Lâu nay, chợ truyền thống luôn được xem là kênh mua bán chính của đa số người dân trên địa bàn TP. Nha Trang và không ít du khách. Thế nhưng, mấy năm gần đây, nhất là sau đại dịch Covid-19, người dân dần thay đổi thói quen mua sắm khiến một số chợ truyền thống rơi vào cảnh ế ẩm, các tiểu thương gặp nhiều khó khăn.
Ghi nhận tại chợ Xóm Mới sáng 4-4 cho thấy, từ 7 giờ đến 10 giờ 30 vốn là thời gian cao điểm bán hàng nhưng tại các gian hàng thực phẩm tươi sống, hàng thiết yếu, rau củ quả… rất vắng khách mua. Chị Việt - tiểu thương có hơn 10 năm bán thịt heo tại chợ cho biết: “Sáng nay, tôi nhập 50kg thịt, bạn hàng đặt trước gần 30kg, còn lại bán lẻ nhưng từ sáng tới giờ bán được chưa được 10kg. Trước đây, mỗi phiên chợ, tôi bán trung bình 100 - 120kg thịt”. Còn bà Hoa - tiểu thương bán rau cho biết, ngày trước, khi khách hàng đông, từ 6 giờ sáng bà đã dọn hàng, đến cuối giờ trưa bán gần hết hàng. Bây giờ, chợ ế, sức mua kém, 7 - 8 giờ bà mới bắt đầu dọn hàng, có khi cả phiên chợ chỉ bán được khoảng 100.000 đồng nên bà chỉ lấy lượng rau củ bằng 1/3 so với trước. Dù vậy, có khi lấy một lần bán 2-3 ngày không hết, rau hư hỏng, hao hụt nhiều nên bà bán gần như không còn lãi.
Tại gian hàng thời trang, mỹ phẩm, dù đã hơn 8 giờ nhưng vẫn còn nhiều quầy hàng đóng cửa, những gian hàng mở cửa cũng không có người mua. Theo các tiểu thương, tuy hàng hóa không bán được nhưng các loại thuế, phí vẫn phải đóng đầy đủ. Các tiểu thương đã nhiều lần kiến nghị ban quản lý chợ, ngành Thuế giảm thuế, phí nhưng đều không được giải quyết.
Bà Nguyễn Thị Cúc - Trưởng Ban quản lý chợ Xóm Mới cho biết: “Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, sức mua các mặt hàng tại chợ rất chậm, không chỉ mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng mà ngay các thực phẩm tươi sống. Nhằm chia sẻ với tiểu thương, từ năm 2018 đến nay, Ban quản lý chợ không tăng phí quản lý. Riêng tiền thuế, hàng năm, Ban quản lý chợ đều có văn bản kiến nghị Chi cục Thuế TP. Nha Trang xem xét điều chỉnh việc tăng thuế hàng năm. Thế nhưng, năm nào chúng tôi cũng thấy tăng, không nhiều thì ít. Vì vậy, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục kiến nghị với ngành Thuế xem xét”.
Tương tự, từ cuối năm 2021, khi chợ Phước Thái được mở cửa trở lại sau thời gian ngừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19, các tiểu thương rất kỳ vọng buôn bán thuận lợi. Thế nhưng, đến nay, các hoạt động mua bán tại chợ vẫn cầm chừng, người bán còn nhiều hơn người mua, nhất là tại các gian hàng đồ gia dụng, áo quần, đồ khô. Bà Mai - tiểu thương kinh doanh ngành hàng thời trang cho biết: “Có tuần, tôi chỉ bán được 3 sản phẩm. Chợ ế, hàng hóa tồn đọng nhiều, không có khách mua, mỗi ngày mở cửa, tôi còn phải xốc lại đống áo quần vì sợ bị ẩm mốc. Không biết tình trạng này kéo dài đến bao giờ. Tôi đã lớn tuổi và cũng quen với việc buôn bán ở chợ mấy chục năm rồi nên không ra bán thì không biết phải làm gì”.
Phần lớn tiểu thương tại các chợ truyền thống khác trên địa bàn TP. Nha Trang cũng rơi vào trường hợp tương tự. Một trong những nguyên nhân khiến chợ truyền thống ế ẩm do trong thời gian dịch Covid-19 diễn ra, nhiều người có tâm lý lo ngại dịch nên thường mua sắm online thông qua các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Từ đó, người tiêu dùng đã quen dần với việc mua sắm hàng qua mạng có nhiều ưu đãi, được giao hàng tận nhà nên không còn thói quen đi chợ truyền thống. Mặt khác, những năm gần đây, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi mọc lên rất nhiều. Lợi thế của các đơn vị này là giá cả sản phẩm rõ ràng, không gian mua sắm mát mẻ, lại có nhiều chương trình giảm giá thu hút khách. Ngoài ra, thời gian qua, tuy thành phố đã có nhiều biện pháp chấn chỉnh tình trạng buôn bán chiếm dụng lòng, lề đường, chợ tự phát nhưng tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để. Xung quanh các tuyến đường gần chợ truyền thống, những gánh hàng rong, hàng hóa vẫn được bày bán trên lề đường, tiện lợi cho khách đến mua… Trong khi đó, tại các chợ truyền thống, không gian mua sắm, vệ sinh môi trường chưa được cải thiện, giá cả không được niêm yết rõ ràng… khiến người tiêu dùng e ngại khi vào chợ mua sắm.
KHÁNH HÀ