Nha Trang: Từng bước di dời các cơ sở thu mua phế liệu ra khỏi khu dân cư

Thứ năm - 09/02/2023 10:53
Hiện nay, các điểm thu mua phế liệu trên địa bàn thành phố đều nằm trong khu vực dân cư, tiềm ẩn những nguy cơ về ô nhiễm môi trường và cháy nổ. Chính vì thế, UBND TP. Nha Trang đã có chủ trương từng bước di dời các cơ sở thu mua phế liệu ra khỏi khu dân cư nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan và trật tự an toàn đô thị. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Nha Trang: Từng bước di dời các cơ sở thu mua phế liệu ra khỏi khu dân cư

Hiện nay, các điểm thu mua phế liệu trên địa bàn thành phố đều nằm trong khu vực dân cư, tiềm ẩn những nguy cơ về ô nhiễm môi trường và cháy nổ. Chính vì thế, UBND TP. Nha Trang đã có chủ trương từng bước di dời các cơ sở thu mua phế liệu ra khỏi khu dân cư nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan và trật tự an toàn đô thị.


Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn


Đi trên các tuyến đường Thích Quảng Đức, Phương Sài (TP. Nha Trang), chúng tôi bắt gặp những cơ sở thu mua phế liệu hoạt động nhộn nhịp. Trên đường Phương Sài, có nhiều vựa thu mua phế liệu nằm khá gần chợ, trong khu dân cư đông đúc. Ông Nguyễn Văn Nơi (người dân phường Phương Sài) cho biết, các điểm thu mua phế liệu trên địa bàn phường có mặt bằng chật hẹp, trong hẻm nhỏ, mặt tiền chỉ khoảng 5m. Việc mua bán diễn ra thường xuyên, nhiều thời điểm phế liệu tràn ra cả ngoài đường gây cản trở giao thông. Phế liệu chủ yếu là bao bì, chai nhựa, thùng nhựa và những vật dễ bắt lửa khác nên tiềm ẩn nguy cơ gây cháy, nổ cao. Trong khi đó, các cơ sở thu mua phế liệu ở khu vực những tuyến đường lớn của thành phố còn tạo hình ảnh không đẹp về trật tự, mỹ quan đô thị.

 

Cơ sở thu mua phế liệu trên đường Phương Sài (TP. Nha Trang).

Cơ sở thu mua phế liệu trên đường Phương Sài (TP. Nha Trang).


Một chủ cơ sở thu mua phế liệu trên đường Phương Sài cho biết: “Tôi làm nghề đã hơn 5 năm, vựa phế liệu này được tôi thuê lại của người dân. Nếu Nhà nước có chủ trương di dời các điểm thu mua phế liệu ra khỏi khu dân cư, tôi sẵn sàng di dời để đảm bảo mỹ quan đô thị cho thành phố. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn được di chuyển đến vị trí phù hợp để đảm bảo được công việc, đồng thời tạo việc làm cho những người lao động nghèo sinh sống bằng nghề thu lượm phế liệu”.


Từng bước di dời  ra khỏi khu dân cư


UBND thành phố đã có chủ trương từng bước di dời các cơ sở thu mua phế liệu ra khỏi khu dân cư. Được biết, qua công tác điều tra, lấy ý kiến của chủ các cơ sở thu mua phế liệu của UBND TP. Nha Trang năm 2022, có 24 cơ sở có định hướng chuyển đổi ngành nghề; 19 cơ sở có định hướng di dời; 11 cơ sở không muốn di dời và xin hoạt động tại chỗ; 41 cơ sở không đăng ký, kê khai chuyển đổi cơ cấu ngành nghề; một số cơ sở đang tiếp tục lấy ý kiến. Đối với lao động hành nghề tại cơ sở thu mua phế liệu, đa phần đều là lao động nghèo. Do đó, việc hỗ trợ hoặc chuyển đổi nghề cho những đối tượng này cũng cần được quan tâm.


Ông Lê Đại Dương - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết, ngày 19-3-2020, UBND tỉnh có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp về phương án di dời, chấm dứt hoạt động của các cơ sở thu mua, kinh doanh phế liệu trong khu dân cư trên địa bàn thành phố. Theo đó, UBND tỉnh thống nhất lộ trình di dời và chấm dứt hoạt động của các cơ sở thu mua, kinh doanh phế liệu trong khu dân cư. Từ nội dung thông báo của UBND tỉnh, trên cơ sở góp ý của Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan, thành phố đã kịp thời triển khai chủ trương này. Tuy nhiên, thời gian qua, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên công tác di dời chưa đảm bảo tiến độ đã đề ra. Từ năm 2022, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, thành phố đã quyết liệt triển khai. Căn cứ trên kết quả rà soát năm 2022, thành phố đã thông báo về chủ trương chấm dứt hoạt động của các cơ sở thu mua phế liệu để người dân được biết và có định hướng chuyển đổi ngành nghề; giao các đơn vị chuyên môn tham mưu thành phố xây dựng kế hoạch hỗ trợ đúng đối tượng và đúng quy định trên cơ sở việc khảo sát kê khai số nhân khẩu và số lao động trực tiếp tại cơ sở thu mua phế liệu của UBND các xã, phường. Đồng thời, thành phố cũng đang phối hợp với Sở Xây dựng bổ sung các điểm thu mua, tái chế phế liệu vào quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh (có thể kết hợp điểm trung chuyển, xử lý rác thải), từng bước di dời các cơ sở thu mua phế liệu ra khỏi các khu dân cư.

 

Theo báo cáo của Phòng Quản lý đô thị TP. Nha Trang, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 107 cơ sở kinh doanh, thu mua phế liệu. Trong đó, có 41 cơ sở có giấy phép đăng ký kinh doanh, còn 66 cơ sở không đăng ký kinh doanh với 349 nhân khẩu, 222 lao động. Các cơ sở thu mua phế liệu đa phần chưa đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh, mỹ quan đô thị; an toàn phòng, chống cháy, nổ...


THÁI THỊNH






 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp