Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintucnhatrang.com, cảm ơn !

Các đối tượng bảo vệ khẩn cấp: Khó xác minh nhân thân để hòa nhập

Chủ nhật - 28/11/2021 10:16
Theo quy định, sau khi tiếp nhận các đối tượng bảo vệ khẩn cấp (lang thang, xin ăn, cơ nhỡ), Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh phải xác minh, thu thập thông tin nhân thân để trả về cho gia đình, địa phương quản lý, hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay, có nhiều đối tượng khó xác minh nhân thân dẫn đến việc hòa nhập gặp nhiều khó khăn. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa

Theo quy định, sau khi tiếp nhận các đối tượng bảo vệ khẩn cấp (lang thang, xin ăn, cơ nhỡ), Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh phải xác minh, thu thập thông tin nhân thân để trả về cho gia đình, địa phương quản lý, hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay, có nhiều đối tượng khó xác minh nhân thân dẫn đến việc hòa nhập gặp nhiều khó khăn.


Nhờ sự trợ giúp của cán bộ, nhân viên Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, chúng tôi mới có cơ hội tiếp cận anh Trương Văn Hiếu. Qua trò chuyện, anh Hiếu thổ lộ: “Tôi sinh năm 1983, ở phường Vạn Thắng (TP. Nha Trang). Mẹ mất, bố lấy vợ khác nên tôi bỏ nhà đi từ lúc còn nhỏ. Trong một lần lang thang trên đường sắt, tôi bị tai nạn phải cắt đi chân trái. Sau khi được người dân giúp đỡ điều trị ra viện, tôi sống lang thang từ đó đến nay. Hàng ngày, tôi phụ giúp các sạp trái cây ở chợ Đầm kiếm tiền mua cơm, còn ban đêm ngủ ở góc chợ”. Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, thành phố thực hiện giãn cách xã hội, anh Hiếu không có nơi trú ngụ nên được lực lượng chức năng đưa về trạm y tế lấy mẫu test nhanh, xét nghiệm RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2, rồi đưa tới Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh chăm sóc. Tại trung tâm, qua xác minh ban đầu, anh Hiếu không có bất kỳ loại giấy tờ tùy thân nào; tiến hành xác minh tại địa phương, anh cũng không có người thân. Chính vì vậy, trung tâm chưa thể giao trả anh Hiếu về gia đình, địa phương quản lý, hòa nhập cộng đồng.


Theo báo cáo của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, từ tháng 8-2021 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận nuôi dưỡng 113 đối tượng bảo vệ khẩn cấp do các địa phương (chủ yếu là TP. Nha Trang) chuyển đến trong chiến dịch phòng, chống Covid-19. Trong khoảng thời gian từ 30 đến 90 ngày nuôi dưỡng, trung tâm thực hiện thu thập, xác minh nhân thân, địa phương, nơi thường trú, người thân… để tiến hành bàn giao cho gia đình, người thân, địa phương quản lý, hòa nhập cộng đồng. Đến nay, đã có 60 đối tượng được hòa nhập, 27 đối tượng chuẩn bị hòa nhập, còn 25 đối tượng chưa thể xác minh được nhân thân. Trong số 25 đối tượng này, đa phần họ bị câm, điếc, khuyết tật, tâm thần, có tiền sử sử dụng ma túy, nghiện rượu, buồn về chuyện gia đình… nên giấu giếm, trí nhớ không còn minh mẫn, mỗi ngày khai báo thông tin một kiểu. Trong khi đó, phần lớn những đối tượng này đã và sắp hết thời hạn 90 ngày nuôi dưỡng theo quy định; họ cũng không đủ tiêu chuẩn để chuyển sang chăm sóc, nuôi dưỡng lâu dài.


Bên cạnh đó, trung tâm đang chăm sóc, nuôi dưỡng 4 người nước ngoài không còn khả năng về nước và bị kẹt lại do dịch Covid-19. Tại trung tâm, họ được chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo, trang cấp đầy đủ đồ dùng sinh hoạt cá nhân, khám sức khỏe định kỳ… Nguyện vọng của 4 người đều mong muốn sớm được trở về nước. Trung tâm đã báo cáo, thông tin cho Sở Nội vụ, Công an tỉnh thực hiện kết nối, hỗ trợ đưa họ về nước nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết.


Bà Đặng Thị Thủy Tiên - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh cho biết, ngoài gặp khó khăn trong xác định đối tượng bảo vệ khẩn cấp, hiện nay, trung tâm thiếu nhân sự, nhất là vị trí chăm sóc trực tiếp đối tượng nên cán bộ, nhân viên quá tải về công việc. Vì vậy, đơn vị rất mong UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương quan tâm giải quyết những khó khăn trên cho trung tâm nhằm đảm bảo hoạt động.


Theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, quy định tại Điều 24 Nghị định 20 ngày 15-3-2021 của Chính phủ về quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội thì đối tượng bảo vệ khẩn cấp không được nuôi dưỡng lâu dài. Thế nhưng, do chưa tìm được người thân của đối tượng nên sở yêu cầu Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh tiếp tục nuôi dưỡng vì không thể đưa họ ra cộng đồng khi chưa xác định được nhân thân. Quá trình nuôi dưỡng, tỉnh vẫn cấp đủ kinh phí theo quy định là 1,44 triệu đồng/người/tháng. Thời gian tới, sở sẽ đưa công tác xã hội vào tiếp cận, tư vấn, chia sẻ, khai thác, kết nối với gia đình, người thân của các đối tượng. Đồng thời, gửi thông tin, hình ảnh đối tượng cho các địa phương nhận dạng, xác minh nhân thân. Đối với 4 người nước ngoài, sở sẽ kiến nghị và phối hợp với Sở Nội vụ, Công an tỉnh cung cấp thông tin, kết nối với các đại sứ quán, người thân để đưa họ về nước khi điều kiện cho phép.


PHÚ AN

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp