Doanh nghiệp vận tải lao đao vì giá xăng dầu lên cao

Chủ nhật - 27/02/2022 18:49
Nhiều chủ doanh nghiệp vận tải ở Khánh Hòa buộc phải cắt giảm nhân viên, chỉ làm 50% số ngày trong tuần vì giá xăng dầu tăng, lượng khách hàng sụt giảm.
Doanh nghiệp vận tải lao đao vì giá xăng dầu lên cao

Liên Bộ Tài chính - Công Thương vừa điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. Theo đó, xăng E5 RON 92 tăng 961 đồng/lít, giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 965 đồng/lít. Sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 25.531 đồng/lít và xăng RON 95 là 26.285 đồng/lít.

Đợt tăng lần này đẩy mức giá xăng dầu cao kỷ lục, vô hình trung tạo sức ép lên các doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Nhiều đơn vị ở Khánh Hòa cho biết họ không thể tăng giá cước dịp này, trong khi nguồn khách sau Tết giảm sụt nghiêm trọng.

Vừa có quyết định cắt giảm giờ làm của nhân viên xuống 50%, ông Đăng Khải, Giám đốc hãng xe Phúc An, chuyên chạy tuyến Nha Trang - TP.HCM, cho biết buộc phải thực hiện chính sách trên vì nếu trả đủ lương doanh nghiệp sẽ kiệt quệ.

vat gia leo thang anh 1

Giá xăng tăng cao kỷ lục khiến các doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn. Ảnh: Xuân Hoát.

Khổ vì giá xăng đạt đỉnh

“Công ty cho nhân viên làm một ngày, nghỉ một ngày để vừa duy trì công việc, cũng giảm bớt quỹ lương. Dịch khó khăn mấy năm nay, nếu mình cho thôi việc họ lấy gì nuôi gia đình”, ông Khải bày tỏ.

Giám đốc hãng xe Phúc An cho biết xăng dầu tăng khiến việc kinh doanh càng khó khăn thêm. Theo ông, một chuyến xe Nha Trang - TP.HCM bình thường chi phí xăng dầu chiếm 35-40%. “Xăng dầu tăng cao như hiện nay cộng thêm phí đường bộ, lương tài xế, nhân viên càng chạy càng lỗ”, ông Khải nói.

Cũng theo ông Khải, sau Tết lượng khách đi xe giảm nghiêm trọng, trong khi giá cước không dám tăng.

“Ngày thường mỗi xe chỉ khoảng 15-20 khách, còn cuối tuần đông hơn xíu. Giá vé hiện tại của hãng mình được xem là thấp nhất chặng Nha Trang - TP.HCM chỉ 200.000-380.000 đồng/khách. Nhưng giờ cũng không dám tăng vì khách đã ít, mình tăng nữa chắc không còn ai đi. Trong khi các chi phí buộc phải chi trả nếu vẫn duy trì chuyến”, ông Khải nói thêm.

Tương tự, ông Phạm Nam, chủ hãng xe Thủy Nam, chuyên chạy chặng Nghệ An - TP.HCM, cho biết đang phải “gồng” từng ngày từ khi giá xăng dầu tăng hôm 21/2.

“Khách dịp sau Tết không nhiều nên chúng tôi chủ yếu chở hàng hóa. Do là xe tuyến cố định nên không thể bỏ chuyến nào dù biết sẽ lỗ khi không đủ khách, đủ hàng. Chúng tôi đang phải gồng từng chuyến một, chuyến nào xuất bến cũng phải tính toán chi li để giảm bớt chi phí, cắt lỗ”, ông Nam cho biết.

Theo chủ hãng xe Thủy Nam, mỗi chuyến xe ông phải bù hàng triệu đồng tiền xăng dầu, chưa tính phải trả 3-4 triệu đồng tiền qua các trạm thu phí từ Nghệ An vào TP.HCM.

“Khách hàng chủ yếu quen biết đi xe mình lâu năm, giờ mà tăng cước trong giai đoạn dịch khó khăn cũng không được, còn không tăng thì mình bù lỗ quá nhiều. Giờ chỉ mong giá xăng dầu hạ nhiệt để những hãng xe như chúng tôi dễ thở, bớt khó khăn khi dịch vẫn còn phức tạp”, ông Nam mong muốn.

Giảm nhân sự, ngưng chuyến để cắt lỗ

Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao đã kéo theo nhiều mặt hàng cũng tăng giá khiến doanh nghiệp đau đầu tính phương án cắt lỗ, giảm chi phí.

Vừa quyết định cho 2 chiếc tàu đánh năm bờ, ngư dân Nguyễn Văn Tính - ngụ Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa - cho biết buộc phải quyết định vì nếu ra khơi chắc chắn lỗ vì xăng dầu chiếm gần hết chi phí của một chuyến đi biển.

“Hai tàu của mình năm bờ khiến gần 20 con người cũng không có việc làm. Một chuyến ra khơi chi phí xăng dầu cho một tàu khoảng 30-40 triệu đồng. Với giá dầu hiện nay mỗi tàu của tôi ra khơi phải bù thêm ít nhất 10 triệu đồng. Giá hải sản (trừ cá ngừ đại dương) không tăng, thậm chí giảm, nếu cứ ra khơi chắc chắn lỗ”, ông Tính phân tích.

Còn ông Thanh - giám đốc một công ty chuyên xuất khẩu hàng thủy hải sản - cho biết đã cắt giảm đơn hàng và một nửa nhân viên vì không kham nổi chi phí.

“Giá xăng tăng khiến tổng chi phí một chuyến container xuất hàng đi Trung Quốc tăng ít nhất 20 triệu đồng. Chưa tính chi phí cho một tuần xếp hàng chờ ở biên giới đợi được thông quan do quy định kiểm tra phòng dịch của Trung Quốc”, ông Thanh nói.

vat gia leo thang anh 2

Nhiều tàu cá của ngư dân năm bờ sau khi giá xăng dầu tăng cao. Ảnh: Xuân Hoát.

Để giảm chi phí, ông Thanh buộc phải cho 50% nhân viên nghỉ việc không lương, đồng thời cắt giảm bớt đơn hàng. “Giảm đơn hàng mình là người chịu thiệt, nhưng trong hoàn cảnh này không thể làm khác. Doanh nghiệp cũng cố cầm cự để chờ giá xăng hạ nhiệt”, ông nói thêm.

Theo khảo sát các chợ ở TP Nha Trang, hiện giá rau, củ quả, thịt tăng mạnh. Theo chị Phương - ngụ xã TP Nha Trang - giá các loại rau tăng gấp đôi, trong đó thịt, cá tăng trung bình từ 10.000-20.000 đồng/kg.

“Bó rau cải bình thường 5.000 nay lên 10.000 đồng. Còn dưa leo tăng từ 15.000 đồng lên 25.000 đồng/kg. Mang theo gần một triệu đi chợ mua không đủ dự trữ thức ăn cho gia đình trong một tuần”, chị Phương cho biết.

Theo các tiểu thương họ buộc phải tăng giá bán vì cước vận chuyển tăng theo xăng dầu. “Mỗi chuyến họ (đơn vị vận chuyển) thu thêm 500.000-1.000.000 tiền cước, chúng tôi buộc phải tính khoản này vào giá bán”, một tiểu thương ở chợ Xóm Mới, TP Nha Trang - nói.

Chiều 21/2, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu với mức tăng 961 đồng/lít với xăng E5 RON 92 và 965 đồng/lít với xăng RON 95. Sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 25.531 đồng/lít và xăng RON 95 là 26.285 đồng/lít.

Với mức tăng này, giá xăng RON 95 trong nước đã vượt đỉnh lịch sử và xác lập kỷ lục mới (thời điểm ngày 7/7/2014, xăng E5 RON 92 có giá 25.640 đồng/lít, xăng RON 95 giá 26.140 đồng/lít).

Không chỉ xăng, giá các mặt hàng dầu tại kỳ điều hành lần này cũng được điều chỉnh tăng. Giá bán đối với dầu diesel lên 20.800 đồng/lít; dầu hỏa là 19.500 đồng/lít và dầu mazut là 17.930 đồng/kg.

Doanh nghiệp du lịch ‘chạy nước rút’ trước thời điểm mở cửa lại

Nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án đang gấp rút hoàn thiện những hạng mục cuối cùng để đón đầu giai đoạn Chính phủ cho mở cửa du lịch hoàn toàn.

Gần 46 tỷ đồng xây đê bao chống sạt lở đèo Mimosa

UBND TP Đà Lạt cho rằng cần đầu tư ngay dự án để bảo vệ an toàn người dân và lưu thông hàng hóa ở đoạn đèo cửa ngõ của thành phố.

Phê duyệt quy hoạch đất Cam Lâm đến năm 2030

Đến năm 2030, đất thương mại dịch vụ của huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) tăng gần 1.200 ha, trong khi đó đất trồng cây lâu năm và cây hàng năm giảm mạnh.

Nguồn tin: zingnews.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp