Từ người đồng sáng lập của Giao hàng nhanh, Nguyễn Trần Thi (sinh năm 1989, quê ở phường Cam Lộc, TP. Cam Ranh) bất ngờ rời nơi mà mình đã 7 năm gắn bó để đến với One Mount Group. Và, mới đây, Thi lại rút ra riêng để startup (khởi nghiệp) một dự án tên là Koina với mục tiêu “bán nông sản rẻ hơn chợ đầu mối, lo cho cuộc sống nông dân”.
Thành công với các kênh phân phối
Khi còn là sinh viên Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Nguyễn Trần Thi đã từng hai lần tham dự Olympic Tin học dành cho sinh viên Việt Nam vào các năm 2009, 2010 và giành một giải nhì. Thi còn giành giải ba cuộc thi lập trình ACM/ICPC khu vực châu Á năm 2010. Đây là cuộc thi thường niên do Đại học Baylor, Texas (Hoa Kỳ) tổ chức và diễn ra trên 6 lục địa trước khi các đội nhận giải tiến vào trận chung kết thế giới. Trước khi ra trường, Thi từng làm lập trình ở vài công ty phần mềm, sau đó về làm E commerxe (thương mại điện tử) của Thegioididong.
Năm 2012, sau khi ra trường, Thi cùng nhóm bạn cùng trường đại học khởi nghiệp từ lĩnh vực giao nhận và thành lập Công ty Cổ phần Dịch vụ Giao hàng nhanh. Thời điểm đó, thương mại điện tử chưa phát triển và cách lựa chọn việc thanh toán bằng tiền mặt vẫn rất phổ biến. Điều này đã phần nào hạn chế sự phát triển của Giao hàng nhanh. Tuy nhiên, từ con số 0, Giao hàng nhanh nhanh chóng trở thành công ty giao hàng có quy mô lớn nhất Việt Nam. Mạng lưới Giao hàng nhanh phủ khắp toàn quốc với gần 10.000 nhân viên chính thức và 15.000 nhân sự làm việc bán thời gian. “Lúc đó, Giao hàng nhanh đã tháo gỡ nút thắt về logistics của thương mại điện tử, làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng, nâng chuẩn dịch vụ giao nhận của thị trường. Tuy nhiên, Giao hàng nhanh chỉ là một mắt xích nhỏ trong toàn bộ chuỗi thương mại của thị trường nên giá trị tạo ra còn hạn chế”, Thi tâm sự.
Tháng 8-2019, Nguyễn Trần Thi bất ngờ tuyên bố rời khỏi Giao hàng nhanh sau 7 năm gắn bó, sau đó tiết lộ đầu quân cho Công ty Cổ phần One Mount Group (một công ty của VinGroup chuyên về lĩnh vực kết nối chuỗi cung ứng). Thi cho biết lý do đến với One Mount Group là mặc dù thị trường ngành hàng tiêu dùng nhanh có nhiều tập đoàn lớn tham gia song mạng lưới phân phối vẫn rất thủ công. Các nhà phân phối đa số là nhỏ lẻ và luồng thông tin không đủ minh bạch nên còn kém hiệu quả. One Mount Group giải quyết vấn đề rộng hơn của thị trường bán lẻ cho nhóm hàng tiêu dùng nhanh, quy tụ nhiều yếu tố để thay đổi thị trường, mang lại lợi ích trực tiếp đến gần người tiêu dùng.
Định hướng tiêu thụ nông sản cho nông dân
Sau gần 2 năm gắn bó với One Mount Group, Nguyễn Trần Thi lại một lần nữa “bước ra khỏi vùng an toàn”, khởi động dự án tên là Koina với những thử thách mới.
Tháng 10-2021, Nguyễn Trần Thi quyết định ra riêng để startup dự án Koina. Thi tâm sự, khi ở One Mount Group, vì đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng mạng lưới chuỗi cung ứng và đội ngũ kế thừa nên anh bắt đầu suy nghĩ về bài toán mới cần giải quyết. Giai đoạn này, dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng nông sản ở Việt Nam. Cung và cầu bị mất cân bằng, dẫn đến ở các thành phố bị thiếu hụt hàng hóa, còn ở các vùng nông thôn lại không thể bán được nông sản. “Với kinh nghiệm điều hành việc cung ứng, logistics, tôi bắt đầu tìm hiểu về nông nghiệp. Càng tìm hiểu tôi càng thấy có nhiều nghịch lý. Mặc dù Việt Nam có rất nhiều lợi thế về nông nghiệp, song nông nghiệp lại không mang lại thu nhập cao cho nông dân. Chuỗi cung ứng nông sản đều đang rất nhỏ lẻ, thiếu kết nối. Người được hưởng lợi nhiều nhất đang là các thương lái trung gian. Người tiêu dùng phải trả giá cao hơn, nhưng giá thu mua của nông dân vẫn rất thấp”, Thi cho biết.
Chính vì vậy, Koina ra đời với mục tiêu “kiến tạo lợi ích bền vững cho nền nông nghiệp Việt Nam, cùng nông dân Việt mang sản phẩm xanh, sạch với giá hợp lý cho mọi người”. Đồng thời, tận dụng lợi thế sẵn có về công nghệ, quản lý chuỗi cung ứng, khả năng vận hành tối ưu ở quy mô lớn để xây dựng lại chuỗi cung ứng nông nghiệp. Bước đầu tiên, Koina sẽ xây dựng hệ thống phân phối nông sản, đảm bảo đầu ra cho nông dân. Từ đó, tạo điều kiện để đưa các công nghệ giúp nông dân canh tác hiệu quả hơn. Khi có được nhiều dữ liệu của nông dân, tiểu thương trong chuỗi giá trị, Koina sẽ đánh giá tín dụng của nông dân và tiểu thương để có thể cung cấp các giải pháp tài chính, giúp họ có khả năng mở rộng kinh doanh, đầu tư dài hạn hơn.
Thi cho biết, toàn bộ đội ngũ chủ chốt của Koina đều là những người nhiều năm kinh nghiệm, nắm giữ các vị trí quan trọng ở các tập đoàn, tổ chức lớn. Do rất tâm huyết với dự án, đội ngũ này chấp nhận rủi ro, cùng bước ra khỏi “vùng an toàn” và tham gia vào Koina. Chưa biết có thành công hay không nhưng hi vọng đây sẽ là làn sóng mới giúp thay đổi thị trường, giúp cuộc sống nông dân Việt Nam tốt hơn.
V.K