Đề tài “Xây dựng và đánh giá hiệu quả mô hình quản lý, sử dụng kháng sinh tại một số bệnh viện đa khoa (BVĐK) tuyến tỉnh thuộc Sở Y tế” do Thạc sĩ Dương Nữ Tường Vy - Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, BVĐK tỉnh làm chủ nhiệm và cộng sự vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh nghiệm thu, đánh giá cao, mở ra hướng đi mới cho việc quản lý, sử dụng kháng sinh.
Làm cơ sở để quản lý, giám sát
Theo Thạc sĩ Vy, thực tế hiện nay tại một số cơ sở y tế lớn thuộc Sở Y tế, các đơn vị đã quan tâm đến tình hình sử dụng và đề kháng kháng sinh, hoặc đã thành lập nhóm giám sát sử dụng kháng sinh nhưng vẫn chưa hoạt động thường xuyên. Mặt khác, cho đến nay, chưa có nghiên cứu đánh giá nào về việc sử dụng kháng sinh hợp lý trong BV. Vì thế, nhóm đã đề xuất nghiên cứu đề tài “Xây dựng và đánh giá hiệu quả mô hình quản lý, sử dụng kháng sinh tại một số BVĐK tuyến tỉnh thuộc Sở Y tế”. Đề tài nhằm đánh giá thực trạng quản lý, sử dụng kháng sinh và tình hình đề kháng kháng sinh; xây dựng mô hình quản lý sử dụng kháng sinh; đánh giá hiệu quả việc áp dụng mô hình quản lý, sử dụng kháng sinh.
Nhóm nghiên cứu đã tham vấn cách làm của Scotland; đồng thời đề ra phương pháp nghiên cứu mới dựa trên hồ sơ bệnh án của bệnh nhân đã ra viện có sử dụng kháng sinh và dữ liệu nuôi cấy vi sinh thực hiện kháng sinh đồ từ tháng 7-2019 đến tháng 7-2020 tại 3 BVĐK tuyến tỉnh gồm: BVĐK tỉnh, BVĐK khu vực Cam Ranh và BVĐK khu vực Ninh Hòa. Những người thực hiện đề tài đã tổ chức các cuộc phỏng vấn sâu lãnh đạo BV, hội thảo, tọa đàm với sự tham gia của cán bộ y tế có liên quan…
Xây dựng chương trình với nội dung đa chiều
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Tấn Phùng - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề tài: Đề tài đảm bảo tiến độ, chất lượng theo đề cương được duyệt, có nhiều đóng góp mới như: giúp bác sĩ sử dụng kháng sinh có sự lựa chọn an toàn, hợp lý, đúng đắn, góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian điều trị, cứu sống người bệnh; là nguồn dữ liệu quan trọng phục vụ công tác nghiên cứu khoa học các vấn đề liên quan. Đồng thời, đây là cơ sở để các BV trong tỉnh hay cấp tương đương quản lý tốt kinh tế y tế của đơn vị mình. |
Dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 bùng phát ảnh hưởng đến tiến độ (điều chỉnh thêm 6 tháng); cơ sở vật chất, thiết bị của các BV không đồng bộ… nhưng nhóm cũng đã hoàn thành các mục tiêu đề ra. Sau 26 tháng, nhóm đã đánh giá được thực trạng quản lý sử dụng kháng sinh, tình hình đề kháng kháng sinh trên các tác nhân gây nhiễm tại 3 BVĐK tuyến tỉnh thuộc Sở Y tế. Những kết quả thực tế trong nghiên cứu bước đầu đã giúp cho nhóm xây dựng thành công chương trình quản lý, sử dụng kháng sinh với nhiều nội dung đa chiều bao gồm: Thành lập và kiện toàn nhóm giám sát, quản lý sử dụng kháng sinh; xây dựng các quy định, quy trình về quản lý sử dụng kháng sinh; huấn luyện, đào tạo cho nhân viên y tế về hướng dẫn sử dụng kháng sinh.
Chương trình quản lý, sử dụng kháng sinh bước đầu cho thấy một số kết quả khích lệ như: Tỷ lệ nhiễm khuẩn BV giảm từ 4% xuống 1,2% sau can thiệp; chỉ ra các yếu tố nguy cơ mắc nhiễm khuẩn BV (bao gồm nhóm tuổi, thời gian nằm viện, thủ thuật xâm lấn); tỷ lệ sử dụng kháng sinh hợp lý tăng lên ở cả 3 BV sau can thiệp (BVĐK tỉnh từ 60,3% lên 81%, BVĐK khu vực Cam Ranh từ 47,4% lên 84% và BVĐK khu vực Ninh Hòa từ 61,3% lên 85,8%); ngày điều trị kháng sinh trung bình giảm từ 9,3 xuống 7,7 ngày sau can thiệp. Riêng BVĐK khu vực Ninh Hòa, ngoài những kết quả đạt được trong nghiên cứu, sau can thiệp, tổng chi phí sử dụng kháng sinh giảm gần 30 triệu đồng so với trước; BV đã triển khai sử dụng kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật; giúp BV giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn BV xuống mức thấp nhất. Bác sĩ chuyên khoa I Đặng Quý Sơn - Phó Giám đốc BVĐK khu vực Ninh Hòa cho biết, thời gian tới, BV tiếp tục triển khai chương trình quản lý, giám sát kháng sinh, xây dựng chương trình quản lý, sử dụng kháng sinh riêng phù hợp với quy mô của BV.
Thạc sĩ Vy đề xuất, đối với các BV, triển khai và duy trì chương trình quản lý sử dụng kháng sinh nhằm chuẩn hóa công tác này đạt hiệu quả tối ưu nhất; lập kế hoạch kiểm soát và ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ gây nhiễm khuẩn BV; củng cố và phát triển hoàn thiện về trang thiết bị, nhân lực, kiến thức cho nhân viên y tế nhằm đảm bảo kết quả chất lượng, nhanh chóng và chính xác... Đối với Sở Y tế, tăng cường chỉ đạo triển khai mô hình quản lý sử dụng kháng sinh tại các BV; thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho nhân viên y tế; kiểm tra, giám sát về hoạt động sử dụng kháng sinh tại các cơ sở y tế; quản lý chặt chẽ việc mua, bán thuốc kháng sinh ngoài cộng đồng...
V.L