Cho tới trận thua 1-3 trước đội tuyển Oman vừa mới diễn ra, thì đội tuyển Việt Nam đã thua cả 4 trận tại giai đoạn 3 vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á. Dù vậy đó cũng không phải là điều gì đáng để chỉ trích, khi bản thân việc xuất hiện ở vòng đấu này đã là một thành công mang tính lịch sử của bóng đá Việt Nam. Nhưng không phải là đội tuyển Việt Nam không thu hoạch gì khi toàn thua như vậy, mà ngược lại, phải thấy được thầy trò huấn luyện viên Park Hang Seo đã nhận được những bài học kinh nghiệm quý giá.
Bài học kinh nghiệm đầu tiên mà chúng ta dễ thấy nhất chính là… đối thủ không quá ghê gớm như chúng ta tưởng tượng. Nghe thì có vẻ hơi… sai sai, khi đây đã là những đội bóng mạnh nhất châu Á và chúng ta chưa có bất cứ trận thắng nào. Nhưng thực tế là như vậy khi mà trong 4 trận gặp các đối thủ: Saudi Arabia, Australia, Trung Quốc, Oman thì chúng ta đều ghi được bàn thắng vào lưới đối thủ (trừ trận gặp Australia). Với 4 bàn sau 4 trận, thậm chí là ghi bàn dẫn trước như trong trận gặp Saudi Arabia và Oman, hoặc suýt nữa thì lội ngược dòng như trong trận gặp Trung Quốc. Vấn đề của đội tuyển Việt Nam là không thể bảo toàn được lợi thế dưới sức ép rất lớn của đối thủ, và dĩ nhiên đó sẽ là bài học kinh nghiệm để chúng ta có hướng khắc phục.
Bài học kinh nghiệm tiếp theo mà chúng ta cũng không khó để có thể nhận ra, đó chính là những lỗi thuộc về kỹ thuật trong khâu phòng ngự. Chỉ trong 4 trận đấu ở giai đoạn 3 vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, chúng ta đã có 4 lần bị phạt đền, và ở giai đoạn 2 chúng ta cũng đã phải nhận 3 lần phạt đền. Trong đó những pha tiểu xảo giống như cú quạt tay của Duy Mạnh trong trận đấu với Oman có thể qua mắt được trọng tài trên sân, nhưng chắc chắn không thể qua mắt được tổ trọng tài VAR. Chúng ta có thể trách trọng tài đã quá nặng tay, có thể lý giải đó chỉ là phản ứng tự nhiên của cơ thể, nhưng vẫn hiểu được cầu thủ hoàn toàn có thể phòng ngự một cách gọn gàng hơn rất nhiều. Nhưng với một V-League vẫn chưa có VAR và các cầu thủ vẫn dựa nhiều vào tiểu xảo, thì như huấn luyện viên Park Hang Seo từng phát biểu, có những thứ đã là thói quen, không phải một sớm một chiều là có thể thay đổi. Nhưng với những bài học thu được, rõ ràng là đã tới thời điểm thay đổi những thói quen này.
Bài học kinh nghiệm cuối cùng mà chúng ta có thể nhận ra được, đó chính kinh nghiệm xử lý các tình huống bóng chết của các cầu thủ đội tuyển Việt Nam vẫn chưa đủ. Một ví dụ tiêu biểu mà chúng ta có thể rút ra bài học là bàn thua thứ 2 của đội tuyển Việt Nam trước đội tuyển Oman, từ một pha dàn xếp đá phạt góc. Đó là một pha bóng có thể gọi là dùng thể hình và số đông để “chèn ép” thủ môn và các cầu thủ phòng ngự đội tuyển Việt Nam, từ đó có được lợi thế. Chúng ta có thể trách trọng tài không thổi phạt các cầu thủ Oman, nhưng cũng phải tự trách cách xử lý quá non kinh nghiệm của thủ môn Văn Toản và các cầu thủ phòng ngự khi để mặc cho đội bạn tự do triển khai kế hoạch, thay vì lao vào tranh chấp tạo không gian có lợi cho thủ môn, thậm chí là tạo ra những pha tranh cãi nhằm giảm nhịp cũng như sự phối hợp của cầu thủ đối phương. Phòng ngự bóng chết vẫn là điểm yếu cố hữu của các cầu thủ đội tuyển Việt Nam, và chúng ta phải rút ra được bài học kinh nghiệm cũng như khắc phục nó, nếu như muốn xa hơn ở đấu trường châu lục.
Rõ ràng đây đều là những bài học kinh nghiệm đắt giá, và không phải là quá xá vời để có thể khắc phục. Với những gì chúng ta đã làm được trong lần đầu tiên thi đấu tại giai đoạn 3 vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, nếu có thể khắc phục và tiến bộ, một suất dự World Cup sẽ ngày càng gần tầm với hơn, chứ không còn là điều gì quá xa xôi như là giấc mơ trong quá khứ nữa.
Cao Duy