Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận nhiều trường hợp cấp cứu liên quan đến việc uống rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu có hàm lượng methanol (cồn công nghiệp) cao, trong đó đã có ca tử vong. Tại Khánh Hòa, trong tháng 2 đã ghi nhận trường hợp ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp methanol nặng, được cứu sống nhờ áp dụng phương pháp lọc máu liên tục.
Nhập viện vì uống rượu pha cồn
Giữa tháng 2, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận một bệnh nhân quốc tịch Nga nhập viện trong tình trạng lơ mơ, thở nhanh do suy hô hấp. Qua khai thác thông tin, trước đó, bệnh nhân tham gia tiệc rượu cùng bạn bè, có sử dụng methanol pha thêm rượu ethanol và cocktail. Sau khi sử dụng, bệnh nhân xuất hiện các biểu hiện ngộ độc và được đưa vào bệnh viện. Tại đây, các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành lọc máu cấp cứu và cho bệnh nhân thở máy. Qua 1 tuần điều trị tích cực, bệnh nhân tỉnh táo, thở đều, các cơ quan trong cơ thể có dấu hiệu cải thiện tốt và đã được xuất viện.
Cuối năm 2021, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của bệnh viện cũng tiếp nhận 2 bệnh nhân P.P.V (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) và P.V.T (xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh) trong tình trạng nguy kịch, hôn mê sâu, thở máy, huyết áp tụt nặng khó kiểm soát. Theo thông tin người nhà cung cấp, 2 bệnh nhân cùng một nhóm thanh niên tự xem hướng dẫn pha rượu bằng cồn công nghiệp trên mạng. Sau đó, nhóm tự mua cồn không rõ nguồn gốc pha với nước thành rượu và uống một lượng lớn liên tiếp nhiều ngày. Sau đó, các thanh niên xuất hiện triệu chứng nôn ói, đau bụng, lơ mơ và được đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Bác sĩ Nguyễn Lương Kỷ - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cảnh báo: “Người dân không nên tự pha chế, chưng cất rượu từ methanol, uống vào sẽ nguy hiểm đến tính mạng; uống liều lượng nhỏ methanol cũng có thể gây ngộ độc, dẫn đến tử vong”.
Tăng cường phòng, chống ngộ độc rượu
Methanol là một loại cồn công nghiệp, được sử dụng để làm dung môi pha sơn, dung dịch tẩy rửa, nước hoa, chất chống đông lạnh… Vì có độc tính cao nên methanol chỉ được sử dụng với một lượng hạn chế trong công nghiệp. Methanol hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa. Khi vào cơ thể người, methanol gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng: Nhiễm toan chuyển hóa máu; tổn thương gan, thận, thần kinh; tổn thương thị giác có thể dẫn tới mù lòa và tử vong. Methanol rất giống với rượu ethanol thông thường. Khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống với say rượu. Tuy nhiên, sau đó, bệnh nhân sẽ có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu giống như khó thở, co giật, hôn mê. Khi đến viện, hầu hết các trường hợp này đã ở trong tình trạng nguy kịch. Các triệu chứng nhiễm độc do methanol có thể xuất hiện trong vòng 30 phút, 1 giờ đến 3 ngày, tùy vào lượng rượu bệnh nhân uống vào.
Bác sĩ Nguyễn Đình Thoan - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, trong tháng 2, Sở Y tế đã có công văn gửi các trung tâm, phòng y tế và các huyện, thị xã, thành phố về tăng cường các giải pháp phòng, chống ngộ độc rượu trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở Y tế đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan, nhất là 2 huyện miền núi tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu; chú trọng kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ, đặc biệt là các cơ sở nấu rượu thủ công; ngăn chặn kịp thời việc đưa ra lưu thông trên thị trường các loại rượu được sản xuất, pha chế không bảo đảm an toàn, không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác. Đồng thời, đẩy mạnh thông tin, truyền thông và hướng dẫn người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu; tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo phân cấp quản lý, chú trọng kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng rượu (nếu có); xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố và các bệnh viện trên địa bàn tỉnh tăng cường giám sát các ca bệnh, phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ ngộ độc rượu, methanol, nhất là các đối tượng có tiền sử nghiện rượu; cấp cứu, điều trị kịp thời để tránh các diễn biến xấu đối với sức khỏe bệnh nhân…
C.Đan