Ông Vũ Anh Tuấn, dự báo viên Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết thời tiết dịp 30/4-1/5 khả năng diễn biến xấu trên cả nước do sự xuất hiện đồng thời của không khí lạnh và vùng áp thấp trên Biển Đông.
"Hai hình này có khả năng tương tác với nhau và gây ra đợt mưa dông trên diện rộng ở hầu khắp cả nước", ông Tuấn thông tin.
Đặc điểm mưa khác nhau ở từng vùng
Theo đó, miền Bắc và từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh được dự báo mưa dông, chuyển lạnh trong các ngày 30/4-1/5. Vùng núi và trung du có thể mưa lớn kèm theo nguy cơ về dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Do đó, người dân có kế hoạch vui chơi ở các tỉnh, thành phố phía Bắc có thể cân nhắc đi du lịch hoặc lựa chọn thời gian hoạt động ngoài trời vào các ngày 2-3/5, khi đợt mưa dông kết thúc. Nhiệt độ tại khu vực vào dịp này dao động 23-28 độ C, không quá oi bức.
Với kỳ nghỉ kéo dài 4 ngày, nhiều điểm du lịch dự kiến đón lượng khách lớn. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Tại khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ, mưa khả năng xuất hiện liên tục trong cả 4 ngày nghỉ (30/4-3/5). Tuy nhiên, mưa tập trung về chiều và tối, ban ngày mưa nhỏ gián đoạn. Do đó, người dân nên lựa chọn khung giờ thích hợp để vui chơi ngoài trời.
"Người dân nên thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết để có kế hoạch nghỉ lễ an toàn và thuận lợi, tránh thời điểm mưa dông trong ngày do đây là giai đoạn chuyển mùa, dễ xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm", ông Tuấn nói.
Thời tiết các điểm vui chơi thế nào?
Ông Lưu Minh Hải, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Lào Cai, cho biết Tây Bắc Bộ kết thúc đợt nắng nóng vào ngày 27/4. Hai ngày tiếp theo, khu vực giảm nhiệt và duy trì mức cao nhất 32-34 độ C.
Đến ngày 30/4, mưa dông xuất hiện ở miền núi Bắc Bộ, trong đó có một số điểm du lịch như Sa Pa (Lào Cai), Mộc Châu (Sơn La), Hà Giang... Mưa duy trì đến hết ngày 1/5, sau đó trời chuyển nhiều mây và hửng nắng.
Chuyên gia khuyến cáo người dân du lịch miền núi trong kỳ nghỉ sắp tới cần đề phòng mưa lớn có thể gây ra nguy cơ dông, sét trong 2 ngày đầu, kèm thời tiết chuyển lạnh. Ngày 2-3/5, thời tiết được cải thiện hơn nên thích hợp hơn cho việc di chuyển, hoạt động ngoài trời.
Trong khi đó, mưa rào và dông cũng xuất hiện tại các vùng biển phía bắc như Cát Bà (Hải Phòng), Hạ Long (Quảng Ninh), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An) từ đêm 30/4 đến hết ngày 1/5. Vì vậy, kỳ nghỉ của người dân tại đây có thể bị gián đoạn một ngày, còn lại thời tiết ngày 30/4 và 2-3/5 vẫn thích hợp để vui chơi.
Trong dịp nghỉ lễ 30/4-3/5, Đà Nẵng có nắng gián đoạn vào ban ngày, mưa tập trung về chiều và tối. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Tại các vùng biển Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ, người dân cần lưu ý hơn do thời tiết chuyển xấu. Nguyên nhân là các khu vực này có thể chịu ảnh hưởng của rìa bắc rãnh áp thấp kết hợp với rìa tây nam của áp cao lạnh lục địa.
Theo chuyên gia của Đài Khí tượng Thủy văn Trung Trung Bộ, khu vực Đà Nẵng cùng nhiều điểm du lịch lân cận có nắng vào ngày 30/4, sau đó trời chuyển mưa rào và dông về đêm. Ngày 1-3/5, khu vực có nắng gián đoạn, mưa tập trung chủ yếu về chiều và tối. Nhiệt độ dao động 22-28 độ C.
Trong khi đó, Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ cho biết TP.HCM và các tỉnh, thành phố khác mưa dông liên tục trong 4 ngày nghỉ sắp tới, nhiệt độ dao động 27-33 độ C, nắng gián đoạn vào ban ngày và mưa tập trung về chiều tối. Riêng ngày 3/5, mưa lớn có thể xuất hiện và kéo dài.
Chuyên gia khuyến cáo người dân đến các điểm du lịch biển ở phía nam như Quy Nhơn, Phú Yên, Nha Trang, Phú Quốc, Vũng Tàu... và các đảo cần lưu ý do thời tiết biển diễn biến xấu vào dịp nghỉ lễ. Các địa phương cần đề nghị du khách không tắm biển vào những ngày biển động.
Thời tiết diễn biến xấu ở nhiều nơi trong dịp lễ 30/4Thời tiết diễn biến xấu trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 khi mưa dông xuất hiện ở nhiều nơi. Tại miền Bắc, không khí lạnh tràn về khiến khu vực giảm nhiệt xuống ngưỡng 20-25 độ C. |
Mưa lớn và bão có thể xuất hiện vào dịp nghỉ lễ 30/4Trong dịp nghỉ lễ kéo dài 4 ngày, mưa lớn nguy cơ xảy ra ở Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Trong khi đó, Biển Đông có thể xuất hiện áp thấp nhiệt đới hoặc bão. |