Cặp đôi đi xuyên Việt, 'sống thử' mỗi nơi 1-2 tháng

Thứ hai - 19/06/2023 19:53
Đà Lạt, Vũng Tàu, Phan Thiết, Phú Quý... Mỹ Xuân và Kiến Quốc chưa từng nghĩ sẽ có thời điểm được "sống thử" tại nhiều nơi như vậy.
Cặp đôi đi xuyên Việt, 'sống thử' mỗi nơi 1-2 tháng
Di xuyen Viet anh 1

Trên hành trình phượt xuyên Việt, thay vì di chuyển liên tục, Mỹ Xuân (28 tuổi, quê Trà Vinh) và Kiến Quốc (25 tuổi, quê Tây Ninh) dành hẳn 1,5 năm đi theo kiểu digital nomad (du mục kỹ thuật số), tức vừa xê dịch vừa làm việc online, mỗi nơi ở 1-2 tháng.

“Khi sống một thời gian như dân bản địa, chắc chắn sẽ có nhiều góc nhìn mới và thú vị hơn là chỉ làm khách du lịch”, Kiến Quốc nói.

Chuyển hướng

Cách đây 4 năm, hai người cũng từng là dân văn phòng, sáng xách xe đi, chiều xách xe về, thỉnh thoảng mới có chuyến du lịch đây đó không xa Sài Gòn.

Nếu dịch Covid-19 không ập tới và phải chuyển sang làm việc online, cả hai có lẽ không nghĩ đến 2 từ “nghỉ việc”.

Nhận thấy công việc có thể làm từ xa, Xuân và Quốc quyết định chuyển hướng sang làm freelancer vào năm 2020. Cùng với cột mốc mới, cả hai dọn lên Đà Lạt.

Thế nhưng, vốn là người hướng ngoại và thích giao lưu, Quốc thấy mình dần đánh mất sự năng nổ sau 2 năm ở Đà Lạt. Bởi vậy, ngay khi bạn gái ngỏ ý rủ đi xuyên Việt, anh nhanh chóng gật đầu.

Đi hết Việt Nam trước năm 30 tuổi cũng là ao ước của Xuân. Cô và bạn trai từng phượt đến một số tỉnh, thành ở miền Nam và Tây Nguyên, nhưng chưa từng đi thăm thú hết đất nước.

“Khi còn trẻ và có điều kiện, không có lý do gì để chần chừ thêm”, Quốc chia sẻ.

Di xuyen Viet anh 2

Đi xuyên Việt kiểu du mục kỹ thuật số, Xuân và Quốc dành thời gian sinh sống và làm việc ở mỗi điểm đến.

Một chiếc xe tay ga chở 2 balô, 2 túi đựng đồ, thùng gắn sau xe chứa quần áo, vật dụng cá nhân, laptop, máy ảnh, tripod, flycam,... là toàn bộ hành trang xuyên Việt của Xuân và Quốc. Xác định đi dài ngày nên cả hai cố gắng tối giản, mang theo hành lý gọn nhẹ nhất có thể.

Xuân và Quốc trở lại TP.HCM đầu tiên, nơi gắn với những năm tháng tuổi trẻ có cả niềm vui, nỗi buồn và áp lực, nhưng với tâm thế đã khác so với 2 năm trước.

Sau 1,5 tháng ở TP.HCM, cặp đôi di chuyển tới Vũng Tàu và sống tại đây 2 tháng.

Xuân và Quốc chọn điểm đến khá ngẫu hứng. Như khi sắp rời Vũng Tàu, hai người quan sát những nơi gần đó là Phan Thiết, Nha Trang,... rồi thích chỗ nào hơn sẽ đi. Thế nhưng, khi lên kế hoạch đi Phan Thiết, thấy mọi người nói nhiều về Phú Quý, họ lại quyết định ra đảo.

Công việc chính của Xuân và Quốc không cố định, ngày có thể làm 4-6 tiếng hoặc hơn khi phải chạy deadline.

Làm tự do cho phép họ thích ở đâu thì xê dịch tới đó, nhưng cũng gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa thời gian làm việc và trải nghiệm nơi mình đang sống.

“Freelancer không phải muốn làm lúc nào thì làm, nghỉ lúc nào thì nghỉ”, Quốc nói.

Chàng trai mô tả công việc này giống như mô hình kinh doanh nhỏ, phải tự tìm khách hàng, làm portfolio, sắp xếp thời gian làm việc hợp lý để đảm bảo tiến độ,... chứ không ai cầm tay chỉ việc như khi làm văn phòng.

Để ổn định cuộc sống tại mỗi nơi đặt chân đến, Xuân và Quốc thường thuê homestay theo tháng để tiết kiệm chi phí. Còn chi phí sinh hoạt tùy thuộc mức sống ở từng địa phương.

“Hai đứa thường chỉ tiêu trong khoảng 15-20 triệu đồng/tháng. Thu nhập của cả hai cũng đủ để trang trải”, Xuân cho hay.

Không chỉ toàn “màu hồng”

Với mỗi nơi đi qua trong hành trình xuyên Việt, Xuân và Quốc đều có ấn tượng riêng.

Ở TP.HCM, dù môi trường rất năng động và nhiều cơ hội phát triển, cuộc sống lại xô bồ, chi phí sinh hoạt đắt đỏ, tình trạng kẹt xe, khói bụi khiến những khi phải di chuyển trở nên khá mệt mỏi.

Vũng Tàu khá giống TP.HCM ở chỗ năng động, nhiều cơ hội giao lưu, nhưng không quá xô bồ. Ở đây có núi, có biển, chạy xe qua lại cũng thuận tiện.

“Nếu mọi người tìm nơi để du lịch, tôi không đề xuất Vũng Tàu, nhưng với người làm việc tự do, muốn sống lâu dài, đây là lựa chọn có thể cân nhắc”, Quốc nói.

Đến nay, cuộc sống trên đảo Phú Quý khiến Xuân và Quốc cảm thấy thoải mái hơn cả vì chi phí sinh hoạt rẻ, dân cư không quá đông, không khí trong lành.

Điểm trừ với Xuân là quãng đường di chuyển từ đảo vào đất liền khá xa, mất khoảng 2,5 tiếng đi tàu và phụ thuộc thời tiết, nên khi có việc gấp cũng khó lòng xoay xở.

Còn với Quốc, cơ sở vật chất trên đảo vẫn thiếu nên khi mua máy móc, thiết bị quay phim phải đặt từ đất tiền chuyển ra, có phần bất tiện.

Đi xuyên Việt kiểu digital nomad là vậy, không thể đòi hỏi mọi thứ đều lý tưởng, “màu hồng”. Đó là điều Xuân và Quốc hiểu rõ và chấp nhận.

“Ba mẹ ủng hộ nhưng cũng lo lắng cho hai đứa. Để người lớn yên tâm, tôi thường gửi video để gia đình xem rồi hiểu. Tôi thường nói mẹ sắp xếp ra chơi 1-2 tuần với con, coi như đi du lịch luôn”, Quốc nói.

Cặp đôi dự định kết thúc hành trình xuyên Việt ở khu vực Tây Bắc và trước đó, có thể đón Tết ở Hà Nội hoặc về nhà ăn Tết nếu quá nhớ gia đình.

"Biết đâu sau đó có thể là Bali, hoặc bất kỳ thành phố nào khác trước khi chúng tôi chọn một nơi để dừng chân".

58 ngày trăng mật xuyên Việt bằng xe phân khối lớn

Sau khi kết hôn, Rin thực hiện lời hứa đưa Miên đi khắp Việt Nam trên chiếc môtô phượt đường trường. Trong 58 ngày, hai người vượt qua 8.000 km với chi phí khoảng 60 triệu đồng.

Để có một cuộc sống chất lượng vượt trội

Trong cuốn sách Đầu tư thông minh của Anthony Robbins, tác giả cho rằng sự giàu có đích thực không chỉ dừng lại ở tiền bạc mà nằm ở cảm xúc, tâm lý và tâm hồn. Nếu bạn không hạnh phúc, bạn không thể có một cuộc sống tuyệt vời, bất kể ví tiền của bạn dày như thế nào.

Nguồn tin: lifestyle.zingnews.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp