Những người tiếp lửa đam mê

Thứ sáu - 25/03/2022 12:52
Sau sự nghiệp thi đấu thành công, những ngôi sao thể thao một thời lại tiếp tục truyền lửa đam mê, kinh nghiệm thi đấu, rèn luyện bản lĩnh trận mạc cho các thế hệ tiếp nối với vai trò huấn luyện viên. Tất cả đều hướng đến thành tích của các vận động viên, của tập thể đội và của làng thể thao tỉnh. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Những người tiếp lửa đam mê

Sau sự nghiệp thi đấu thành công, những ngôi sao thể thao một thời lại tiếp tục truyền lửa đam mê, kinh nghiệm thi đấu, rèn luyện bản lĩnh trận mạc cho các thế hệ tiếp nối với vai trò huấn luyện viên (HLV). Tất cả đều hướng đến thành tích của các vận động viên (VĐV), của tập thể đội và của làng thể thao tỉnh.

 

Ngô Văn Kiều, tượng đài bóng chuyền Sanest Khánh Hòa trong vai trò vừa là huấn luyện viên, vận động viên thi đấu tại giải vô địch quốc gia năm 2020.

Ngô Văn Kiều, tượng đài bóng chuyền Sanest Khánh Hòa trong vai trò vừa là huấn luyện viên, vận động viên thi đấu tại giải vô địch quốc gia năm 2020.


Miệt mài trên đường chạy


Chúng tôi liên hệ với “cô gái vàng” của làng điền kinh một thời Phạm Đình Khánh Đoan đúng dịp chị đang dẫn đội đi tham gia giải đấu ở tận Côn Đảo. Qua điện thoại, chị chia sẻ vội vàng, ngắt quãng vì bận rộn cho các học trò tập luyện chuẩn bị cho giải đấu. Sự nghiệp HLV của chị đã bước qua năm thứ 18. Hàng ngày, chị vẫn miệt mài trên đường chạy, cùng với các lớp học trò của mình tham gia những giải đấu lớn nhỏ trên cả nước. Chị chia sẻ, thời làm VĐV được lo đủ thứ, mình chỉ cần giữ sức khỏe, tập trung thi đấu. Giờ đây, khi làm thầy mới trải qua đủ thứ áp lực, mọi việc ăn, ngủ, tập luyện của học trò đều đến tay. Hiện nay, tổ cự ly trung bình dài của Khánh Đoan có 20 VĐV, còn đang ở tuổi ăn học, phần lớn ở các huyện trong tỉnh. Các em được bố trí ăn ở, sinh hoạt tại trung tâm. Đều đặn hàng ngày, cô và trò mải miết trên đường chạy. Tối đến, các học trò lên lớp học văn hóa thì thỉnh thoảng cô cũng kiểm tra, giám sát. “Tôi luôn động viên học trò tham gia các buổi học văn hóa đầy đủ. Lúc mệt, có thể nghỉ một buổi tập nhưng không được nghỉ học văn hóa bởi phải có kiến thức mới đảm bảo tương lai sau này của các em”, chị nói. Hơn ai hết, chị hiểu những gian nan, vất vả và cả những rủi ro, khắc nghiệt của thể thao. Do đó, khi có tấm bằng văn hóa trong tay, sau này dù tiếp tục theo nghiệp điền kinh hay không, các em vẫn có bước đệm thuận lợi cho cuộc sống của mình.

 

Huấn luyện viên  Phạm Đình Khánh Đoan.

Huấn luyện viên Phạm Đình Khánh Đoan.


Khi nhắc tới điền kinh Khánh Hòa, Khánh Đoan bảo vất vả nhất hiện nay là việc tuyển chọn VĐV. Từ các Hội khỏe Phù Đổng, giải việt dã hay phải nhờ nguồn thông tin ở cơ sở, HLV mới tuyển được học trò. Tìm được rồi nhưng thuyết phục gia đình, phụ huynh cho con tập điền kinh còn khó hơn nhiều. Có lúc, chị đã phải mang sự nghiệp, quá trình thi đấu của bản thân ra làm ví dụ để thuyết phục cha mẹ học trò. Cho đến giờ, chị vẫn trăn trở vì chưa tìm được những học trò có đủ tố chất, sự đam mê để đạt thành tích cao với bộ môn này. Hiện nay, chế độ cho VĐV đã được cải thiện hơn trước nhiều. Do đó, những HLV như chị sẽ có thêm điều kiện thuận lợi hơn để tăng sức nặng cho các bài tập và hi vọng điền kinh Khánh Hòa sẽ có thành tích tốt trong thời gian tới.


Tận tâm truyền đạt


Cho đến nay, trong làng bóng bàn Việt Nam, Đoàn Kiến Quốc vẫn đang được coi là tay vợt số 1 bởi những thành tích cá nhân “vô tiền khoáng hậu” sau 8 lần đăng quang ngôi vô địch toàn quốc, 2 lần giành Huy chương vàng Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc (năm 2006 và 2010), 2 lần giành vé tham dự Olympic. Từ thời còn thi đấu, tay vợt Đoàn Kiến Quốc đã tâm niệm sẽ trở thành HLV để truyền lửa đam mê và kinh nghiệm cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, để trở thành HLV là con đường đầy gian truân như lời Đoàn Kiến Quốc mở đầu câu chuyện về nghề HLV của mình. Vào những năm 2004 - 2005, thời còn ở phong độ đỉnh cao của sự nghiệp, anh từng được tạo điều kiện học đại học tại chức. Thế nhưng, anh mới chỉ học được 1-2 môn đành bỏ dở để tham dự Olympic trong màu áo tuyển quốc gia. Mãi đến năm 2013, sau khi chia tay Câu lạc bộ Dầu Khí và quyết định trở về quê nhà Khánh Hòa, Đoàn Kiến Quốc vừa thi đấu trong vai trò VĐV đội tuyển, hoàn thành các bằng cấp và bắt đầu làm quen với công tác huấn luyện. Đến năm 2017, anh mới chính thức bước vào con đường HLV.

 

Huấn luyện viên  Đoàn Kiến Quốc hướng dẫn kỹ thuật cho tay vợt trẻ.

Huấn luyện viên Đoàn Kiến Quốc hướng dẫn kỹ thuật cho tay vợt trẻ.


Khi mới làm công tác huấn luyện, do quá đam mê chiến thắng nên nhiều lúc anh nổi nóng với học trò. Đặc biệt, ở những trận đáng lẽ có cơ hội giành chiến thắng nhưng vào thời khắc quyết định, các em lại để thua một cách đáng tiếc. Ở giải đấu lớn, các VĐV thi đấu lo lắng một thì HLV căng thẳng gấp mười. Tuy vậy, dần dần anh nhận ra rằng, không nên áp đặt VĐV bởi mỗi người có cách nghĩ khác nhau, năng khiếu riêng. Do đó, HLV phải tìm cách truyền đạt sao để VĐV hiểu, thực hiện theo giáo án. Trong quá trình làm HLV, điều tâm đắc nhất mà Đoàn Kiến Quốc muốn giúp cho VĐV trẻ là tự tin vào bản thân. Bởi kỹ thuật chuyên môn có thể rèn luyện bồi đắp qua thời gian, còn có tinh thần thi đấu vững vàng sẽ giúp VĐV thi đấu đạt thành tích tốt. VĐV Đoàn Thịnh, một trong những gương mặt trẻ nổi bật của đội tuyển tỉnh cho biết: “Từ nhỏ, em đã rất đam mê môn bóng bàn và cảm thấy rất vui khi được là học trò của thầy Quốc. Trong quá trình tập luyện, thầy tận tâm truyền đạt lại tất cả những kỹ năng, kinh nghiệm, giúp học trò tự tin vào bản thân”.


Với thành tích của sự nghiệp thi đấu, HLV Đoàn Kiến Quốc may mắn đang có trong tay lứa VĐV từ U9 đến U15 đầy tiềm năng, hứa hẹn sẽ là thế hệ kế thừa từng bước đưa bóng bàn Khánh Hòa trở lại với vị trí trên bản đồ bóng bàn Việt Nam.


 Người thầy “2 trong 1”


Trong buổi tập của đội Bóng chuyền Sanest Khánh Hòa tại Trung tâm Huấn luyện kỹ thuật thể dục thể thao tỉnh, với chiều cao 1,96m, Ngô Văn Kiều nổi bật khi đứng cạnh các cầu thủ khác. Buổi tập kết thúc đã hơn 12 giờ trưa nhưng Ngô Văn Kiều vẫn chưa hết bận rộn với những công việc hậu trường như: Sắp xếp lịch tập luyện, hoạt động ăn nghỉ của các cầu thủ. Năm 2019, anh chính thức bước chân vào con đường HLV với vai trò trợ lý HLV. Tuy nhiên, anh vẫn là VĐV tham gia thi đấu các giải khi được các HLV yêu cầu. Do đó, mọi người vẫn thường nhắc đến anh với vai trò “2 trong 1”.

 

Huấn luyện viên Ngô Văn Kiều hướng dẫn kỹ thuật cá nhân cho cầu thủ trẻ.

Huấn luyện viên Ngô Văn Kiều hướng dẫn kỹ thuật cá nhân cho cầu thủ trẻ.

 

Ông Trần Quang Thường - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Kỹ thuật thể thao tỉnh: Thời còn là VĐV, Đoàn Kiến Quốc, Phạm Đình Khánh Đoan và Ngô Văn Kiều là những ngôi sao nổi bật, không chỉ cống hiến cho thành tích thể thao của tỉnh mà còn làm rạng danh thể thao nước nhà ở cấp đội tuyển quốc gia. Khi đảm nhận vị trí HLV, bằng chuyên môn của mình, các ngôi sao này đã và đang góp phần rất lớn trong công tác đào tạo, huấn luyện thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, sự thành công của các HLV sẽ là động lực, tấm gương tiêu biểu để các VĐV trẻ noi theo.

 Ngô Văn Kiều chia sẻ, khi là VĐV, anh chơi ở vị trí chủ công nên chỉ tập trung sự quan tâm cho vị trí này. Nhưng khi chuyển sang làm công tác huấn luyện, anh phải nghiên cứu tất cả vị trí trong đội để hướng dẫn kỹ thuật cho các cầu thủ trẻ. Tuy đều là kiến thức nền tảng, đã được học qua nhưng anh vẫn phải tự rèn luyện thêm để hoàn thiện cho công việc hiện tại của mình. Từng có 3 năm thi đấu ở Indonesia, những cọ sát thực tế ở đất nước vạn đảo này đã giúp ích rất nhiều cho công tác huấn luyện của Ngô Văn Kiều hiện nay, từ cách tổ chức giải, các bài tập cá nhân, thi đấu tập thể... “Ở các nước trên thế giới, giải đấu thường diễn ra trong thời gian dài, khoảng 3 tháng và cầu thủ chỉ thi đấu 2-3 trận/tuần. Ở Việt Nam, các giải đấu chỉ diễn ra trong 7 - 10 ngày và cầu thủ thi đấu liên tục. Do đó, sức khỏe và tinh thần thi đấu của cầu thủ phải thật sự tốt để đáp ứng được lịch thi đấu dày đặc. Trong quá trình tập luyện, tôi luôn chú trọng hướng dẫn cho cầu thủ bài tập kỹ thuật cá nhân để nâng cao sức dẻo, sự tập trung cao độ”, anh chia sẻ.


Trong vai trò HLV phó đội bóng, ở trên sân tập, Ngô Văn Kiều cho thấy uy tín và năng lực của mình đối với các cầu thủ trẻ trong đội hình. Cũng là VĐV nên anh gần gũi, sát sao với các cầu thủ trong đội như người anh thân thiết. Phần lớn các cầu thủ trong đội đều đến từ các tỉnh, thành phố khác, không có gia đình ở bên. Do vậy, khi rời sân tập, anh luôn quan tâm đàn em trong những hoạt động thường ngày, tổ chức các hoạt động tập thể để họ bớt phần nhớ nhà, nhớ người thân. Anh cho biết, sắp tới sẽ chuyển hẳn sang công tác huấn luyện. Tuy khép lại sự nghiệp VĐV nhưng mỗi ngày được truyền đạt những kinh nghiệm, kỹ năng đã tích lũy được cho đàn em là niềm vui lớn của anh.


Không đứng trên bục giảng, không uốn nắn từng nét chữ, không vương trên mái tóc những hạt bụi phấn nhưng họ - những HLV thể thao vẫn được các lớp VĐV tôn vinh là người thầy vì sự nhiệt huyết, tận tâm khi truyền ngọn lửa đam mê cho các thế hệ tiếp nối.


HIẾU DUNG

 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp