Giáo dục nghề nghiệp gắn với việc làm

Thứ tư - 08/03/2023 09:09
Những năm gần đây, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh chú trọng đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp trong đào tạo. Qua đó, góp phần cung ứng nguồn lao động có tay nghề cho các DN, giải quyết việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp.   Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Giáo dục nghề nghiệp gắn với việc làm
Những năm gần đây, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh chú trọng đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp (DN) trong đào tạo. Qua đó, góp phần cung ứng nguồn lao động có tay nghề cho các DN, giải quyết việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp.
 
Hiệu quả từ việc liên kết 
 
Từ việc hợp tác trong đào tạo giữa nhà trường với DN, em Nguyễn Duy Hoàng (TP. Nha Trang) học chuyên ngành quản lý kinh doanh du lịch tại Trường Trung cấp Kinh tế Khánh Hòa đã được tạo điều kiện vào Khách sạn Potique Nha Trang thực tập. Tại đây, em cùng các bạn được trải nghiệm thực tế, trực tiếp tham gia quá trình quản lý, sắp xếp, bố trí nơi ở, tour tham quan cho du khách, giúp nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm. Đặc biệt, qua thực tế, nhận thấy Hoàng có tay nghề tốt nên khách sạn đã đặt hàng, mời gọi em làm việc tại khách sạn sau khi tốt nghiệp. Ngay sau khi tốt nghiệp, Hoàng đã được ký hợp đồng làm việc với khách sạn…

 

Học sinh Trường Trung cấp Nghề Diên Khánh thực hành nghề may.
Học sinh Trường Trung cấp Nghề Diên Khánh thực hành nghề may.
 
Ông Lê Văn Lương - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế Khánh Hòa cho biết, cùng với việc nâng cao toàn diện chất lượng đào tạo, nhà trường còn chú trọng mở rộng liên kết với các DN trên địa bàn tỉnh nhằm tạo điều kiện cho học sinh thực tập, tạo việc làm ổn định cho người học. Hiện nay, trường đã ký kết hợp tác về đào tạo và cung ứng nhân lực với 15 DN. Trung bình mỗi năm, nhà trường cung ứng khoảng 200 lao động có tay nghề là học sinh tốt nghiệp tại trường cho các DN. Quá trình đào tạo, các DN còn hỗ trợ nhà trường trong việc tạo điều kiện cho học sinh thực tập, tham gia đánh giá chất lượng, nội dung đào tạo… Từ đó, giúp nhà trường điều chỉnh nội dung đào tạo phù hợp với nhu cầu của DN, thị trường lao động.
 
Trường Trung cấp Nghề Ninh Hòa còn thành lập bộ phận quan hệ với DN để chủ động kêu gọi, liên kết đào tạo, cung ứng nhân lực cho DN. Đến nay, nhà trường đã và đang liên kết với 12 DN, như: Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang, Công ty TNHH May mặc đồ bơi Thống Nhất, Công ty Cổ phần Cơ khí Vina Nha Trang, Công ty TNHH Đóng tàu Hyundai Việt Nam… Thông qua sự liên kết nhằm tạo môi trường thực tế sản xuất, kinh doanh cho học sinh học hỏi, nâng cao kiến thức, kỹ năng và tác phong công nghiệp; giúp các DN tuyển chọn được học viên có tay nghề vào làm việc.
 
 Ông Mạc Tiến Hưng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Ninh Hòa cho biết: “Qua hợp tác, hàng tháng, nhà trường nắm bắt được thông tin tuyển dụng, vị trí việc làm, chế độ tiền lương… để thông tin đến học viên chuẩn bị tốt nghiệp. Đồng thời, tổ chức cho DN gặp gỡ với người học để tư vấn, tuyển dụng sau khi tốt nghiệp. Từ đó, hàng năm, có hơn 90% người học tại trường tốt nghiệp có việc làm ngay. Ngoài ra, DN còn giúp nhà trường xây dựng chương trình đào tạo; đặt hàng đào tạo, đánh giá học sinh tốt nghiệp; hỗ trợ giáo viên và học sinh thực hành, thực tập tại DN… Thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng và mở rộng liên kết với các DN”…
 
Tăng cường mở rộng hợp tác
 
Theo thống kê của Phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thực hiện quy chế phối hợp, những năm gần đây, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động tăng cường liên kết với DN. Tính đến cuối tháng 2-2023, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã gắn kết với 311 DN trong và ngoài tỉnh, trong đó thực hiện ký kết hợp tác với 135 DN. Tiêu biểu, như: Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang ký kết với 45 DN; Trường Cao đẳng Du lịch Nha Trang ký kết với 35 DN, Trường Trung cấp Nghề Vạn Ninh ký kết với 10 DN, Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú Khánh Vĩnh ký kết với 5 DN… Qua liên kết giúp các trường xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề, tổ chức thi và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động; mời gọi cán bộ kỹ thuật của DN tham gia giảng dạy tại cơ sở đào tạo; hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp và phát triển ý tưởng sáng tạo...  
 
 Bên cạnh đó, các DN còn hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị, công nghệ cho quá trình đào tạo, thực tập, thực hành, nghiên cứu khoa học… của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đặc biệt, đây là kênh giải quyết việc làm hiệu quả, bền vững cho người học sau đào tạo. Những năm qua, có gần 98% học sinh, sinh viên tốt nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có việc làm ổn định ở DN trong và ngoài tỉnh.
 
VĂN GIANG
 
Ông TẠ HỒNG QUANG - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Thời gian tới, sở sẽ tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mở rộng liên kết với DN, nhất là những DN, tập đoàn lớn trên địa bàn để tạo điều kiện cho lao động địa phương có việc làm gần nhà; đẩy mạnh tuyên truyền, tuyển sinh đào tạo nghề theo hướng nâng cao chất lượng, sát thực với nhu cầu của DN, thị trường lao động. Hàng năm, sở sẽ tổ chức các hội nghị, hội thảo gắn kết DN với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; chủ động tham gia các phiên giao dịch việc làm để kết nối với DN. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng cần học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau và chủ động tìm đến DN để ký kết hợp tác thuộc lĩnh vực ngành nghề đào tạo...
 
 
Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp