Đưa Drone và máy phun gầm cao vào chăm sóc cây mía

Thứ tư - 13/10/2021 07:17
Nhanh, tiết kiệm, hiệu quả, thuận tiện và không cần nhiều công lao động là những lợi ích của máy bay không người lái (Drone) và máy phun gầm cao để phun chế phẩm sinh học cho cây mía đường được Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Ninh Hòa áp dụng trên vùng nguyên liệu của mình. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Đưa Drone và máy phun gầm cao vào chăm sóc cây mía

Nhanh, tiết kiệm, hiệu quả, thuận tiện và không cần nhiều công lao động là những lợi ích của máy bay không người lái (Drone) và máy phun gầm cao để phun chế phẩm sinh học cho cây mía đường được Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Ninh Hòa (BHS-NH) áp dụng trên vùng nguyên liệu của mình.


Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Việt, Giám đốc BHS-NH cho biết, trong sản xuất nông nghiệp, năng suất cây trồng là yếu tố quyết định đến lợi nhuận và khả năng cạnh tranh. Sau hơn 3 năm mở cửa hội nhập, ngành mía đường Việt Nam nói chung và BHS-NH nói riêng vẫn đang không ngừng nỗ lực tìm lời giải cho bài toán tăng năng suất mía. Tại vùng mía nguyên liệu của BHS-NH, chủ yếu nằm ở cánh tây thị xã Ninh Hòa, phần lớn diện tích sản xuất mía đều chưa chủ động nước tưới, khô hạn hàng năm diễn ra khá gay gắt, nguồn dưỡng chất cho cây mía chưa được đầu tư xứng đáng.

 

Máy phun gầm cao và Drone đưa vào sử dụng tại vùng nguyên liệu của BHS-NH.
Máy phun gầm cao và Drone đưa vào sử dụng tại vùng nguyên liệu của BHS-NH.

 

Để giải quyết bài toán nâng cao năng suất chất lượng mía, BHS-NH đã triển khai nhiều giải pháp đầu tư - hỗ trợ đồng bộ từ khâu trồng mới đến chăm sóc, thu hoạch. Cùng với việc đẩy mạnh hỗ trợ và thúc đẩy mạnh mẽ cơ giới hóa vào quá trình cải tạo đất như máy cày sâu, đào hố để tích tụ tối đa lượng nước mưa ít ỏi; áp dụng máy vào việc trồng mía, đưa máy vào thu hoạch…, thời gian gần đây, BHS-NH đã áp dụng thử nghiệm và thu về những kết quả hết sức khả quan đối với hình thức phun chế phẩm sinh học cho cây mía bằng Drone và máy phun gầm cao.


Đối với việc phun xịt chế phẩm sinh học, do phương pháp canh tác của nông dân trên vùng nguyên liệu chủ yếu là trồng hàng hẹp. Chưa kể thời điểm cần phun chế phẩm sinh học khi mía đã lên cao, tạo lóng, khiến cho việc phun tay, chăm sóc bằng sức người gặp nhiều khó khăn và kém năng suất, hiệu quả. BHS-NH đã tìm hiểu, nghiên cứu các giải pháp phù hợp, hiệu quả và có chi phí hợp lý nhằm chăm sóc cây mía tốt hơn, trong đó có phương pháp phun bằng máy gầm cao và phương pháp phun hiện đại nhất hiện nay là bằng Drone.

 


“Ưu điểm của thiết bị phun bằng Drone là được lập trình tự động 100% với công nghệ vòi phun ly tâm giúp cắt nhỏ hạt dung dịch thành 95-550µm, ưu việt hơn so với vòi phun áp lực. Drone còn hoạt động dựa vào định vị bản đồ GNSS RTK chính xác đến từng centimet… Bên cạnh những lợi ích rõ ràng như: an toàn, hiệu quả, tiết kiệm chế phẩm…, phương pháp phun bằng Drone còn có ưu điểm là có thể hoạt động cả ngày và đêm, máy có thể phun chế phẩm sinh học cho cây mía bất kể thời kỳ sinh trưởng hay địa hình bằng phẳng, đồi dốc nào” - lãnh đạo BHS-NH nhấn mạnh.


Còn đối với máy phun gầm cao, buồng lái được thiết kế phía trên bánh xe trước, giúp người lái có tầm nhìn rộng, dễ dàng điều khiển, với chiều cao lên đến 2m không nguy hại đến cây mía, chiều dài cần phun thuốc dài 22m và có thể điều chỉnh chiều cao cần phun phù hợp phun cho từng giai đoạn phát triển của cây mía; bánh xích cao su chống được lầy lún cùng bình chứa có dung tích lên đến 2.500 lít giúp phun phủ rộng, nhanh và với lượng nước phun 1.000 lít/ha, hạt nước phun sương giúp cây mía hấp thu mạnh, thẩm thấu nhanh.


Ngoài ra, Drone hay máy phun gầm cao còn giúp giải quyết được vấn đề thiếu công lao động chăm sóc mía hiện nay. Mỗi Drone có khả năng phun chế phẩm sinh học với công suất lên tới 10ha/ngày, còn máy phun gầm cao 15ha/ngày. Bên cạnh đó, công nghệ phun ly tâm giúp cắt nhỏ hạt dung dịch giúp cho cây trồng hấp thụ tối đa chế phẩm sinh học, làm tăng hiệu quả sử dụng, từ đó giảm chi phí cho nông dân. Phương pháp này cũng giảm thiểu tác động xấu đến môi trường do công nghệ phun ly tâm giúp cây trồng hấp thụ tốt chế phẩm, ít rơi rớt ra xung quanh.


Nói thêm về chế phẩm sinh học, đại diện BHS-NH cho biết, các chế phẩm sinh học ứng dụng cho cây trồng hiện nay cơ bản được chia làm 3 nhóm gồm: Chế phẩm phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng; chế phẩm phân bón hữu cơ chất kích thích tăng trưởng và các chế phẩm dùng cho cải tạo đất. Các chế phẩm sinh học chủ yếu có nguồn gốc hữu cơ, chế phẩm nhóm này không gây hại đến môi trường. Trong 2 năm trở lại đây, công ty đầu tư không hoàn lại chế phẩm sinh học để giúp người trồng mía bồi đắp dinh dưỡng cho đất bằng bã bùn và phân vi sinh giúp cải tạo đất, tăng hữu cơ cho đất, giúp cây mía phát triển hoặc phục hồi nhanh chóng sau các đợt nắng hạn. Hiện nay, BHS-NH thực hiện phun chế phẩm sinh học bằng Drone thử nghiệm cho khoảng 450ha và tiếp tục mở rộng phun loại hình này trong những năm tiếp theo. Với việc áp dụng hàng loạt kỹ thuật công nghệ hiện đại vào canh tác mía đường, trong những vụ mùa sắp tới, cây mía sẽ đạt năng suất cao, từ đó tăng thu nhập cho người trồng mía.


“Những kế hoạch và định hướng đầu tư, hỗ trợ hướng đến sự phát triển bền vững của vùng nguyên liệu mía, cùng với chính sách bảo hiểm giá thu mua mía tối thiểu 900.000 đồng/tấn trong 3 năm tới giúp nông dân yên tâm sản xuất, gắn bó cùng cây mía, xây dựng vững chắc mối quan hệ gắn kết “Nông dân có lời - nhà máy có lãi” - ông Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh.


HỒNG ĐĂNG


 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp