liều, đúng thời gian.


T.L




 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp