Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, các hợp tác xã (HTX) trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh đã có những bước chuyển quan trọng; nhiều mô hình đã thoát khỏi sự trì trệ, phát triển thành hình mẫu của kinh tế hợp tác.
Những điểm sáng
HTX VietGAP Nha Trang được thành lập năm 2016 với 22 thành viên, vốn điều lệ 2,35 tỷ đồng. Trên diện tích 2,3ha, HTX này chuyên sản xuất và cung cấp rau VietGAP cho thị trường với sản lượng hàng năm khoảng 120 tấn; sản phẩm đáp ứng được yêu cầu khắt khe để có mặt trên kệ hàng của hầu hết các siêu thị trong tỉnh. Đến nay, HTX đã đầu tư 100% hệ thống tưới tự động theo công nghệ Israel; cải tạo nhà xưởng sơ chế rau, đầu tư kho lạnh bảo quản rau; nhà lưới che chắn côn trùng… Đây cũng là chặng đường đánh dấu sự chuyển đổi trong suy nghĩ, cách làm của các thành viên. Từ chỗ đơn lẻ, sản xuất manh mún, họ đã liên kết với nhau để mở rộng quy mô và áp dụng các biện pháp an toàn vào sản xuất cho ra sản phẩm chất lượng, thu nhập từ trồng rau được nâng lên và ổn định.
Tại huyện Diên Khánh, những HTX chuyên về cây lúa đã phát triển mạnh mẽ trong gần 20 năm qua và trở thành điểm sáng trong việc xây dựng mô hình sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Đến nay, trên địa bàn huyện có 13 HTX nông nghiệp tham gia liên kết với 4 doanh nghiệp để sản xuất lúa giống xác nhận thông qua hợp đồng; tổng diện tích liên kết lên tới 770ha/vụ (cả năm 1.540ha); năng suất bình quân đạt 64 tạ/ha, sản lượng đạt 98.560 tấn/năm. Mối liên kết này thông qua việc các doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu đầu vào (giống nguyên chủng), hướng dẫn quy trình sản xuất và bao tiêu sản phẩm; còn các HTX đại diện cho thành viên ký kết hợp đồng với doanh nghiệp, tổ chức sản xuất theo hợp đồng. Mối liên kết này đã giúp các thành viên HTX giảm chi phí sản xuất. Cụ thể, giảm lượng giống gieo sạ từ 180kg/ha xuống 120kg/ha; vật tư giảm 20-30%; không lo đầu ra sản phẩm với giá thu mua ổn định. Qua thống kê, mỗi ha lúa giống liên kết mang lại lợi nhuận gấp 1,2 lần so với sản xuất lúa thông thường.
Mới đây, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13, ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, hoạt động của các HTX tại Khánh Hòa ngày càng đi vào ổn định và có bước phát triển mới. Trên hành trình đó, xuất hiện nhiều HTX kiểu mới, liên kết, hiệu quả, từng bước khẳng định vai trò, vị trí nòng cốt trong phát triển kinh tế của địa phương. Các HTX nông nghiệp tổ chức sản xuất, cung ứng những dịch vụ thiết yếu cho khoảng 80% thành viên về: Thủy nông, vật tư, làm đất, giống, khuyến nông, thu hoạch và chuyển giao kỹ thuật mới trong sản xuất. Đặc biệt, HTX tham gia chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cùng các doanh nghiệp, mỗi năm cung ứng hàng trăm tấn muối, rau quả, lúa giống xác nhận cho thị trường. Đến nay, số lượng HTX hoạt động hiệu quả chiếm khoảng 60%/tổng số HTX.
Tập trung phát triển về chất
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bên cạnh những thành quả đạt được, quá trình phát triển HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ một số hạn chế. Đó là, nội lực của các HTX chưa thật sự mạnh, trình độ cán bộ quản lý còn hạn chế, vốn đầu tư thấp, năng lực tổ chức các hoạt động dịch vụ và sản xuất kinh doanh chưa đủ mạnh để cạnh tranh trong cơ chế thị trường, vị thế của HTX còn bị xem nhẹ...
Giai đoạn 2021-2025, việc phát triển HTX gắn với chuỗi giá trị, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và có tác động lớn tới thành viên, cộng đồng sẽ được chú trọng. Đồng thời, kinh tế hợp tác được định hướng phát triển gắn sản xuất, kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, tăng cường liên kết với doanh nghiệp, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng cộng đồng thân thiện, văn minh ở nông thôn. Khánh Hòa đặt mục tiêu đến năm 2025, 60% HTX hoạt động khá trở lên; 30% HTX có liên kết với doanh nghiệp, tổ chức tập thể khác; 100% cán bộ của HTX nông nghiệp được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý và chuyên môn; 20% cán bộ quản lý HTX có trình độ đại học, cao đẳng trở lên. Đặc biệt, các chính sách sẽ tập trung hỗ trợ, xây dựng 16 mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững; hỗ trợ 60 lao động trình độ cao đẳng, đại học trở lên làm việc có thời hạn tại HTX, liên hiệp HTX.
Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, thời gian tới, tỉnh tiếp tục ưu tiên phát triển các HTX quy mô lớn gắn với vùng nguyên liệu và liên kết chuỗi giá trị ngành hàng nông sản; sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP; ứng dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông minh; đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, Khánh Hòa kiến nghị Trung ương nghiên cứu đưa chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước trong Luật HTX thành một chương để nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của HTX và phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay. Đồng thời, tỉnh đề nghị Bộ Tài chính sớm ban hành hướng dẫn cụ thể về cơ chế, thủ tục thanh quyết toán để thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng HTX; chính sách hỗ trợ cán bộ trẻ cho các HTX theo Quyết định số 1804 ngày 13-11-2020 của Thủ tướng Chính phủ, qua đó giúp địa phương có cơ sở pháp lý để thực hiện.
Đến tháng 9-2021, Khánh Hòa có 101 HTX nông nghiệp đang hoạt động. Trong đó, có 79 HTX trồng trọt, 5 HTX chăn nuôi, 6 HTX thủy sản, 5 HTX nuôi trồng, 3 HTX diêm nghiệp, 3 HTX tổng hợp. Các HTX có tổng cộng 40.366 thành viên. Tổng vốn hoạt động của các HTX gần 174 tỷ đồng, doanh thu bình quân mỗi HTX 1,5 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX 130 triệu đồng/người/năm. Ngoài ra, toàn tỉnh có 180 tổ hợp tác, 2.700 thành viên. Mỗi tổ có doanh thu 500 triệu đồng/năm, lợi nhuận 50 triệu đồng/năm và đang ngày càng mở rộng quy mô, định hướng phát triển thành HTX trong tương lai. |
HỒNG ĐĂNG