Thời gian qua, giá nhiều mặt hàng thiết yếu liên tục tăng, nhất là mặt hàng gas khiến các cơ sở kinh doanh hàng ăn uống gặp nhiều khó khăn vì chi phí đầu vào đội lên cao.
Liên tục tăng giá
Anh Nguyễn Nam - chủ quán cháo dinh dưỡng ở phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang cho biết, sau hơn 3 tháng ngừng kinh doanh, từ đầu tháng 10, quán được mở cửa bán trở lại. Chưa kịp mừng vì dịch bệnh được kiểm soát, việc buôn bán trở lại sẽ khiến cuộc sống đỡ khó khăn hơn thì cửa hàng lại phải đối mặt với việc các mặt hàng thiết yếu liên tục tăng giá, nhất là giá gas. Đầu tháng 10, bình gas màu hồng loại 12kg giá 370.000 đồng/bình, nay đã tăng lên 420.000 đồng. Trung bình mỗi tháng, quán sử dụng 5 bình gas loại 12kg. Giá gas tăng, giá các loại gia vị, rau củ, gạo cũng tăng nên chi phí nguyên liệu đầu vào tăng lên rất cao. Trong khi đó, anh không thể tăng giá các suất cháo vì dịch bệnh, người dân thắt chặt chi tiêu, nếu tăng giá sẽ không có khách mua.
Chị Quỳnh Hương - chủ quán bún, phở tại khu vực Vĩnh Điềm Trung, xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang cho biết: “Trung bình mỗi tháng, quán tôi sử dụng hết 1 bình gas loại 45kg và 2 bình loại 12kg. So với trước dịch, mỗi bình gas loại 12kg đã tăng lên 140.000 đồng; bình loại 45kg tăng thêm khoảng 600.000 đồng. Như vậy, riêng tiền gas mỗi tháng đã tăng lên gần 900.000 đồng; chưa kể giá các loại rau sống ăn kèm, gia vị cũng đồng loạt tăng. Tuy vậy, tôi không thể tăng giá bán vì từ khi mở lại quán, khách tới ăn chỉ đạt 30% so với trước dịch. Với tình hình hiện nay, dù tiền thuê mặt bằng đã được chủ nhà giảm 1/2, quán cũng khó có lãi”.
Giá gas tăng không chỉ ảnh hưởng đến các cơ sở kinh doanh ăn uống mà ngay một số hộ gia đình cũng lao đao do chi phí hàng tháng tăng lên, trong khi thu nhập giảm vì dịch bệnh.
Tiêu thụ chậm
Các đại lý kinh doanh gas cũng gặp khó khăn do sức mua giảm mạnh. Chị Ngọc Mai, chủ cửa hàng gas trên đường 2-4, TP. Nha Trang cho biết, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên các quán ăn, nhà hàng, khách sạn hoạt động cầm chừng, thậm chí nhiều đơn vị ngừng kinh doanh. Từ giữa tháng 10, một số đơn vị mới hoạt động trở lại, việc kinh doanh trong giai đoạn phục hồi còn hạn chế. Chưa kể, do giá gas liên tiếp tăng cao nên nhiều hộ kinh doanh, gia đình có xu hướng chuyển sang dùng bếp điện và những thiết bị khác thay thế bếp gas nên việc tiêu thụ gas rất chậm. Trước đây, mỗi ngày, cửa hàng chị bán được khoảng 30-40 bình gas, từ đầu tháng 10 đến nay chỉ bán được 12-15 bình. Chị mong các tổng đại lý, Nhà nước có chính sách điều hành giảm giá gas xuống, có như vậy mới khuyến khích được người tiêu dùng.
Khảo sát tại các công ty, đại lý kinh doanh gas, từ đầu tháng 11, giá gas tăng lên 17.000 đồng/bình loại 12kg, 63.765 - 64.500 đồng/bình loại 45kg. Đây là tháng thứ 9 trong năm, giá gas tăng với tổng mức 164.000 đồng/bình 12kg. Các lần tăng cao nhất là tháng 7 với 30.000 đồng/bình 12kg; tháng 10 tăng 42.000 đồng và đến tháng 11 tiếp tục tăng thêm 17.000 đồng. Hiện giá bán lẻ bình 12kg đến tay người tiêu dùng từ 410.000 - 536.000 đồng/bình (tùy loại gas, loại bình) và 1.877.500 đồng/bình loại 45kg.
Nguyên nhân khiến giá gas trong nước tháng 11 tiếp tục tăng do ảnh hưởng giá gas thế giới. Cụ thể, giá gas thế giới tháng 11 công bố 850 USD/tấn, tăng 52,5 USD so với tháng 10 nên các công ty điều chỉnh giá gas bán lẻ trong nước tăng tương ứng. Kể từ lúc dịch bệnh, giá gas liên tiếp tăng do gián đoạn nguồn cung sản phẩm khiến chi phí giao nhận hàng lên cao. Trong khi đó, nguồn gas trong nước đang nhập khẩu khoảng 60% nên giá gas bị chi phối và ảnh hưởng bởi giá gas thế giới.
K. HÀ