Từ đầu năm đến nay, tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa diễn biến khá phức tạp, dễ phát sinh điểm nóng. Để ngăn chặn hiệu quả, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm.
Nhiều vụ việc vi phạm
Từ đầu năm đến nay, qua tuần tra, kiểm soát, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện 31 vụ phá rừng, gây thiệt hại hơn 24,48ha. Trong đó, huyện Khánh Vĩnh xảy ra 7 vụ, diện tích rừng bị phá 6,97ha; thị xã Ninh Hòa 1 vụ, thiệt hại 9,31ha rừng; huyện Khánh Sơn xảy ra 22 vụ, thiệt hại 4,52ha, nhiều cây thông bị ken gốc, khoan lỗ làm cho cây chết; huyện Cam Lâm xảy ra 1 vụ phá rừng phòng hộ với diện tích hơn 3,66ha.
Trên địa bàn tỉnh còn ghi nhận 4 vụ khai thác rừng trái pháp luật với tổng khối lượng gỗ bị khai thác hơn 14,8m3; gồm 1 vụ khai thác rừng trồng sản xuất, 2 vụ khai thác rừng phòng hộ đầu nguồn xảy ra tại huyện Khánh Vĩnh và 1 vụ khai thác rừng phòng hộ đầu nguồn tại thị xã Ninh Hòa. Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm toàn tỉnh còn kiểm tra, phát hiện 238 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp. Các hạt kiểm lâm địa phương đã ra quyết định khởi tố 20 vụ án hình sự liên quan đến vi phạm Luật Lâm nghiệp, chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 67 vụ việc.
Theo ông Trần Minh Thu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, tuy tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật, lấn chiếm đất rừng tại các địa phương trong tỉnh có giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng từ đầu năm đến nay, tại một số địa phương trong tỉnh, tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng vẫn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ và dễ phát sinh những điểm nóng về phá rừng nhưng chưa có giải pháp khắc phục triệt để. Một số đơn vị chủ rừng thiếu kiểm tra, giám sát; lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng chưa thường xuyên tuần tra, truy quét để bảo vệ rừng từ gốc. Các đơn vị chủ rừng thiếu nhân lực bảo vệ rừng chuyên trách, trong khi công tác phối hợp giữa các chủ rừng với chính quyền cấp xã và lực lượng chức năng chưa hiệu quả nên dẫn đến nhiệm vụ chống phá rừng còn hạn chế. Tình trạng đất rừng bị lấn chiếm, sử dụng sai với mục đích diễn ra ngày càng phức tạp và có chiều hướng tăng, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Tập trung xử lý
Tại hội nghị giao ban công tác quản lý, bảo vệ rừng của lực lượng kiểm lâm tỉnh mới đây, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm đã yêu cầu các Hạt Kiểm lâm, Đội Kiểm lâm cơ động trực thuộc phải xử lý kịp thời và nghiêm minh các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, kiên quyết xử lý hình sự đối với những vụ việc vi phạm có quy mô lớn, gây thiệt hại lớn, xử lý trách nhiệm đối với chủ rừng thiếu trách nhiệm để rừng bị phá. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, truy quét các khu vực có nguy cơ xảy ra phá rừng, khai thác rừng và vận chuyển lâm sản trái phép như: tuyến đường Khánh Lê - Lâm Đồng, các địa bàn Khánh Thượng, Giang Ly, Sơn Thái (huyện Khánh Vĩnh); một số khu vực có nguy cơ cao ở thị xã Ninh Hòa, huyện Khánh Sơn, huyện Cam Lâm; quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến gỗ, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm…
Thời gian qua, những vụ việc vi phạm chủ yếu xảy ra trong lâm phận của các đơn vị chủ rừng được Nhà nước giao, đặt hàng nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng. Vì vậy, các đơn vị chủ rừng cần chấn chỉnh lại công tác quản lý, bảo vệ rừng trên diện tích được giao, không để tình trạng phá rừng gây hậu quả nghiêm trọng mới phát hiện. Muốn quản lý tốt, đơn vị chủ rừng phải nắm chắc diễn biến rừng trên lâm phần của mình, nhất là những diện tích có nguy cơ bị xâm hại cao về khai thác lâm sản trái phép, phá rừng lấy đất sản xuất… Từ đó, bố trí lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách để thường xuyên tuần tra, truy quét sâu vào rừng nhằm kịp thời đẩy đuổi các đối tượng ra khỏi rừng, bảo vệ rừng từ gốc; thông báo ngay cho các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phối hợp tuần tra, xử lý khi tình hình có chiều hướng diễn biến phức tạp.
Theo ông Trần Minh Thu, để xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp, UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung lực lượng điều tra, xác minh, xử lý dứt điểm, không để tồn đọng kéo dài ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo vệ rừng. UBND tỉnh giao Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm đối với các vụ việc có dấu hiệu tội phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp nhằm răn đe, giáo dục các đối tượng vi phạm.
HẢI LĂNG