Than sinh học được tận dụng từ các phụ phẩm sẵn có để chế biến, có nhiều lợi ích trong bảo vệ môi trường, giá thành thấp. Thế nhưng, việc sử dụng than sinh học trong đời sống xã hội vẫn chưa phổ biến.
Bước đầu được thị trường đón nhận
Chúng tôi tìm đến cơ sở sản xuất than sinh học Hùng Trang tại thôn Thạch Định, xã Ninh Trung, thị xã Ninh Hòa. Đây là cơ sở sản xuất than sinh học có quy mô tương đối lớn trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Văn Hùng - chủ cơ sở cho biết, những năm trước, ông đầu tư sản xuất viên nén củi. Tuy nhiên, do máy móc cũ, công nghệ lạc hậu nên việc sản xuất không đảm bảo. Thua lỗ, ông đóng cửa nhà máy trong khi vẫn tồn hàng chục tấn mùn cưa nguyên liệu. Để xử lý lượng mùn cưa này, ông tìm thông tin trên mạng và biết đến cách làm than sinh học nên bắt tay vào làm thử. Hiện nay, với quy mô sản xuất 50-60 tấn/tháng, cơ sở của ông cung cấp sản phẩm cho rất nhiều đại lý trong và ngoài tỉnh (như: Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh…).
Giá than sinh học dao động 6.000 - 8.500 đồng/kg, tùy theo khoảng cách giao hàng. Với giá thành rẻ hơn than củi (9.000 đồng/kg) nên than sinh học bắt đầu được thị trường đón nhận, nhất là các hàng quán, nhà hàng. Tuy nhiên, việc sử dụng than sinh học vẫn chưa phổ biến do chưa có nhiều thông tin về lợi ích của nó trong đời sống, cũng như tâm lý e dè của người dân trước một sản phẩm mới. Bà Nguyễn Thị Phượng - chủ quán vịt nướng ở huyện Diên Khánh cho hay, than sinh học dễ cháy, đượm lửa, giữ nhiệt, khi bắt lửa thì cháy rất lâu, lâu tàn (kéo dài 3-4 giờ); khi mồi lửa chậm hơn than củi nhưng khi cháy không nổ, không khói, không gây khó chịu cho người sử dụng, bảo vệ môi trường…
Cần được khuyến khích sử dụng rộng rãi
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương - nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ cho biết, than sinh học sản xuất từ các loại phụ phẩm nông lâm nghiệp như: Mùn cưa, vỏ trấu, vỏ cà phê, vỏ đậu phụng, bã mía, vỏ dừa, vỏ ca cao, cây tre, lau sậy, phế thải từ khai thác rừng, thân, lá, cành các loại cây trồng… Đặc biệt, than sinh học làm từ mùn cưa có nhiều đặc điểm vượt trội như: Hàm lượng carbon 80 - 95%; nhiệt lượng từ 7.000 đến 8.500 Kcal; thời gian sử dụng liên tục trung bình 180 - 200 phút; khi cháy không phát sinh mùi hôi, khói, rất ít bụi; hiệu suất sử dụng gấp 1,5 - 2 lần than củi đen hay than hoa truyền thống. Công nghệ áp dụng để sản xuất than sinh học mùn cưa được đánh giá là công nghệ xanh, sạch và tiên tiến trên thế giới. Than sinh học có thể thay thế phương pháp đốt than củi truyền thống, lạc hậu, hủy hoại môi trường, cũng như làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hà - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, than sinh học đối với Khánh Hòa còn khá mới mẻ, nhiều người chưa biết. Thế nhưng, đây lại là loại vật liệu đốt thân thiện môi trường, vì vậy rất cần nhân rộng trong thời gian tới.
Quy trình làm than sinh học khá đơn giản. Ban đầu, mùn cưa được xử lý ủ men vi sinh tạo độ mịn, sấy và đưa vào lò đốt trong điều kiện yếm khí tạo ra than sinh học. Sau đó, bán thành phẩm được phối trộn thêm than vụn, đồng thời dùng bột năng làm chất kết dính tạo thành hỗn hợp than sinh học. Hỗn hợp được máy chà làm mịn và cuối cùng đưa vào khuôn ép thành những thỏi than hình lục giác. Sau đó, thành phẩm được làm khô và đóng gói đưa ra thị trường. |
Vĩnh Lạc