Cuộc chiến cách 8.000 km làm xáo trộn cuộc sống người Ukraine ở TP.HCM

Chủ nhật - 27/02/2022 21:20
"Người Ukraine đang sống tại TP.HCM sẽ ở lại đây trong thời gian dài sắp tới. Họ chẳng có lý do để trở về một nơi nguy hiểm", Vasyl Vandych (34 tuổi, ngụ quận 7) nêu suy nghĩ.
Cuộc chiến cách 8.000 km làm xáo trộn cuộc sống người Ukraine ở TP.HCM

Những ngày này, Izhevskyi A. (38 tuổi, TP Thủ Đức) thường xem lại những bức ảnh cũ anh chụp hồi còn ở quê nhà Kyiv. Sáng sớm thức dậy, việc đầu tiên anh làm là gọi điện cho gia đình ở Kyiv để cập nhật tình hình. Trong khi đó, Vasyl Vandych (34 tuổi, sống ở quận 7) chỉ mong chiến tranh không xảy ra và mong cuộc sống hiện tại không bị xáo trộn.

Những người Ukraine này đang sống cách quê hương hơn 8.500 km. Tại TP.HCM, những người Ukraine sống rải rác, và cuộc chiến ảnh hưởng đến họ theo những cách rất khác nhau. Nhiều người nóng lòng khi thân nhân ở giữa tâm cuộc chiến. Những người khác duy trì tình bạn với những người Nga tại đây, lo lắng cuộc chiến ở quê nhà có thể làm ảnh hưởng đến việc làm ăn tại Việt Nam.

Bàng hoàng ngày súng nổ

Hôm 24/2, cư dân Ukraine ở TP.HCM không khỏi lo lắng khi thấy mạng xã hội tràn ngập tin tức về cuộc tấn công nổ ra ngay trên quê hương họ.

Julie Rubanets (38 tuổi, quận 3) sống ở Việt Nam gần 3 năm, là người đến từ thủ đô Kyiv nơi đang trong tình trạng “nóng bỏng” nhất.

nguoi Ukraine o TP.HCM anh 1

Julie Rubanets đăng ảnh đại diện với quốc kỳ Ukraine, đồng thời cập nhật tin tức quê nhà trên Facebook. Ảnh: NVCC.

“Các công dân Ukraine ở TP.HCM đều cảm thấy sốc. Ở tâm cuộc chiến, bố mẹ tôi không thể di tản do cao tuổi sức yếu. Họ ở lại, cũng như hầu hết bạn bè của tôi. Và họ đang gặp nguy hiểm. Ở đây, chúng tôi chỉ biết cầu nguyện cho gia đình và quân đội Ukraine”, Rubanets chia sẻ với Zing.

Còn anh Vasyl Vandych (34 tuổi, quận 7) cho biết gia đình mình hiện sống ở thành phố Ivano - Frankivsk, cách thủ đô Kyiv hơn 600 km về phía Tây. Dù cách xa và không nằm trong vùng chiến sự, người đàn ông Ukraine từ TP.HCM vẫn lo lắng cho người nhà.

“Không bị nguy hiểm nhưng người nhà tôi gặp vấn đề khác. Mạng Internet và điện ở đây bắt đầu chập chờn. Tiền tôi gửi về, phải nhờ người quen ở địa phương mang đến nhà, vì việc rút tiền không còn dễ như trước”, anh kể.

Cuộc sống ít nhiều xáo trộn

Izhevskyi A. sốt ruột trước những tin tức ồ ạt về những trận tấn công của Nga trên lãnh thổ Ukraine suốt nhiều ngày qua. Sáng sớm thức dậy, việc đầu tiên anh làm là gọi điện cho gia đình ở Kyiv để cập nhật tình hình.

Cuộc sống thường ngày của Izhevskyi A. không có quá nhiều thay đổi. Anh vẫn làm việc, duy trì gặp gỡ bạn bè và đồng hương.

Song, theo tình hình hiện tại, việc kinh doanh của người đàn ông này gặp nhiều trở ngại. Với phần lớn đối tác đến từ Nga, anh lo ngại thuế xuất khẩu vào nội địa nước này sẽ tăng cao, gây ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa.

“Nhà nước Ukraine đã ban bố sắc lệnh tổng động viên, tôi ước mình có thể tham gia chiến đấu. Nhưng hiện ở Việt Nam, tôi chỉ biết cầu nguyện. Tôi dự đoán mọi thứ rồi sẽ kết thúc trong một tuần sau khi đại diện Ukraine và Nga ngồi xuống đàm phán”, anh bày tỏ.

Julie Rubanets nói rằng cô và các bạn người Nga của mình ở TP.HCM đều phản đối chiến tranh. Mọi người cảm nhận được một số ảnh hưởng về chính sách, kinh tế.

Người phụ nữ này hiện yên tâm vì Đại sứ quán và Lãnh sự quán Ukraine tại Việt Nam sẽ hỗ trợ bất cứ lúc nào công dân cần.

“Chúng tôi luôn có thể gửi tin nhắn và nhận được trả lời nhanh chóng”, Rubanets cho hay.

Còn anh Vasyl Vandych cho rằng bản thân chỉ biết cầu mong chiến tranh dừng lại. Anh đã có 7 năm sống tốt ở thành phố, hơn nữa còn con gái ruột sống ở Nha Trang. Do đó, người đàn ông này không muốn bị kéo vào một cuộc tranh cãi, vì ngại ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại.

Năm 2015, Vasyl Vandych chuyển đến TP.HCM và sinh sống đến nay. Thời điểm đó, Ukraine đã lâm vào tình trạng căng thẳng vì giao tranh ở vùng Donbass, Lugansk và Crimea.

“Đó là một trong những nguyên nhân tôi rời quê hương”, Vandych nói.

nguoi Ukraine o TP.HCM anh 4

Vasyl Vandych trả lời phỏng vấn trên kênh NTK của Ukraine hồi tháng 8/2015. Ảnh: NVCC.

Trước khi sang Việt Nam, Vasyl Vandych từng được một kênh tin tức địa phương phỏng vấn về việc liệu anh có tham gia quân đội nếu đất nước cần.

“Tôi không phải người lính. Và tôi nghĩ rằng tôi có thể giúp đất nước bằng một số hình thức khác tốt hơn, trên Internet chẳng hạn. Nhưng nếu cấp bách, tôi có lẽ sẽ quay về cầm súng”, anh trả lời.

“Người Ukraine đang sống tại TP.HCM hay Việt Nam sẽ ở lại đây trong thời gian dài sắp tới. Họ chẳng có ‘lý do’ để trở về một nơi nguy hiểm, hoặc sẽ gặp khó khăn khi nhập cảnh quê hương”, anh Vandych nêu suy nghĩ.


Thận trọng tiếp nhận thông tin

Hôm 26/2, tài khoản Facebook của một công dân sống tại Kyiv đã đăng tải bài viết chỉ trích một người Việt Nam, do người này thể hiện quan điểm ủng hộ Nga.

Trước sự việc này, V. Timoshenko (26 tuổi, người Ukraine ở TP.HCM) khuyên bạn bè và đồng hương của mình hãy thận trọng.

“Tôi đang ở Việt Nam, mọi thứ tôi biết bây giờ chỉ từ tin tức trên mạng. Người dân nước tôi đang thể hiện nhiều cảm xúc mạnh mẽ vì đó rõ ràng là một nỗi lo lắng và căng thẳng lớn đối với mọi người. Tôi khuyên bạn không nên tham khảo ý kiến của bất kỳ ai, để không kích động thêm sự hung hăng không đáng nào nữa”, Timoshenko bày tỏ.

Không chỉ Timoshenko, người Ukraine ở TP.HCM hiện chỉ có thể cầu nguyện cho đất nước và người thân của mình bình an vô sự.

“Đồng hương của tôi và bạn bè người Nga vẫn có mối quan hệ bình thường”, anh Vasyl Vandych khẳng định.

"Nhân dân chúng tôi đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nhưng chúng tôi cần sự hỗ trợ từ toàn cầu để ngăn chặn chiến tranh", Rubanets bày tỏ.


Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail [email protected].

Sống sao ở TP.HCM 'không ngủ'?

Cư dân của TP.HCM tìm nhiều cách để đối phó với tiếng ồn tại nơi ở của mình, có người gắn thêm kính cách âm, có người đơn giản phải chuyển nhà.

Công viên bến Bạch Đằng đẹp nhưng gửi xe ở đâu bây giờ?

Người đến công viên bến Bạch Đằng (quận 1, TP.HCM) nhận xét cảnh quang công viên đẹp nhưng khó khi tìm chỗ gửi xe, thiếu nhà vệ sinh công cộng, thùng rác và bóng mát.

'Tôi đi gần 20 km vào trung tâm thành phố tìm chỗ chơi'

Nhiều nhóm bạn trẻ hay các gia đình thường chấp nhận di chuyển hàng chục km để tìm được chỗ vui chơi "vừa ý" tại trung tâm thành phố.


Nguồn tin: zingnews.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp