Thời gian qua, Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) đã áp dụng công nghệ cấy mô và phục tráng giống nhằm cung cấp giống sạch bệnh, giống khỏe cho ngành Nông nghiệp của tỉnh và khu vực lân cận. Qua đó, hàng loạt giống cây trồng thoái hóa, sâu bệnh được “hồi sinh”.
Tái sinh từ phòng thí nghiệm
Những ngày này, bình quân hàng tuần, Trung tâm Lan nhiệt đới Monkara thuộc Trung tâm NNCNC đã xuất vườn hàng trăm cành lan đón Tết. Đó là kết quả của quá trình cấy mô từ hàng chục giống lan ban đầu. Kỹ sư Cao Thị Cúc - phụ trách vườn lan cho hay, tuy thời tiết cuối năm mưa, lạnh, lan khó trổ hoa, nhưng vườn cố gắng đảm bảo các yếu tố dinh dưỡng, vi lượng, kích thích cho hoa nở kịp Tết.
Theo ông Mai Xuân Thương - Giám đốc Trung tâm NNCNC, có được kết quả trên là nhờ trung tâm đẩy mạnh cấy mô từ phòng thí nghiệm. Từ hàng chục giống lan Monkara ban đầu mua từ khu vực phía nam về làm giống, đến nay, trung tâm đã lựa chọn được 5 giống tiêu biểu để sản xuất hàng loạt gồm: Bunkunthun, Banana yellow, New sunset, Ren red và đỏ quạch. Thông qua phương pháp cấy mô vườn lan đã thay giống hơn 30.000 cây cấy mô. Ngoài ra, nhiều giống lan mới cũng được tái sinh như: Lan ngọc điểm 50.000 - 60.000 cây; Dendrobium 5.000 cây; lan giả hạc (phi điệp) vừa được thử nghiệm thành công…
Nhiều giống cây trồng khác cũng được trung tâm cấy mô như: chuối sứ, khoai sáp, xáo tam phân… Về chuối cấy mô, hàng năm, phòng thí nghiệm xuất 40.000 - 50.000 cây cấy mô được chọn lọc từ các giống chuối trong tỉnh bị thoái hóa, sâu bệnh để hình thành dòng chuối mới trái đều, nải dưới 20 trái, cây thấp lùn tránh đổ ngã, xuất vườn sau 13-14 tháng trồng, cây cấy mô xuất vườn đạt tiêu chuẩn chiều cao 30-40cm… Hiện nay, chuối cấy mô ngoài cung cấp cho thị trường trong tỉnh còn cung cấp cho các tỉnh: Bình Định, Đắk Lắk, Ninh Thuận… Trung tâm phối hợp với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố (Ninh Thuận) phân phối chuối cấy mô cho khu vực Nam Trung Bộ. Mặt khác, cây khoai sáp bệnh nấm gây thối củ mấy năm qua được cấy mô thành công và đưa ra trồng năm đầu trên mặt ruộng, sang năm 2022 tiếp tục chuyển giao cho người dân. Xáo tam phân cũng được cấy mô thành công, tuy nhiên chưa thực hiện công bố…
Quan tâm phục tráng giống
Bên cạnh giải pháp cấy mô, công tác phục tráng giống cũng mang lại nhiều hứa hẹn. Trung tâm đã dành 1ha để phục tráng giống lúa. Đây là đề tài kế thừa phục tráng giống lúa của Đại học Cần Thơ chuyển giao 10 dòng trung gian từ những năm trước. Trung tâm đang thực hiện công tác lai bước qua năm thứ 3 và chuẩn bị khảo nghiệm khu vực hóa giống 3C lai chéo với giống ML 202 kháng rầy, năng suất cao. Cách đây 1 năm, trung tâm đã phục tráng 440 tấn giống này. Trong đó, giống nguyên chủng 60 tấn, giống xác nhận 380 tấn. Nhờ công tác phục tráng, đến nay, các vùng trồng lúa trong tỉnh đã chủ động nguồn giống sạch bệnh. Trong đó, có giống IR 17494, giống lúa nhập nội từ năm 1979 được phục tráng cho năng suất 90 tấn/ha.
Cây xoài cũng là cây được phục tráng. Năm 2021, trung tâm tung ra giống xoài Keitt, được nông dân các vùng trồng xoài Cam Lâm, Cam Ranh đón nhận. Năm 2022, trung tâm tiếp tục cung ứng giống xoài này cho người dân. Ngoài ra, xoài Úc cũng được phục tráng và nhân rộng tại các vùng xoài trong tỉnh, nhất là những khu vực mới chuyển đổi như: Ninh Hòa, Khánh Vĩnh…
Theo lãnh đạo Trung tâm NNCNC, đơn vị đã áp dụng khoa học công nghệ, trong đó có cấy mô và phục tráng giống để cải tạo giống và nâng cao phẩm chất của giống cây trồng. Hiện nay, Phòng Nuôi cấy mô được trang bị 6 thiết bị cấy (đồng bộ từ khâu rửa, sấy, hấp dụng cụ đến pha chế môi trường, vô trùng, nuôi), đủ điều kiện nghiên cứu, đưa ra những sản phẩm thương mại gắn khoa học công nghệ với cơ cấu sản xuất nông nghiệp địa phương, vùng sản xuất theo yêu cầu. Hàng năm, Phòng Nuôi cấy mô tự trang trải kinh phí 0,5 tỷ đồng.
Với những nỗ lực trong nghiên cứu khoa học, Trung tâm NNCNC đã góp phần cung cấp giống sạch bệnh, giống khỏe cho ngành Nông nghiệp của tỉnh và khu vực lân cận.
V.L