200 triệu ca nhiễm Covid-19 và sự thống trị của biến thể Delta

Thứ năm - 05/08/2021 06:16
Sau 1 năm dịch Covid-19 bùng phát, thế giới đã ghi nhận 100 triệu ca mắc. Tuy nhiên, chỉ 6 tháng sau, con số nhiễm Covid-19 tăng lên gấp đôi, tương đương dân số quốc gia đông dân thứ 8 trên thế giới.  Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
200 triệu ca nhiễm Covid-19 và sự thống trị của biến thể Delta
Sau 1 năm dịch Covid-19 bùng phát, thế giới đã ghi nhận 100 triệu ca mắc. Tuy nhiên, chỉ 6 tháng sau, con số nhiễm Covid-19 tăng lên gấp đôi, tương đương dân số quốc gia đông dân thứ 8 trên thế giới. 
 
Theo thống kê của Reuters và Worldometers, ngày 4/8, thế giới đã chính thức vượt mốc 200 triệu ca mắc Covid-19. Ít nhất 2,6% dân số thế giới đã nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2. Tỷ lệ này trên thực tế có thể cao hơn nữa do năng lực xét nghiệm của một số khu vực còn hạn chế. 
 

 

Người dân chờ tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 8/7. (Ảnh: Reuters)
Người dân chờ tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 8/7. (Ảnh: Reuters)
 
Dữ liệu của Reuters cho thấy, số ca mắc mới Covid-19 đang trên đà tăng tại ít nhất 83/240 quốc gia, đặc biệt là tại châu Á. Trong khi đó, làn sóng Covid-19 mới với sự thống trị của biến thể Delta đang tấn công những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
 
Đến nay, đại dịch chưa có tiền lệ này đã cướp đi tính mạng của gần 4,4 triệu người trên toàn cầu.
 
Tâm dịch quay lại châu Á
 
Tại Vũ Hán (Trung Quốc), nơi ghi nhận những ca Covid-19 đầu tiên, nhà chức trách cho biết sẽ làm xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ 12 triệu dân tại đây. Quyết định này được đưa ra sau khi Vũ Hán xác nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể Delta trong thành phố này. Vũ Hán đã không phát hiện thêm ca mắc nào trong cộng đồng kể từ giữa tháng 5/2020.
 
Chiếm 8% dân số thế giới nhưng khu vực Đông Nam Á đang ghi nhận gần 15% số ca mắc mới trên toàn cầu mỗi ngày. 
 
Trong tháng 7 vừa qua, Indonesia đã đối mặt với cơn sóng dữ khi số ca bệnh bùng phát theo cấp số nhân. Hiện nay, trung bình trong 5 ca tử vong do Covid-19 được phát hiện trên thế giới mỗi ngày lại có 1 ca tại “xứ vạn đảo”.
 
Đầu tuần này, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin thông báo làn sóng lây nhiễm trong nước đã đạt đỉnh khi số ca nhiễm mới tính theo ngày bắt đầu giảm. 
 
Trong khi đó, tại Nam Á, vừa thoát ra khỏi đợt bùng phát nguy hiểm nhất trong tháng 4 và 5/2021, Ấn Độ một lần nữa chứng kiến số ca mắc mới tăng mạnh trở lại.
 
Không khỏi lo lắng về nguy cơ làn sóng dịch bệnh thứ ba xuất hiện, giới chức nước này đã quyết định phong tỏa một bang có tỷ lệ dương tính cao. 
 
Trong hai tuần gần đây, châu Á liên tục báo cáo hơn 50% tổng số ca mắc mới trên toàn cầu mỗi ngày. Hiện tại, đây là khu vực có tổng số ca bệnh cộng dồn từ đầu mùa dịch cao nhất thế giới.
 
Cuộc chiến đã thay đổi
 
Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ đã đưa ra nhiều nhận định đáng chú ý về diễn biến của đại dịch. 
 
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 21/7 cho biết, sau 19 tháng ứng phó với đại dịch và 7 tháng sau khi loại vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên được phê duyệt, thế giới đã bước vào giai đoạn đầu của một làn sóng lây nhiễm và tử vong mới. Trong đó, tác nhân lớn nhất là sự lây lan của Delta, biến thể đã xâm nhập ít nhất 132 quốc gia. 
 

 

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. (Ảnh: Reuters)
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. (Ảnh: Reuters)
 
 
Đến nay, thế giới đã phát hiện 4 biến thể đáng quan ngại của virus SARS-CoV-2. Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của WHO, thậm chí coi Delta là biến thể nguy hiểm và có khả năng lây lan cao nhất tính đến thời điểm này.
 
Cùng mối quan ngại về biến thể Delta, CDC đánh giá cuộc chiến chống Covid-19 đã thay đổi do sự lây lan của biến thể có độc lực cao này.
 
Một tài liệu nội bộ của CDC cho biết, biến thể Delta có khả năng lây lan như virus gây bệnh thủy đậu, thậm chí lây mạnh hơn cả virus gây bệnh cúm thông thường. Biến thể này có thể khiến bệnh chuyển nặng hơn so với các biến thể xuất hiện trước đó. 
 
Gần đây, giới chức Mỹ nhắc nhiều hơn đến khái niệm "ca nhiễm đột phá", tức là trường hợp mắc Covid-19 sau khi đã tiêm đầy đủ vaccine (theo định nghĩa của CDC). Có người vẫn nhiễm biến thể Delta sau khi đã tiêm chủng, nhưng điều này không có nghĩa là vaccine bị vô hiệu hóa trước sự tấn công của biến thể Delta.
 
Các thống kê tại Mỹ cho thấy, tỷ lệ "ca nhiễm đột phá" rất thấp và hầu hết các ca tử vong, nhập viện do Covid-19 là những người chưa tiêm vaccine.
 
Cuộc chiến chống Covid-19 đã chính thức bước sang giai đoạn mới khi biến thể Delta lây nhanh và mạnh hơn, và đại dịch này dần biến thành đại dịch của những người chưa tiêm vaccine và những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp. 
 
Tổng Giám đốc WHO ngày 4/8 đã kêu gọi các nước tạm ngừng triển khai tiêm liều tăng cường vaccine ngừa Covid-19 cho những người đã tiêm đủ hai liều, ít nhất là đến cuối tháng 9 tới. Việc trì hoãn này nhằm bảo đảm rằng các quốc gia trên thế giới sẽ có ít nhất 10% dân số được tiêm ngừa Covid-19. 
 
Theo Báo Nhân Dân điện tử
Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp