Mỹ, EU đối diện 'sự thật không dễ chịu' khi trừng phạt Nga

Thứ sáu - 25/02/2022 10:08
Mỹ và phương Tây đã ban bố một loạt lệnh trừng phạt sau khi Moskva quyết định công nhận hai nước cộng hòa tự xưng ở miền đông Ukraine và điều binh sĩ tới vùng Dobass. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Mỹ, EU đối diện 'sự thật không dễ chịu' khi trừng phạt Nga
Mỹ và phương Tây đã ban bố một loạt lệnh trừng phạt sau khi Moskva quyết định công nhận hai nước cộng hòa tự xưng ở miền đông Ukraine và điều binh sĩ tới vùng Dobass.
 
Nổi bật nhất là việc Đức tuyên bố ngừng xem xét cấp phép cho tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2), cùng các quyết định của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Anh về đóng băng tài sản nhằm vào một số ngân hàng Nga, giới tài phiệt Nga. Đòn trừng phạt vòng một này cho thấy một thực tế hai mặt: Phương Tây muốn duy trì ưu thế, sức ép trước Nga, song không có quá nhiều lựa chọn.
 
Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 22/2 đã ra lệnh ngừng xem xét cấp chứng nhận cho dự án Nord Stream 2 - đường ống dẫn thẳng khí đốt từ Nga đến Đức và châu Âu, sau khi Moskva công nhận Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng ở miền đông Ukraine và điều động quân đội sang hai khu vực này.
 

 

Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất cho châu Âu. Ảnh: Bloomberg
Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất cho châu Âu. Ảnh: Bloomberg
 
EU, Anh, Mỹ sau đó đều chỉ trích hành động của Nga, đe dọa áp trừng phạt. Anh phong tỏa tài sản với 5 ngân hàng và 3 cá nhân người Nga. Quốc hội Anh cũng tuyên bố sẽ áp trừng phạt với các nghị sĩ Nga từng bỏ phiếu công nhận DPR và LPR, cấm các công ty, doanh nghiệp Anh hoạt động tại hai khu vực này.
 
Ngày 22/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo vòng trừng phạt đầu tiên nhằm vào hai thể chế tài chính của Nga và "giới tinh hoa" trong lĩnh vực này. Sang ngày 24/2, ông Biden tuyên bố vòng trừng phạt mới, mở rộng thực thể ngân hàng, tài chính của Nga bị cấm vận, cùng với biện pháp hạn chế xuất khẩu công nghệ, kỹ thuật, chặn quyền tiếp cận của Nga đối với nhiều sản phẩm, từ hàng điện tử thương mại và máy tính đến chất bán dẫn và phụ tùng máy bay.
 
Ngoại trừ quyết định của Đức đối với Nord Stream 2, chưa xuất hiện bất kỳ trừng phạt nào của Mỹ và phương Tây nhằm vào ngành năng lượng và hàng hóa của Nga. Nhiều khả năng biện pháp này sẽ được tính đến trong thời gian tới. Nhưng xét đến mức độ tổn thất mà các nước châu Âu, thậm chí kể cả Mỹ, phải gánh chịu trước viễn cảnh này, cấm vận khí đốt có thể sẽ chỉ là giải pháp sau cùng.
 
Đầu tiên, Đức là nước chịu thiệt nhiều hơn Nga một khi Nord Stream 2 bị "đóng băng" dài hạn. Mục tiêu chính của dự án này là tăng lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga trong bối cảnh Đức đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân và nhiệt điện chạy than. Không có đường ống, Đức sẽ phải thay thế khí đốt giá rẻ của Nga bằng khí hóa lỏng (LNG) đắt đỏ hơn.
 
Về phần mình, tập đoàn Gazprom của Nga mới đây đã ký thỏa thuận với đối tác Trung Quốc, tăng gấp đôi công suất vận chuyển khí đốt từ Nga sang Trung Quốc qua tuyến đường ống Sức mạnh Siberia. Trong ngắn hạn, việc "đóng băng" dự án Nord Stream 2, có giá trị 12 tỉ USD, là điều không mấy dễ chịu, nhưng không phải là dấu chấm hết đối với Gazprom.
 
Vậy tại sao chưa xuất hiện trừng phạt nào nhằm vào ngành dầu mỏ, khí đốt hay khai thác kim loại của Nga? Đó là bởi có nhiều công ty lớn, quan trọng của phương Tây đang có dự án kinh doanh, làm ăn tại Nga ở những lĩnh vực này. Kế đến, Nga là nước cung ứng lớn trên thị trường hàng hóa toàn cầu. Cấm vận nhằm vào ngành này sẽ gây ra tổn thất, đứt gãy với kinh tế toàn cầu vốn đang chịu nhiều sức ép.
 
Shell, BP và Exxon là ba tập đoàn dầu khí lớn nhất có hợp tác kinh doanh với Nga. Trong đó mức độ liên kết sâu nhất thuộc về BP, hãng nắm 25% cổ phần trong tập đoàn khí đốt thuộc sở hữu nhà nước Rosneft (Nga). Nhiều công ty đứng đầu thế giới về giao dịch hàng hóa như Vitol, Glencore và Trafigura cũng có hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp Nga. Trừng phạt Nga vì thế cũng gây tổn thất lớn với những tập đoàn nói trên.
 
Vị thế của Nga trên thị trường nhiên liệu, hàng hóa là không thể phủ nhận. Ngoài dầu mỏ, khí đốt, Nga còn chiếm 10% sản lượng vàng, 6% sản lượng aluminum, 4% sản lượng cobalt và 3,5% sản lượng của toàn thế giới. Tập đoàn Nornickel (Nga) là nhà khai mỏ lớn nhất thế giới về nickel (7% sản lượng toàn cầu), đồng thời cũng là nhà khai mỏ lớn nhất thế giới về palladium và thuộc nhóm hàng đầu thế giới về platinum.
 
Cấm vận ngành khai mỏ của Nga vì thế sẽ dẫn đến leo thang giá hàng hóa trên thị trường quốc tế, vốn đang đứng ở mức cao kỉ lục trong nhiều năm trở lại đây. Ngoài ra, Nga còn là nhà sản xuất phân bón lớn trên thế giới, chiếm 13% sản lượng toàn cầu và là nhà cung ứng lúa mỳ lớn nhất thế giới.
 
Những dữ liệu trên cho thấy một thực tế: Tất cả lệnh cấm vận mà Mỹ, Anh và EU đe dọa áp đặt chống Nga trong một vài tháng qua bị bó hẹp. Mọi chuyện chỉ khác đi nếu Washington, London và Brussels sẵn sàng chấp nhận tổn thất với cái giá cao hơn vì những ngành mà các nước này đang ưu tiên trong chính sách của mình, như năng lượng tái tạo, ô tô điện.
 
Theo TTXVN

 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp