Nhiều doanh nghiệp cơ khí trong tỉnh Khánh Hòa đang hướng tới đầu tư, sản xuất máy móc, thiết bị theo công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất lao động, quản lý theo quy trình hiện đại, tự động hóa.
Ứng dụng công nghệ hiện đại
Theo ông Trần Văn Hùng - Giám đốc Công ty TNHH Tự động hóa Ment (xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang), những năm qua, công ty tập trung phát triển, ứng dụng các giải pháp, máy móc tự động hóa để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm lao động và tối ưu hóa các khâu quản lý, sản xuất phục vụ ngành chế biến thủy sản. Các sản phẩm chiến lược của công ty sản xuất là hệ thống cân tổ hợp, cân thống kê, cân liên tục… được xuất khẩu và phục vụ nhu cầu trong nước.
Ông Nguyễn Văn Hoàng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Cơ khí Vina Nha Trang (Cụm Công nghiệp Diên Phú) cho biết, đơn vị đã nghiên cứu, chế tạo thành công các thiết bị chế biến nông sản mà chủ lực là chế biến cà phê. Hai sản phẩm điển hình là hệ thống máy phân loại chế biến nông sản và hệ thống máy sấy dăm gỗ mang tính tự động cao. Hiện nay, công ty đã đầu tư hệ thống robot tự động để hiện đại hóa các khâu, công đoạn sản xuất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương, việc đầu tư hiện đại hóa ngành cơ khí đã có nhiều tiến bộ. Cụ thể như: Nhà máy Đóng tàu Hyundai Việt Nam đóng mới tàu có trọng tải 56.000DWT; Công ty TNHH SCALEAQ chuyên sản xuất, chế tạo các thiết bị cơ khí trong lĩnh vực khai thác dầu khí, nuôi trồng thủy sản và thiết bị điện tử - cơ khí phục vụ hàng hải; Công ty TNHH Karmsund Maritime Việt Nam đầu tư nhà máy sản xuất thiết bị cơ khí chính xác về hàng hải và dầu khí; Công ty Cổ phần Cơ khí Vina Nha Trang ứng dụng công nghệ mới như: công nghệ steam coffee (nồi hơi), công nghệ enzyme trong chế biến cà phê quả tươi, công nghệ tiệt trùng nông sản, công nghệ decaf (khử caffein)... để sản xuất thiết bị chế biến cà phê, bồn chứa nông sản, sản phẩm sau thu hoạch...
Cần tập trung phát triển cơ khí chính xác
Trong thời gian qua, ngành cơ khí trên địa bàn tỉnh tuy đạt nhiều tiến bộ song vẫn còn thiếu tính đồng bộ. Cụ thể như: Các sản phẩm của ngành chưa đa dạng, chất lượng chỉ ở mức trung bình khá. Một số công đoạn sản xuất quan trọng như: đúc, rèn dập, hàn, nhiệt luyện, bảo vệ bề mặt, gia công cơ khí, cắt gọt kim loại... đang cần được đầu tư công nghệ mới để cải thiện chất lượng và đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm. Một số cơ sở tư nhân vẫn còn sử dụng các dây chuyền máy móc công nghệ cũ, thủ công…
Theo ông Nguyễn Sanh Đương - Phó Giám đốc Sở Công Thương, trong thời gian sắp tới, ngành cơ khí cần tập trung vào phát triển cơ khí chính xác phục vụ ngành đóng tàu; phương tiện vận tải, bốc xếp; chế biến nông - lâm - thủy sản; các thiết bị hàng hải, đo lường...; đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành cơ khí chính xác, điện tử viễn thông, thiết bị điện; sản xuất năng lượng tái tạo; dệt may - da giày; công nghiệp công nghệ cao… Đặc biệt, ưu tiên các dự án cụ thể như: Dự án sản xuất kết cấu thép, thùng container, bể, thùng, ống thép kim loại cỡ lớn, động cơ và các thiết bị phụ tùng cung cấp cho các loại tàu thủy trọng tải từ 6.500DWT trở lên; đầu tư các cơ sở đóng tàu vỏ composite; sản xuất và lắp ráp máy móc thiết bị kỹ thuật điện; sản xuất phụ tùng, linh kiện ô tô, thiết bị vận tải các loại; thiết bị bốc xếp, vận chuyển hàng hóa trong cảng, kho bãi logistics trong các khu công nghiệp ở Ninh Hòa, Diên Khánh...
V.L