Khi ngày lễ là đổi nơi làm việc sang mâm cơm, bãi biển

Thứ tư - 03/05/2023 08:45
Trong kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày, nhiều nhân sự trẻ vẫn phải mang laptop về quê, đi du lịch để kịp thời xử lý công việc. Họ hiếm có thời gian nghỉ ngơi bên gia đình, bạn bè.
Khi ngày lễ là đổi nơi làm việc sang mâm cơm, bãi biển

Nhiều nhân sự phải làm việc xuyên kỳ nghỉ lễ vì tính chất công việc. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, Hồng Ngọc (28 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) có chuyến du lịch 5 ngày 4 đêm đến Nha Trang cùng nhóm bạn. Trong hành lý của mình, cô không quên mang theo chiếc laptop và sạc dự phòng.

Chia sẻ với Zing, Ngọc cho biết mình là freelancer, hiện thực hiện dự án từ xa cho một công ty có trụ sở tại Mỹ. Doanh nghiệp này chỉ có chế độ nghỉ Giáng sinh và Tết Dương lịch dài ngày. Trong chuyến đi vừa qua, cô không xin nghỉ phép mà vẫn làm việc online nhằm đảm bảo tiến độ chung.

“Suốt hành trình, tôi luôn dậy sớm hơn, hy sinh giấc ngủ để hoàn thiện các đầu việc trước 10-11h. Như vậy, khi hội bạn cùng thức dậy, tôi có thể tham gia vào các hoạt động chung như đi bơi, tắm nắng, đi môtô nước…”, Ngọc kể lại.

Ôm laptop, chạy deadline bên bãi biển, mâm cơm

Tương tự Hồng Ngọc, Khắc Tuân (21 tuổi) cũng có một kỳ nghỉ không mấy “bình yên” vì vẫn phải đảm bảo công việc hàng ngày, bao gồm giải quyết những nhiệm vụ khẩn cấp từ sếp. Anh hiện là nhân viên tại một trung tâm tư vấn du học tại Hà Nội.

nghi le anh 1

Khắc Tuân phải liên tục kiểm tra tin nhắn, xử lý việc gấp trong kỳ nghỉ.

“Tranh thủ dịp nghỉ, phụ huynh và học sinh đến trung tâm đông hơn ngày thường. Do vậy, cả công ty và đội marketing vẫn phải làm việc xuyên kỳ nghỉ, không nghỉ ngày nào”, Tuân cho hay.

Theo đó, từ 29/4 đến 3/5 (ngày nghỉ lễ theo lịch chính thức), anh vẫn kiểm tra email đều đặn vào buổi sáng, sau đó lên kế hoạch triển khai hoạt động quảng cáo, theo dõi và báo cáo số liệu.

“Trong những ngày lễ, khối lượng công việc bên tôi tương đương ngày thường. Ngoài ra, tôi còn phải kịp thời xử lý những vấn đề khẩn cấp như thay đổi ngân sách, phân chia lại dữ liệu cho bộ phận sale... Vài lần, đang ngồi bên mâm cỗ cùng gia đình, tôi vẫn phải kiểm tra tin nhắn, mở laptop để xử lý công việc”, Tuân nói.

“Với tôi, kỳ nghỉ lễ 5 ngày chẳng khác gì ngày thường. Điều khác biệt duy nhất là tôi chuyển địa điểm làm việc từ văn phòng về nhà”, đó là chia sẻ của Ngô Đức (22 tuổi, quận Long Biên, Hà Nội) khi được hỏi về kỳ nghỉ 30/4-1/5 vừa qua. Anh hiện là nhân viên chăm sóc khách hàng cho một công ty về dịch vụ hình ảnh số.

Theo Đức, khách hàng của anh chủ yếu là người nước ngoài. Vì vậy, anh quen thuộc với việc ôm laptop để làm việc xuyên các kỳ nghỉ lễ truyền thống của Việt Nam. Sau gần một năm gắn bó với công việc này, anh cũng chưa bao giờ sắp xếp đi du lịch vào những dịp nghỉ lễ.

“Biết trước là phải làm xuyên lễ, tôi đã tạm gác lại mọi kế hoạch. Ngoài ra, thời gian nghỉ phép của tôi cũng phải báo trước một tháng để bộ phận sắp xếp nhân sự. Gia đình nhiều lần thắc mắc, trách móc khi tôi ngồi ăn cơm vẫn ôm theo laptop, điện thoại”, anh cho hay.

Tìm cách xoay xở

Giống với Đức, laptop và smartphone chính là vật bất ly thân của Hồng Ngọc trong suốt những ngày nghỉ lễ. Cô phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi hàng trăm tin nhắn công việc của nhóm. Khi quản lý đột ngột giao việc gấp, cô vẫn phải trả lời ngay, tránh bị nhắc nhở, đồng thời tranh thủ ôm laptop ra ngồi một góc để chạy deadline.

nghi le anh 2

Ngô Đức đã quen với những ngày lễ ôm laptop trong khi gia đình anh vẫn thắc mắc với việc này.

Chuyến đi Nha Trang vừa qua, không xin nghỉ phép, cô rơi vào nhiều tình huống phát sinh khiến kỳ nghỉ không thể trọn vẹn. Cụ thể, khi cùng bạn bè chơi trên bãi biển, cô không thể vui do liên tục bị nhắc tên trong các nhóm chat công việc.

“Đến bữa tiệc BBQ, mọi người hào hứng nướng đồ ăn, tôi lại ngồi một góc bàn gõ bàn phím lạch cạch. Tôi còn không bắt nhịp được câu chuyện chung, đầu óc chỉ mải xử lý các đầu việc gấp.

Tôi cũng không dám dùng đồ uống có cồn, vui hết mình cùng nhóm bạn. Tôi sợ sẽ ngủ quên vào sáng hôm sau, lỡ tin nhắn của quản lý”, freelancer này tâm sự.

Theo Ngọc, công việc của cô linh hoạt về thời gian và địa điểm công tác, song rất khó để xin nghỉ bởi phía doanh nghiệp đối tác chỉ quan tâm đến tiến độ, hiệu suất.

Nếu muốn nghỉ ngơi, cô buộc phải bố trí người thay thế hoặc làm dồn việc từ trước - vốn là nhiệm vụ không khi nào đạt được.

Đặc biệt, khi không tập trung 100% cho các dự án, Ngọc cũng dễ mắc lỗi liên tục, kéo dài thời gian xử lý, bị cấp quản lý nhắc nhở. Ngay khi đóng laptop chuẩn bị vui chơi với bạn bè, cô lại nhận ra sai phạm, phải mở máy tính để sửa lỗi.

“Tốn tiền cho chuyến du lịch, nhưng tôi không được vui chơi hết mình, lại còn gây vài ảnh hưởng xấu đến nhiệm vụ chung. Lần sau đi chơi, tôi chắc chắn phải thu xếp ổn thỏa công việc trước, chứ không rất mất vui”, Ngọc thở dài.

Trong khi đó, Khắc Tuân phải điều chỉnh lại thời gian làm việc trước những lời phàn nàn của bố mẹ khi thấy anh mang việc về nhà.

“Gia đình không hiểu tính chất công việc của tôi. Họ vẫn cho rằng ngày lễ là để nghỉ ngơi, còn công việc có thể gác lại sau”, anh bộc bạch.

Để có thể tập trung giải quyết công việc, đồng thời vẫn dành thời gian cho gia đình, anh cố gắng hoàn thành deadline từ tối hôm trước. Tuy nhiên, vì luôn cảm thấy lo lắng, bất an với những nhiệm vụ khẩn cấp, anh vẫn mang theo laptop bên người, bất kể ở nhà hay ra ngoài chơi cùng bạn bè.

Để công việc và kỳ nghỉ lễ hòa hợp

Theo The Muse, theo đặc thù, tính chất của ngành nghề, nhiều nhân sự vẫn phải làm việc vào ngày nghỉ lễ. Tuy nhiên, mọi người có thể làm theo những gợi ý sau để giảm bớt căng thẳng và có thời gian cân bằng lại cuộc sống.

Thương lượng: Tùy thuộc vào tính chất công việc, hãy thương lượng với sếp để có thể làm việc ở nhà. Cá nhân cũng có thể đề xuất chia ca để chỉ làm việc trong nửa ngày. Ngoài ra, đừng ngại hỏi về việc bù ngày nghỉ lễ vào kỳ nghỉ tiếp theo hoặc số ngày nghỉ phép.

Sắp xếp lại thời gian nghỉ ngơi: Nếu công việc chen chân vào kỳ nghỉ, mọi người có thể hỏi người thân, bạn bè để sắp xếp những buổi ăn uống, tụ tập vào một dịp khác. Thời điểm sớm hay muộn không quan trọng, nhưng bằng cách này, cá nhân sẽ cảm thấy mình không bỏ lỡ mọi cuộc vui.

Tránh lên mạng xã hội: Trong quãng thời gian nghỉ ngơi, mọi người nên vận động hoặc ăn nhẹ thay vì lướt mạng xã hội và chứng kiến khoảnh khắc sum họp, đi du lịch của những người khác. Điều này sẽ giúp cá nhân tập trung vào công việc, đồng thời tránh cảm giác “tội nghiệp bản thân".

Tập trung xử lý công việc: Làm việc trong kỳ nghỉ dễ khiến mọi người mất động lực. Tuy nhiên, thay vì buồn bã, hãy viết một danh sách các nhiệm vụ cần làm và gạch bỏ từng cái sau khi hoàn thành. Như vậy, chúng ta có thể nâng cao tinh thần, đẩy mạnh năng suất làm việc và sớm được nghỉ ngơi.

Nhận làm việc trong dịp nghỉ lễ vì lương gấp 3, ngại từ chối sếp

Bước vào kỳ nghỉ kéo dài 5 ngày dịp 30/4-1/5, nhiều "công dân laptop" vẫn làm việc liên tục. Cùng lúc đó, các quản lý thừa nhận áy náy khi giao nhiệm vụ cho nhân viên vào lễ, Tết.

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.

Nguồn tin: zingnews.vn
 Tags: nghỉ lễ
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp