Kinh nghiệm hay về xử lý môi trường nuôi tôm

Thứ ba - 08/11/2022 11:19
Mới đây, ông Lê Minh Chính - Giám đốc Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản xã Ninh Phú (thị xã Ninh Hòa) chia sẻ kinh nghiệm xử lý bệnh vi bào tử trùng EHP (Enterocytozoon hepatopenaei) trên ao nuôi tôm thẻ chân trắng khá hiệu quả. Cách làm trên được các nhà khoa học đánh giá là có cơ sở khoa học và cần nhân rộng. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Kinh nghiệm hay về xử lý môi trường nuôi tôm

Mới đây, ông Lê Minh Chính - Giám đốc Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản (NTTS) xã Ninh Phú (thị xã Ninh Hòa) chia sẻ kinh nghiệm xử lý bệnh vi bào tử trùng EHP (Enterocytozoon hepatopenaei) trên ao nuôi tôm thẻ chân trắng khá hiệu quả. Cách làm trên được các nhà khoa học đánh giá là có cơ sở khoa học và cần nhân rộng.


Cách xử lý ao nuôi


Với 35 năm kinh nghiệm nuôi tôm, ông Chính khuyến cáo, đối với bệnh này, nếu người nuôi không xử lý triệt để ban đầu thì sẽ khó khăn cho các vụ nuôi sau. Theo ông Chính, khi thả giống chừng 1 tháng, tôm dễ nhiễm EHP, gây chết rải rác, rất khó nuôi và chậm lớn. Nếu tôm nhiễm nhẹ, người nuôi có thể miễn cưỡng nuôi rồi xuất bán. Nhưng nếu tôm nhiễm nặng phải nhanh chóng thu hoạch, đồng thời xử lý ao nuôi triệt để trước khi tiến hành thả nuôi trở lại. EHP không thể diệt bằng các loại hóa chất thông thường như: Chlorine, thuốc tím, formol....

 

Khử trùng, xử lý ao nuôi tại cơ sở nuôi của ông Lê Minh Chính.

Khử trùng, xử lý ao nuôi tại cơ sở nuôi của ông Lê Minh Chính.


Theo kinh nghiệm của ông Chính, dùng vôi thủy sản Ca(OH)2 kết hợp với xút (NaOH) để nâng độ pH trên 10. Thông thường, ông pha 3kg xút trong 1m3 nước và vôi để tưới mọi thứ trong ao nuôi tôm, kể cả các thiết bị. Dưới đáy ao mở hết xi-phông để nước xút và vôi ngấm xuống đáy nhằm xử lý triệt để mầm bệnh. Sau đó, tiếp tục ngâm nước hóa chất này trong ao nuôi thêm 3-4 ngày. Đồng thời, tưới một lần nữa hỗn hợp vôi - xút vào các thiết bị, bờ ao trước khi chuyển nước này sang ao khác. Lưu ý, khi chuyển nước xút và vôi từ ao này sang ao khác vẫn xử lý đạt độ pH trên 10. Sau đó, tiến hành sốc ngược độ pH nước ao về dưới 5 bằng cách dùng a-xit HCl kết hợp Chlorine. Đồng thời, rửa thật kỹ các thiết bị chuẩn bị cho vụ nuôi mới, thường là dùng 0,5 lít a-xit HCl nồng độ 32% với 5kg Chlorine cho 1m3 vào buổi chiều mát. Nguồn nước cho vụ nuôi mới cũng phải xử lý kỹ ở ao lắng. Cụ thể, sử dụng 30ppm Chlorine, khoảng 2kg thuốc tím và 2-3 lít ôxy già cho 1.000m3 nước. Khi nước trong mới được bơm vào ao nuôi.


Với kinh nghiệm xử lý EHP như trên, ông Chính đã nuôi 3 vụ thành công liên tục. Tôm sinh trưởng, phát triển tốt, đạt kích cỡ 65 con/kg sau 62 ngày nuôi. Đây thực sự là kinh nghiệm quý cho người nuôi tôm thẻ chân trắng.


Nên áp dụng nuôi an toàn sinh học


Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Nha - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu NTTS III, kinh nghiệm xử lý EHP của ông Lê Minh Chính rất tốt, cần phổ biến mở rộng. EHP có lớp vỏ dày nên việc dùng vôi, xút giúp tiêu diệt mầm bệnh là có cơ sở khoa học. Tuy nhiên, cần lưu ý nước xử lý phải có độ pH cao, khoảng pH bằng 12 mới có khả năng tiêu diệt được EHP triệt để.


Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Nha khuyến nghị nên áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học để hạn chế bệnh EHP. Trong đó, cần chú ý kiểm soát chặt chẽ các yếu tố đầu vào, yếu tố phát sinh trong quá trình nuôi và yếu tố đầu ra một cách kỹ càng bởi tôm nhiễm EHP trong hệ thống nuôi cũng từ các yếu tố này mà ra. Đồng thời, đặc biệt lưu ý hiện tượng nhiễm chéo giữa các khu vực nuôi; thậm chí công nhân trong quá trình nuôi không chú ý, đưa thực phẩm từ bên ngoài vào như cua, ghẹ, cá, tôm cũng có thể là nguồn gây nhiễm cho hệ thống nuôi. Mô hình nuôi bảo đảm phòng chống EHP tốt là mô hình an toàn sinh học, kiểm tra chặt chẽ các nguồn tiếp xúc có nguy cơ lây nhiễm từ chất thải, nước thải, thức ăn, con giống, vật dụng, thiết bị, máy móc, con người, súc vật… Trong quá trình nuôi, có thể từ khâu bảo quản bất cẩn, bao bì dơ bẩn cũng là nguyên nhân lây nhiễm EHP trong hệ thống. Do đó, người nuôi cần ngăn chặn và tiêu diệt hàu, ốc đinh, tép trứng và ruốc trong môi trường ao nuôi bằng cách ngăn chặn đường xâm nhập từ bên ngoài vào; xi-phông đáy ao thường xuyên để loại bớt các điều kiện giúp mầm bệnh phát triển; cải thiện chất lượng nước ao nuôi, đặc biệt là hàm lượng khí độc nitrite và ammonia trong ao cần duy trì ở mức thấp. Tất cả đều phải được kiểm soát kỹ càng và sát trùng cẩn thận để tránh nguy cơ lây nhiễm ra diện rộng. Khi tôm đã bị nhiễm EHP, có dấu hiệu phân trắng thì cần kết thúc vụ sớm và đưa toàn bộ hệ thống vào quy trình xử lý như ban đầu để giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho người nuôi tôm.


V.L

 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp