Nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc có tỷ lệ tử vong cao. Một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do người bệnh tự ý sử dụng kháng sinh mà không có chỉ định của bác sĩ.
Nguy hiểm của việc tự ý điều trị
Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa hầu như lúc nào cũng tiếp nhận điều trị nhiều trường hợp nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc. Theo các bác sĩ ở khoa, có thời điểm bệnh nhân nhiễm khuẩn đa kháng thuốc chiếm tới 25% tổng số bệnh nhân đang nằm điều trị tại khoa.
Bệnh nhân T.N.D (huyện Cam Lâm) đang điều trị tại khoa với chẩn đoán nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng hô hấp, đau ngực, khó thở. Trước đó, bệnh nhân D. đã có thời gian dài điều trị tại bệnh viện tuyến dưới. Vào Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, các bác sĩ đã tích cực đưa ra phác đồ điều trị dùng kháng sinh mạnh, phối hợp 2 loại kháng sinh, thở máy và lọc máu, song 3 tuần qua vẫn chưa có diễn biến tích cực. Người nhà bệnh nhân D. cho biết, bệnh nhân có bệnh nền huyết áp cao, duy trì việc tự uống thuốc tại nhà đã nhiều năm nay. Người nhà rất bất ngờ khi biết bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc.
Các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân. |
Hiện nay, tại các nhà thuốc ở Khánh Hòa nói riêng và cả nước nói chung, không khó để có thể bắt gặp hình ảnh người dân đến mua thuốc, mô tả những triệu chứng mà mình đang mắc phải. Người bán cứ dựa theo mô tả mà kê đơn; trong số những thuốc bán cho người mua có triệu chứng ho, sổ mũi đều có chứa kháng sinh. Do không khám mà chỉ bán thuốc theo lời kể nên trong số những loại thuốc kháng sinh nhà thuốc bán, sẽ có nhiều loại không đúng với tiêu điểm nhiễm trùng và mức độ nặng của bệnh. Còn người mua thì cứ mang về uống mà không hiểu được nguy cơ, những tác hại có thể xảy ra của thuốc kháng sinh. Chị Nguyễn Minh Nguyệt (TP. Nha Trang) cho biết: “Ở nhà tôi, thường ai bị cảm, đau nhức, sổ mũi, ho cứ ra tiệm thuốc kể các triệu chứng; tiệm thuốc bán thuốc thế nào thì về uống thế đó, theo đúng chỉ dẫn”.
Gây nhiều gánh nặng
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hoài Lâm - Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Tình trạng đề kháng kháng sinh là do thói quen người dân hay sử dụng thuốc kháng sinh chưa đúng chỉ định của bác sĩ, sử dụng thường xuyên theo kiểu tự mua thuốc điều trị những bệnh cảm sốt thông thường mà đúng ra, đối với những trường hợp này thì không cần thiết phải sử dụng kháng sinh. Ngoài ra, bệnh nhân có phác đồ điều trị của bác sĩ nhưng lại không tuân thủ đúng theo chỉ định. Theo phác đồ của bác sĩ, đợt điều trị kéo dài từ 7 đến 10 ngày, nhưng nhiều bệnh nhân đến ngày thứ 3, 4, khi thấy triệu chứng bệnh đã đỡ thì tự ý ngưng, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn có khả năng đề kháng nhóm kháng sinh đang dùng. Một trong những nguyên nhân nữa đó là, tình trạng sử dụng kháng sinh nhiều ở chăn nuôi gia súc, gia cầm. Khi nồng độ kháng sinh ở gia súc, gia cầm chưa được chuyển hóa hết, người nuôi đã đem đi bán, người ăn trúng những thực phẩm này sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn đề kháng nhóm kháng sinh đã sử dụng cho gia súc, gia cầm…, dẫn tới tình trạng bệnh nhân nhiễm trùng, đề kháng kháng sinh cao”.
Theo các chuyên gia, nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc xảy ra khi các vi sinh vật như: Vi khuẩn, vi rút, nấm hoặc ký sinh trùng có khả năng tạo ra cách chống lại thuốc kháng sinh, làm cho loại thuốc này không thể tiêu diệt hoặc làm giảm sự phát triển của chúng. Nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc khiến việc điều trị trở nên khó khăn, kém hiệu quả hoặc không hiệu quả; thời gian điều trị kéo dài, phải dùng các thuốc kháng sinh thế hệ mới với chi phí rất cao. Bên cạnh đó, trong quá trình điều trị, bắt buộc bác sĩ phải điều trị kháng sinh ở liều cao, hoặc kết hợp các loại thuốc kháng sinh với nhau, từ đó kéo theo gánh nặng cho người bệnh khi chi phí điều trị tăng cao. Không những thế, việc điều trị kết hợp nhiều loại kháng sinh với nhau có nguy cơ gây ra những biến chứng cực kỳ nguy hiểm đối với bệnh nhân. Hoặc nếu sau khi điều trị thành công thì người bệnh vẫn có thể xuất hiện các biến chứng như: Suy gan, suy thận, rối loạn nhịp tim, suy mòn cơ, suy kiệt sau hồi sức, xẹp phổi sau hồi sức thở máy kéo dài. Do đó, hậu điều trị nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc cũng được xem là một thử thách lớn của ngành Y tế, tăng gánh nặng chi phí điều trị và kéo dài thời gian nằm viện, để lại nhiều di chứng cho người bệnh.
Chính vì vậy, để hạn chế và phòng ngừa nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc rất cần xã hội, cộng đồng và người dân nâng cao ý thức, trong đó hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh khi không có chỉ định của bác sĩ; khi có chỉ định điều trị của bác sĩ phải tuân thủ nghiêm. Trong ngành chăn nuôi, phải hạn chế dùng kháng sinh cho gia cầm, gia súc.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 700.000 người tử vong do kháng thuốc. Dự tính đến năm 2050, cứ 3 giây sẽ có một người tử vong do các siêu vi khuẩn kháng thuốc, tức xấp xỉ 10 triệu người/năm. WHO xếp Việt Nam vào nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao của thế giới.
C.ĐAN