Để giúp nông dân đối phó với bệnh thối củ trên cây khoai sáp, ông Trần Vy Long - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Hòa (huyện Cam Lâm) đã nghiên cứu và đề ra giải pháp “Cải tiến kỹ thuật trồng và chăm sóc cây khoai sáp” đem lại hiệu quả thiết thực. Giải pháp này đã đạt giải khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ IX (2020 - 2021).
Cây khoai sáp xuất hiện ở xã Cam Hòa năm 2009, lúc đó chỉ có 5ha trồng trên đất lúa 2 vụ. 5-6 năm sau, loài cây này đã nhanh chóng áp đảo cây trồng chuyển đổi tại Cam Hòa bởi hiệu quả kinh tế từ cây khoai sáp gấp 5 lần cây lúa, tổng diện tích trồng đã lên tới 150ha.
Theo ông Long, tuy cây khoai sáp mang lại hiệu quả kinh tế nhưng do canh tác theo lối cũ, cứ xong vụ thu hoạch người dân lại đưa cây con vào trồng khiến đất dễ thoái hóa, bạc màu, sức đề kháng của cây yếu, nguy cơ dịch bệnh rất cao. Bên cạnh đó, việc sản xuất tràn lan nên khó kiểm soát thị trường tiêu thụ, cung vượt cầu làm cho sản phẩm bị ứ đọng. Ngoài ra, do biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường làm cho cây khoai sáp xuất hiện nhiều bệnh lạ rất khó phòng trị.
Đến năm 2018, cây khoai sáp tại Cam Hòa đã xuất hiện bệnh thối củ, giảm năng suất làm người dân thua lỗ liên miên. Do không có thuốc bảo vệ thực vật nào đặc trị được loại bệnh này nên buộc nông dân phải bỏ vụ, trở lại trồng lúa nước. Đến giữa năm 2020, diện tích khoai sáp chỉ còn 5ha.
Đứng trước tình hình đó, ông Long đã nghiên cứu và đề xuất giải pháp “Cải tiến kỹ thuật trồng và chăm sóc cây khoai sáp”, vận động nông dân canh tác khoai sáp theo hướng khoa học. Sau khi nghiên cứu, trên cơ sở góp ý của cơ quan chuyên môn và những người có kinh nghiệm trồng khoai sáp trên địa bàn, ông Long đã đưa ra quy trình canh tác như sau: Sau khi thu hoạch khoai sáp xong phải cho đất nghỉ 20-30 ngày, sau đó cho nước vào cày xới để đất tơi xốp, xử lý vôi, bón lót phân chuồng (phân ủ hoai). Ruộng được cày ải 2 bận, bừa lại cho bằng phẳng, tháo khô nước, giăng dây trồng cho thẳng hàng. Cây giống tách từ thân cây mẹ, tỷ lệ cây con sống rất cao, chọn cây khỏe mạnh, phát triển tốt. Trồng hàng cách hàng 45cm, cây cách cây 10cm. Khi bắt đầu tạo củ, rễ nổi lên bề mặt đất, cần vun hàng khoai lên cao. Bón phân chia làm 4 đợt; sử dụng các loại thuốc đặc trị rầy, bọ trĩ, trị nấm thán thư, thối củ...
Ông Long cho biết, trên địa bàn đã có 5-6 hộ áp dụng phương pháp canh tác mới, không thấy xuất hiện bệnh thối củ như trước, lại tiết kiệm đượccông chăm sóc. Nếu trước đây, công chăm sóc, làm cỏ, vun hàng, phun thuốc, bón phân chi phí khoảng 3-4 triệu đồng, nay chỉ còn 1,5 triệu đồng. Ngoài ra, sản phẩm còn đạt chất lượng, năng suất; giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; lợi nhuận cao hơn 1,5 lần.
Ông Nguyễn Minh Thĩnh (thôn Lập Định 1) trồng khoai sáp theo cách mới cho biết, cách này sử dụng nước giếng khoan để chủ động nguồn nước, hộ nào có điều kiện thì đầu tư thêm béc phun. Nước không ngập, ngâm lâu như trước nên bệnh thối củ giảm rõ rệt, năng suất, chất lượng cao hơn, bình quân thu hoạch vụ 20 tấn/ha. Qua đó, người dân đã chuyển đổi cách làm, cứ 1-2 vụ khoai là chuyển đổi sang cây khác, cắt đứt đường lây nhiễm của sâu bệnh, không để lây lan.
Quang Viên